Hậu Giang:

Các tỉnh miền Tây tăng cường xử lý tình trạng đầu cơ, găm hàng xăng dầu

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Ngày 7/9, tại cuộc họp với các sở ngành liên quan về tình hình kinh doanh xăng dầu (KDXD) trên địa bàn tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Nguyễn Văn Hòa đề nghị các sở ngành liên quan, các địa phương trong tỉnh tiến hành kiểm tra, thanh tra các cửa hàng xăng dầu trong đợt cao điểm, xử lý nghiêm nếu có tình trạng đầu cơ, găm hàng…

Tại cuộc họp, ông Huỳnh Thanh Phong - Giám đốc Sở Công Thương Hậu Giang cho biết, thời gian gần đây, do nguồn cung và diễn biến giá xăng dầu trên thế giới có nhiều biến động, có thời điểm khan hiếm, thiếu hụt cục bộ, dẫn đến gián đoạn nguồn cung trong hệ thống KDXD, nên có một số cửa hàng hết xăng, dầu.

Sở đã đề xuất Bộ Công Thương xem xét, điều tiết nguồn cung xăng dầu và tính giá bảo đảm cho các doanh nghiệp có lãi để duy trì hoạt động; đồng thời, chỉ đạo thương nhân đầu mối KDXD, thương nhân phân phối xăng dầu chủ động nguồn cung, có phương án nhập khẩu hoặc mua từ nguồn trong nước để bảo đảm cung ứng đầy đủ xăng dầu cho thị trường.

Hậu Giang hiện có tổng số 233 cửa hàng bán lẻ xăng dầu, 7 thương nhân đầu mối và 25 thương nhân phân phối xăng dầu đang hoạt động. Vừa qua, sau khi có thông tin một số cửa hàng hết xăng dầu, Sở Công Thương thành lập đoàn khảo sát, tiến hành kiểm tra đối với 14 cửa hàng, trong đó có 6 cửa hàng hết xăng dầu hoặc hết xăng còn dầu. Đoàn đã lập biên bản và đề nghị các cửa hàng cam kết sớm nhập hàng và bán trở lại.

Các tỉnh miền Tây tăng cường xử lý tình trạng đầu cơ, găm hàng xăng dầu ảnh 1

Lực lượng chức năng Hậu Giang kiểm tra các đơn vị kinh doanh xăng dầu.

Những ngày gần đây, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Hậu Giang cũng tăng cường công tác quản lý địa bàn, giám sát 24/24 giờ các đại lý, cửa hàng KDXD trên địa bàn, triển khai cho 32 cửa hàng, đại lý bán lẻ xăng dầu trên địa bàn ký cam kết; lập biên bản kiểm tra 1 doanh nghiệp KDXD có hành vi giảm lượng hàng bán ra so với thời gian trước đó mà không có lý do chính đáng hoặc không thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định…

Phát biểu chỉ đạo, ông Nguyễn Văn Hòa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đề nghị Sở TT&TT, báo đài cập nhật thông tin, tuyên truyền đầy đủ về nguồn cung ứng xăng dầu, các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương và của tỉnh đối với công tác KDXD, tránh gây hoang mang trong nhân dân.

Sở Công Thương làm việc với thương nhân phân phối, thương nhân đầu mối, các doanh nghiệp cung ứng xăng dầu, ràng buộc trách nhiệm trong cam kết cung ứng xăng dầu; tính toán nhu cầu sử dụng xăng dầu trong tỉnh, tham gia trong đề xuất chủ trương đầu tư của các cửa hàng xăng dầu để tránh tình trạng chênh lệch cung cầu.

Cục QLTT, Sở Công Thương phối hợp Công an tỉnh, Sở KH&CN, Sở TT&TT, các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tiến hành kiểm tra, thanh tra các cửa hàng xăng dầu trong đợt cao điểm, xử lý nghiêm nếu có tình trạng đầu cơ, găm hàng. Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh thường xuyên giám sát tình hình hoạt động KDXD, phản ảnh hành vi vi phạm để cơ quan quản lý nhà nước chấn chỉnh, xử lý kịp thời…

Ngày 7/9, thông tin từ Cục Quản lý thị trường tỉnh Cà Mau, trong 8 tháng đầu năm 2022, đơn vị đã kiểm tra 66 vụ, phát hiện 7 vụ vi phạm hành chính, nộp ngân sách nhà nước hơn 138,9 triệu đồng liên quan lĩnh vực xăng dầu.

Trong đó, xử phạt hành chính 84 triệu đồng, số lợi bất hợp pháp là hơn 54,9 triệu đồng. Hành vi vi phạm chủ yếu về điều kiện kinh doanh xăng dầu; không Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu theo quy định;…

Qua đó, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Cà Mau đã thực hiện tuyên truyền, ký cam kết 173 và dán số điện thoại đường dây nóng (hotline) 240 tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Trong thời gian tới, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Cà Mau sẽ tăng cường công tác quản lý, giám sát địa bàn, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.

MỚI - NÓNG