Xử nghiêm cửa hàng bán lẻ xăng dầu hoạt động không đúng quy định

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Các cơ quan chức năng kịp thời chỉ đạo kiểm tra, xử lý nghiêm các cửa hàng bán lẻ xăng dầu hoạt động không đúng quy định, chủ động phương án điều hành để tạo dư địa hỗ trợ giá xăng dầu trong trường hợp cần thiết.
Xử nghiêm cửa hàng bán lẻ xăng dầu hoạt động không đúng quy định ảnh 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính (ảnh Nhật Minh)

Ngày 6/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng cho biết, trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động, Việt Nam tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng; giữ vững quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nêu rõ, việc giải ngân vốn đầu tư công, việc mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế chưa được cải thiện nhiều; công tác quy hoạch chưa đạt tiến độ. Người đứng đầu Chính phủ đề nghị các đại biểu phân tích, đánh giá, chỉ rõ những việc đã làm được và chưa làm được; nhận định khách quan về kết quả, nguyên nhân; phân tích kỹ lưỡng, đầy đủ, sát thực để làm rõ những khó khăn, thách thức, các bài học kinh nghiệm, rà soát, xác định các nhiệm vụ, công việc, đề án phải tập trung hoàn thành trong tháng 9 và thời gian tới.

Báo cáo tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết, CPI tính chung 8 tháng tăng 2,58%, tương đương cùng kỳ các năm 2018-2021. Các cơ quan chức năng kịp thời chỉ đạo kiểm tra, xử lý nghiêm các cửa hàng bán lẻ xăng dầu hoạt động không đúng quy định, chủ động phương án điều hành để tạo dư địa hỗ trợ giá xăng dầu trong trường hợp cần thiết.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục khởi sắc, nhiều ngành, lĩnh vực có xu hướng phục hồi tốt, bảo đảm nguồn cung tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Tình hình đăng ký doanh nghiệp tiếp tục tăng, phản ánh nền kinh tế đang phục hồi tích cực. Số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường 8 tháng đạt gần 150.000 doanh nghiệp, tăng 31,1% so với cùng kỳ năm trước; biểu thị niềm tin mạnh mẽ của doanh nghiệp vào ổn định vĩ mô và phục hồi kinh tế nước ta.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cũng chỉ ra một số khó khăn, hạn chế, tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức, như giá xăng dầu, lương thực, thép, phân bón… thế giới có dấu hiệu hạ nhiệt, nhưng khó dự báo. Việc gián đoạn nguồn cung, chi phí sản xuất, vận tải toàn cầu gia tăng…, tạo áp lực lên lạm phát, giá cả hàng hóa trong nước.

Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro. “Nếu không có giải pháp điều hành, hỗ trợ kịp thời, có thể làm suy giảm tiềm năng phục hồi kinh tế, tác động dây chuyền đến nhiều ngành, lĩnh vực, đời sống người dân", Bộ trưởng Bộ KH&ĐT nhấn mạnh.

Về triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, ông Dũng cho biết đã giải ngân được 55,5 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, việc hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động thực hiện chưa được như kỳ vọng do thủ tục còn phức tạp và chính quyền một số địa phương triển khai chưa quyết liệt. Trong khi đó, giải ngân đầu tư công, đạt 212.227 tỷ đồng, bằng 39,15% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn cùng kỳ năm 2021 là 24.942 tỷ đồng.

Theo chương trình, tại phiên họp Chính phủ tập trung thảo luận về: Tình hình kinh tế-xã hội; việc triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; giải ngân vốn đầu tư công; tình hình triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và đầu tư công năm 2023; định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050…

MỚI - NÓNG