Cần Thơ xử phạt hơn 400 triệu đồng vi phạm kinh doanh xăng dầu

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Tính từ đầu năm 2022 đến nay, cơ quan chức năng thành phố Cần Thơ đã thực hiện kiểm tra tình hình kinh doanh xăng dầu trên địa bàn với 28 vụ, trong đó đã xử phạt 19 vụ vi phạm, với tổng số tiền hơn 400 triệu đồng.

Cục Quản lý thị trường (QLTT) thành phố Cần Thơ cho biết, chiều 31/8, lãnh đạo Sở Công Thương, Cục QLTT thành phố đã đi khảo sát hoạt động kinh doanh xăng dầu (KDXD) tại một số cửa hàng trên địa bàn quận Ninh Kiều và Bình Thủy.

Qua kiểm tra, có 3 cửa hàng xăng dầu ngưng bán nhưng vẫn mở cửa, với các lý do như: bên trong bồn chứa xăng dầu có hiện tượng rỉ nước, công ty đang khắc phục; số lượng xăng còn ít nên cò bơm không bơm được.

Đáng chú ý, hiện nông dân sử dụng nhiều dầu hơn vì đang vào vụ Thu Đông cần dầu để bơm nước, tuy nhiên các thương nhân phân phối xăng dầu yêu cầu các cửa hàng phải nhập cả xăng lẫn dầu, gây khó cho các cửa hàng xăng dầu.

Theo Cục QLTT Cần Thơ, nhìn chung các điểm KDXD trên địa bàn đều bán đúng giá niêm yết, chấp hành các quy định; chưa phát hiện hiện tượng đầu cơ găm hàng, chờ tăng giá.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hành vi vi phạm trong KDXD. Tính từ ngày 24/1/2022 đến nay, đã thực hiện kiểm tra 28 vụ, trong đó đã xử phạt 19 vụ vi phạm với tổng số tiền hơn 400 triệu đồng.

Các hành vi vi phạm gồm: không ghi thời gian bán hàng tại khu vực bán hàng theo quy định; ngừng bán hàng khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản; giảm lượng hàng bán ra so với thời gian trước đó mà không có lý do chính đáng; chuyển tải xăng dầu không đúng vị trí quy định; thương nhân phân phối không đáp ứng điều kiện về hệ thống phân phối xăng dầu…

Cần Thơ xử phạt hơn 400 triệu đồng vi phạm kinh doanh xăng dầu ảnh 1
Lực lượng chức năng TP Cần Thơ kiểm tra các cửa hàng xăng dầu.

Tại buổi kiểm tra chiều 31/8, đại diện một cửa hàng cho biết, hiện nguồn dự trữ của cửa hàng vẫn đảm bảo cung ứng cho thị trường, tuy nhiên không được dồi dào như thời gian trước. Nguồn nhập hàng hơi khan hiếm, đặc biệt đối với dầu Diesel, nhưng vẫn cố gắng đảm bảo có hàng để bán cho người dân trong dịp lễ Quốc khánh này.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hiền - Phó Cục trưởng phụ trách Cục QLTT Cần Thơ, trong thời gian tới, Cục tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức tuyên truyền, giám sát việc chấp hành pháp luật trong hoạt động KDXD trên địa bàn. Chỉ đạo các Đội QLTT tiếp tục tăng cường nắm địa bàn, nắm diễn biến thị trường, tổ chức giám sát tình hình KDXD 24/24h, xử lý nghiêm hành vi vi phạm trong KDXD.

Tại Hậu Giang, Giám đốc Sở Công Thương cũng vừa làm việc với 8 thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu trên địa bàn tỉnh. Nhìn chung tình hình hoạt động của hầu hết các cửa hàng trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định. Qua kiểm tra chưa phát hiện trường hợp nào đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp KDXD cũng gặp khó khăn khi ảnh hưởng từ nguồn cung, giá xăng dầu thế giới biến động nhanh; các DN đầu mối trong nước không chủ động nguồn cung hoặc nhập hàng số lượng đủ cung cấp cho hệ thống và các thương nhân phân phối có đăng ký sản lượng ổn định. Do đó, có một vài thương nhân phân phối không mua được hàng từ thương nhân đầu mối. Ngoài ra, mức chiết khấu đến các cửa hàng bán lẻ thấp, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các DN.

Chia sẻ những khó khăn trong thời điểm hiện nay, Giám đốc Sở Công Thương Hậu Giang Huỳnh Thanh Phong cũng lưu ý DN cần chủ động nguồn hàng, duy trì bán hàng theo thời gian đã đăng ký tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu, đảm bảo hài hòa lợi ích, chia sẻ khó khăn.

Các đề xuất của DN, Sở Công Thương ghi nhận và gửi về Bộ Công Thương xem xét, điều tiết nguồn cung xăng dầu và tính giá đảm bảo cho DN duy trì hoạt động, có phương án cung ứng đầy đủ xăng cho thị trường nói chung và Hậu Giang nói riêng…

MỚI - NÓNG