Người mở hàng sáng tác cho chủ đề “Những ngày giãn cách, bạn nghĩ gì?” chính là danh họa của dòng trừu tượng Phạm An Hải, một trong số những họa sỹ “ăn khách” hiện nay. Khai phá lối riêng, “trừu tượng của cảm xúc”, nên thưởng thức tác phẩm của Phạm An Hải trong mùa giãn cách không đến mức “đánh đố” với người thưởng ngoạn. Anh tâm sự: “Khoảng thời gian hiếm hoi buộc phải giam mình giữa bốn bức tường giúp tôi sống chậm lại, có những khoảng lặng lẽ nhìn nhận, ngẫm ngợi về bản thân và cả những người sống quanh mình. Một đời sống tình cảm ấm áp cùng những mối quan hệ cộng đồng luôn là sợi dây gắn kết bền chặt nhất giữa người với người. Đó là điều trước đây ta đã từng biết, nhưng chỉ có thể cảm nhận rõ nhất, sâu sắc nhất khi trải qua những ngày cách ly”.
"Cách ly 1" của Phạm An Hải
Cách ly không chỉ mang đến những cảm nhận sâu sắc về tình người, mối quan hệ cộng đồng mà còn giúp người ta có thời gian lắng lại để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của không gian mình sống. Đường làng trong tranh Lê Anh Vân đẹp khó cưỡng, thanh bình mà lộng lẫy. “Cũng trong những ngày này, giữa không gian vắng vẻ trầm lắng, cảnh vật lại hiện lên, lại phô bày trọn vẹn những đường nét hoàn mỹ của mình. Vẻ đẹp ấy đã tạo cho tôi cảm xúc để lưu lại những “Đường phố” và “Đường làng”, tưởng như quen mà rất lạ ấy”, chia sẻ của danh họa Lê Anh Vân, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam.
"Đường làng"- Lê Anh Vân
Nếu Lê Anh Vân đưa người xem vãn cảnh đường làng thì Phạm Luận lại dẫn “thượng đế” về phố của thủ đô: “Tôi không chọn Hàng Ngang, Hàng Đào mà chọn phố Nhà Thờ vì đây là điểm du lịch, bình thường rất đông người xe, sôi động nhưng trong những ngày cách ly lại rất vắng lặng. Quỹ đạo cũ, nhịp sống xưa trở về, không khí trong lành trở lại. Phố tuy không có bóng người nhưng lại có đàn chim câu tung tăng giữa ánh nắng, cuộc sống vẫn tiếp diễn và hứa hẹn những ngày bình yêu sẽ sớm trở lại”, Phạm Luận nói.
“Về nhà” là tên bức tranh xinh đẹp rất dễ lấy lòng người xem của Đào Hải Phong: “Tôi chợt nghĩ, thật may mắn và hạnh phúc cho mỗi chúng ta, vì vẫn có quê hương, có ngôi nhà của gia đình luôn chở che bao dung đón nhận từng đứa con xa trở về. Cho dù đường đời có ra sao, số phận có thế nào thì nhà vẫn là nơi an lành, ấm áp nhất”.
"Về nhà" - Đào Hải Phong
Đặng Xuân Hòa mang đến triển lãm hai bức “Vắng lặng”; “Niềm tin”, hai tác phẩm bột màu trên giấy theo phong cách bán trừu tượng (Semi- Abstract). “Những nẻo đường vắng ngắt, không một bóng người tượng trưng cho sự tĩnh lặng trong tâm hồn của mỗi cá nhân. Thắng lợi ban đầu của cuộc chiến cam go này cho thấy niềm tin đã giúp xã hội giải quyết triệt để được một vấn đề tưởng như vô cùng nan giải”, Đặng Xuân Hòa chia sẻ.
"Vắng lặng"- Đặng Xuân Hòa
“Với riêng tôi, mỗi ngày trong suốt quãng thời gian “độc nhất vô nhị” ấy như dài hơn, dài mãi! Để nhịp thời gian trôi nhanh hơn, tôi chọn cách vẽ nhiều, đọc sách nhiều và tìm hiểu thông tin bệnh dịch cũng khá nhiều. Trong căn nhà nhỏ của tôi, không gian yên tĩnh đến lạ, dù gia đình quây quần đủ cả bố mẹ, con cái. Con thì lên phòng học (trực tuyến), vợ chồng nếu không đọc sách, không xem phim bộ Hàn Quốc thì cắm mặt vào màn hình điện thoại lướt facebook… Tác phẩm “Những ngày cách ly” của tôi phản ánh trung thực những gì đã diễn ra trong gia đình, qua góc nhìn của riêng tôi”, tâm sự của Đặng Tiến.
"Ngày cách ly"- Đặng Tiến
Đi một lối riêng biệt trong “Tranh mùa giãn cách” là bức “Khúc khải hoàn” của Lê Trí Dũng. Tên tuổi Lê Trí Dũng gắn với tranh ngựa. Ngựa tiếp tục là cảm hứng giúp danh họa chuyển tải suy nghĩ của mình trong thời dịch bệnh: “Lần đầu tiên sau nhiều năm chống lại những kẻ thù xâm lược hùng mạnh dân tộc Việt Nam lại phải đối mặt với một kẻ thù nguy hiểm: Đại dịch COVID-19. Kẻ thù này khủng khiếp hơn, vô hình và sức tàn sát dữ dội hơn. Nhưng Việt Nam không sợ. Bộ tranh của tôi muốn phản ánh và chuyển tải kỳ tích hóa giải đại dịch của đất nước”.
"Khúc khải hoàn" - Lê Trí Dũng