Công chiếu bức tranh panorama dài 132 m về chiến thắng Điện Biên Phủ
TPO - Bức tranh panorama “Chiến dịch Điện Biên Phủ” tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ được tái hiện lại bằng công nghệ 3D mapping. Công chúng được chiêm ngưỡng tại không gian phố đi bộ Hoàn Kiếm từ ngày 3-5/5.
Tối 3/5, Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) phối hợp UBND TP. Hà Nội tổ chức khai mạc chương trình trình chiếu bức tranh panorama Chiến dịch Điện Biên Phủ bằng công nghệ 3D mapping tại tượng đài Cảm tử ( Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Phát biểu tại lễ khai mạc, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng cho biết với mong muốn truyền tải rộng giá trị lịch sử để người dân Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ hiểu thêm về những hy sinh to lớn của cha ông, hiểu hơn về giá trị của hòa bình và độc lập dân tộc, Bộ TT&TT phối hợp với UBND TP. Hà Nội đưa bức tranh panorama Chiến dịch Điện Biên Phủ từ Điện Biên về Hà Nội thông qua công nghệ trình chiếu 3D mapping.
“Đây là một kỹ thuật sử dụng ánh sáng và hình ảnh, âm thanh để tạo hiệu ứng, giúp người xem trải nghiệm bức tranh một cách sống động và chân thực nhất. Tôi tin rằng, việc trình chiếu 3D bức tranh Chiến dịch Điện Biên Phủ không chỉ là một trải nghiệm, mà sẽ góp phần quảng bá, nuôi dưỡng sự trân trọng sâu sắc hơn đối với lịch sử, khơi dậy lòng tự hào dân tộc và tinh thần yêu nước”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Bức tranh panorama Chiến dịch Điện Biên Phủ do gần 200 họa sĩ trẻ tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam thực hiện, bằng chất liệu sơn dầu trên nền vải toan trong không gian 360 độ, chiều cao 20,5 m, chiều dài 132 m, đường kính 42 m, phần đắp nổi sắp đặt các mẫu vật nối tiếp, phần mái vòm thể hiện bầu trời hòa bình tạo nên một bức tranh có tổng diện tích hơn 3.000 m2.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ An Phong (trái) cùng các đại biểu chiêm ngưỡng tác phẩm được tái hiện bằng 3D mapping. Các hoạ sĩ đã khắc họa hơn 4.500 nhân vật, sự hùng tráng ác liệt của chiến trường Điện Biên Phủ năm 1954 từ hàng ngàn tư liệu lịch sử được sưu tầm tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, các chứng nhân lịch sử đã tạo nên bức tranh sống động, một kiệt tác về hội họa trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam.
Bức tranh là tác phẩm nghệ thuật khắc họa rõ nét 56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt của quân và dân ta để làm nên chiến thắng Điện Biên lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.
Với sự kết hợp giữa kỹ xảo, màu sắc, âm thanh sống động, buổi trình chiếu khiến nhiều người dân trong nước, bạn bè quốc tế thích thú. Thông qua buổi trình chiếu, công chúng, du khách cảm nhận và hiểu thêm về mốc son chói lọi của Việt Nam một cách trực quan và sinh động nhất.
Chương trình trình chiếu 3D mapping bức tranh panorama Chiến dịch Điện Biên Phủ được chia thành 4 trường đoạn và phát đi phát lại liên tục trong suốt ca chiếu. Bốn trường đoạn gồm Toàn dân ra trận, Khúc dạo đầu hùng tráng, Cuộc đối đầu lịch sử, Khúc khải hoàn mừng chiến thắng.
Trường đoạn Toàn dân ra trận được lồng nhạc và lời các bài hát: Pi noọng ơi (sáng tác: Văn Chung), Hành quân xa (sáng tác Đỗ Nhuận), Hò kéo Pháo ( sáng tác Hoàng Vân) nhằm thể hiện sức mạnh đoàn kết của dân tộc Việt Nam. Đó là bức chân dung của cả một thế hệ với hàng ngàn, hàng vạn con người, dấn thân vào một trận chiến vĩ đại vì nền độc lập tự do của Tổ quốc.
Trường đoạn Khúc dạo đầu hùng tráng sử dụng nhạc và lời nhạc bài hát Trên đồi Him Lam (sáng tác: Đỗ Nhuận) kết hợp âm thanh và ánh sáng khắc họa lại trận đánh tại Trung tâm đề kháng Him Lam ngày 13/3/1954. Trường đoạn Cuộc đối đầu lịch sử là sự kết hợp âm thanh, ánh sáng trên nền tiếng nổ của khối bộc phá gần 1.000 kg trên cứ điểm A1.
Trường đoạn cuối cùng Khúc khải hoàn mừng chiến thắng sử dụng nhạc và lời bài hát Giải phóng Điện Biên (sáng tác: Đỗ Nhuận) nhằm tái hiện khoảnh khắc lịch sử vào 17h30 ngày 7/5/1954, lá cờ Quyết chiến, Quyết thắng của Quân đội Nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries báo hiệu Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng sau 56 ngày đêm chiến đấu oanh liệt. Sự kiện trình chiếu kéo dài từ 3/5-5/5 tại tượng đài Cảm tử (Hoàn Kiếm, Hà Nội), khung thời gian 18h30-23h.