Hun đắp một tình yêu
“Tôi là dân kiến trúc nên với nhiều người, đôi khi những ý tưởng của chúng tôi bị cho là hơi điên điên một tý - mở đầu câu chuyện, Lê Việt Hà chia sẻ. Từ những năm học ở Ba Lan, tôi đã kết nối với bạn bè, các anh chị là những người làm nghề kiến trúc sư, những nhà làm quy hoạch để thành lập hội Ashui.com (Quy hoạch, kiến trúc và cảnh quan đô thị).
Khi về nước công tác, lúc rảnh, tôi hay lang thang trên những khu phố cổ, những quán cà phê “độc, lạ” để ngắm Hà Nội. Tôi rất thích lang thang lúc đêm muộn, khi đó mình sẽ cảm nhận được những giá trị đích thực của Hà Nội và ý tưởng về cuộc thi “Hà Nội 36 phố phường - ý tưởng cho một góc phố đẹp” cũng ra đời từ đó”.
Theo KTS Hà, đó là cuộc thi đầu tiên về kiến trúc cho Hà Nội, nó là sân chơi đầu tiên cho anh em kiến trúc có tình yêu với Hà Nội thi thố. Người tham gia cuộc thi sẽ trình bày về các ý tưởng, để chỉnh trang các góc phố, tuyến phố. Nó có thể chỉ là trồng lại cây, xem góc phố này nên làm gì, bán gì ở đó.
Điều làm họ tâm đắc nhất của cuộc thi là, làm gì thì làm nhưng không được làm mất đi những giá trị tinh thần, vật chất mà lịch sử để lại cho Thủ đô dù chỉ là những viên gạch lát vỉa hè.
Kết quả cuộc thi có như ý không, thưa anh? Tôi hỏi. Anh Hà đáp: Có hơn 40 phương án của tất cả anh em trong giới kiến trúc gửi thi. Có người ở Sài Gòn cũng nặng tình với Hà Nội nên đã dành thời gian để làm bài dự thi. Tất cả các bài dự thi vào vòng chung khảo đều được lưu lại trên ban quản lý phố cổ để phục vụ cho đồ án cải tạo lại phố cổ trong hiện tại và tương lai.
Năm đó, khi có giấy báo nhận giải thưởng Bùi Xuân Phái về ý tưởng hay cho Hà Nội (mỗi năm chỉ có 1 giải cho ý tưởng hay), Hà rất ngỡ ngàng vì cứ nghĩ ý tưởng đó của anh rất bình thường và lúc thực hiện ý tưởng đó chỉ là để thỏa mãn niềm đam mê của mình thôi.
Trăn trở với công viên
Xin hãy giữ lại tiếng rao bánh mỳ, tiếng mời gọi của bác xích lô… Hãy quy hoạch lại, đừng dẹp bỏ nó như chẳng bao giờ ta nghe lại được tiếng leng keng của tàu điện ngày xưa nữa.
KTS Lê Việt Hà
Hà có thói quen khi rảnh hay tìm đến những công viên vừa để ngắm cảnh, vừa để suy ngẫm lại những việc mình đã làm. Trong một lần lang thang trong công viên Thống nhất, Hà nhớ lại những lần vào công viên ở Ba Lan - nơi anh du học.
Ở đó, công viên được định nghĩa là một không gian mở mà tất cả mọi người có thể được hưởng thụ rất nhiều tiện ích mà nó đem lại. Còn ở mình, xung quanh được rào kín, chỉ ra vào bằng mấy cái cổng. Điều đặc biệt là phần đa công viên ở nước ngoài người ta không thu phí.
Hà đem ý tưởng đó ra bàn với nhóm và được mọi người rất tán thành, anh em sẵn sàng cùng tham gia tổ chức cuộc thi, cùng thống nhất tên gọi cuộc thi thiết kế “Công viên Thống Nhất cho tất cả mọi người”.
Nguồn tiền để thực hiện cuộc thi toàn là đi xin thôi. Cuộc thi về phố cổ cũng không tốn kém lắm chủ yếu là công sức của anh em trong nhóm. Mỗi cuộc thi cũng phải mất vài ba tháng. Anh em vẫn đùa với nhau rằng, mấy tháng nay mình ăn cơm nhà đi vác tù và hàng tổng xem sự đời thế nào.
Đến cuộc thi về cải tạo, chỉnh trang lại công viên Thống nhất rất may nhờ các mối quan hệ với Trung tâm nghiên cứu toàn cầu hóa (ĐH Hawaii, Mỹ), không những Hà và các bạn có kinh phí mà họ còn cử giáo sư có kiến thức chuyên môn giỏi sang Việt Nam để cùng tham gia chấm giải.
Năm đó chấm giải có rất nhiều ý tưởng mà theo những nhà làm chuyên môn là rất hay. Nhưng sau đó, mọi việc có vẻ dậm chân tại chỗ vì kinh tế khó khăn.
“Gần đây, khi trở lại Việt Nam, mấy giáo sư người Mỹ rất buồn khi biết những ý tưởng của mấy năm về trước chưa thực hiện được. Sau khi trao đổi, bàn thảo, họ đã hứa sẽ tìm nguồn tài trợ ở nước ngoài để thực hiện dự án” - Hà cười, khoe.
Yêu Hà Nội từ trên cao
“Anh có nhớ hồi năm ngoái báo Tiền Phong và một số báo khác đưa tin nhiều về việc có di dời cầu Long Biên không? Hồi đó, cứ chiều xuống, tôi lại cùng đám bạn ra uống cà phê ngay gần cầu để bàn luận về cây cầu mà theo tôi là một phần rất quan trọng của lịch sử, văn hóa Hà Nội.
Trong tâm trí tôi lúc đó rất buồn, nếu người ta di dời cầu đi nơi khác thật! Chúng tôi cùng đưa ra ý tưởng dùng thiết bị chuyên dụng để quay lại toàn cảnh cầu Long Biên từ trên cao để sau này ngộ nhỡ người ta di dời cây cầu đi thì mình cũng có cái để ngắm mỗi khi nhớ. Và Dự án “Hà Nội Fly” (Hà Nội nhìn từ trên cao) cũng ra đời từ đó”, Hà nhớ lại.
Từ ý tưởng ban đầu chỉ quay cầu Long Biên, Hà cùng đồng nghiệp đã thành lập dự án HanoiFly - Hà Nội nhìn từ trên cao. Họ thực hiện ở 10 địa điểm đặc trưng của Hà Nội.
Từ cầu Long Biên, Bờ Hồ, những khu đô thị mới và cả Làng cổ Đường Lâm nữa. Mỗi địa điểm thực hiện 10 phút quay. Và từ những cảnh quay này, sẽ có một triển lãm ảnh đặc biệt về Hà Nội nhìn từ trên cao.
Người xem sẽ cảm thấy vừa lạ lại vừa quen về những công trình kiến trúc Thủ đô hay những di tích, biểu tượng nổi tiếng đất Hà thành. Đến bay giờ nhóm của Hà quay xong toàn bộ 10 địa điểm và đang khẩn trương làm phần hậu kỳ để kịp trình làng đúng vào dịp kỷ niệm 60 năm giải phóng Thủ đô.
Không chỉ 3 lần nhận giải thưởng Bùi Xuân Phái, Việt Hà và nhóm của mình còn có cả chục ý tưởng khác chỉ để thể hiện một tình yêu với Hà Nội. Anh bảo: những lần lang thang giữa trời khuya Hà Nội mới cảm nhận hết vẻ đẹp huyền bí của từng góc phố, con đường, của chén trà nóng vỉa hè, tiếng í ới của mấy chị hàng đêm.