Quái kiệt thơ tạm xa Phương Bối

Nhà thơ Nguyễn Đức Sơn (biệt danh Sơn núi) qua đời ngày 11/6/2020, hưởng thọ 83 tuổi
Nhà thơ Nguyễn Đức Sơn (biệt danh Sơn núi) qua đời ngày 11/6/2020, hưởng thọ 83 tuổi
TP - Sáng 13/6/2020, tôi gọi điện cho nhà thơ Nguyễn Đức Vân, thì được sư Vân cho biết: “Sáng nay tôi đưa ông cụ lên hỏa thiêu trên Đà Lạt, rồi sau này sẽ đưa tro cốt về lại Phương Bối”. Lòng tôi ngậm ngùi nhớ đến trận mưa rừng năm nào trên đồi Phương Bối, nơi chúng tôi trò chuyện về văn thơ với bậc tiền bối Nguyễn Đức Sơn.

Thơ không ai in

Đối với văn học miền Nam trước 1975, Nguyễn Đức Sơn là tên tuổi rất lớn, thơ ông không giống ai và có lẽ chẳng ai giống và muốn giống ông, vì nó quá “ngạo ngược”, tiếng thơ như tiếng nói của tự do. Nguyễn Đức Sơn từng nói với tôi: “Chẳng ai in thơ của tôi, tôi tự lập nhà xuất bản in thơ”.

Vào thập niên 1990 tên tuổi của Nguyễn Đức Sơn chưa được văn nghệ sĩ biết đến nhiều do sách của ông không tái bản, người ta cũng ít nói tới nền văn học của chế độ cũ. Tôi gặp Nguyễn Đức Sơn rất đỗi tình cờ. Khi tôi lên Đà Lạt thăm anh Uông Thái Biểu thì gặp một nhà sư trẻ thường ghé chơi. Nhà sư trẻ ấy là Nguyễn Đức Vân. Nhân khi rảnh rỗi, tôi và anh Biểu xuống thăm Nguyễn Đức Vân đang ở Bảo Lộc và nhờ đó mà tôi đã gặp bố của sư Vân là nhà thơ Nguyễn Đức Sơn.

Trước đó, tôi cũng có biết một vài bài thơ của Nguyễn Đức Sơn do anh em văn nghệ thường đọc cho nhau. Kiểu như:

“Không biết từ đâu ta đến đây

Mang mang trời thẳm đất xanh dày

Lớn lên mang nghiệp làm thi sĩ

Sống điêu linh rồi chết đọa đày”

                                    (Hoài niệm)

Khi gặp Nguyễn Đức Sơn, tôi được gia đình đem toàn bộ các tác phẩm của ông in trước năm 1975 cho đọc và đem về Hà Nội cất giữ! Mãi sau, tôi mới gửi vào trả với đầy đủ các bản in không thiếu không rách trang nào. Nếu tôi lỡ tay làm mất, có lẽ chính Nguyễn Đức Sơn cũng không còn bản gốc nào hết! Hy hữu mà tôi lại là người gìn giữ bản thảo cho nhà thơ khá nhiều năm, vào thời điểm mà nhà cửa của ông giột nát, mưa thì lấy chậu hứng nước mưa.

Tìm về Phương Bối

Theo các thông tin tôi có được thì cái tên đồi thông Phương Bối là do thiền sư Thích Nhất Hạnh đặt, có lẽ từ những năm 1960, sư Vân cũng nói như thế. Những năm 1990, khi tôi tới đây thì vẫn còn trên đồi thông lớn là một ngôi nhà sàn cũ kỹ dột nát, bên cạnh đó là một cái am tu thiền. Nguyễn Đức Sơn làm một cái lều nhỏ trên đỉnh đồi Phương Bối để sống riêng một mình. Vợ con ông ở trong ngôi nhà sàn cũ kỹ nơi lưng đồi.

Sau năm 1975, mọi người đổ về thành phố, Nguyễn Đức Sơn lại đưa vợ con từ Sài Gòn lên Phương Bối (thuộc huyện Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng), khi ấy Phương Bối bị bỏ hoang từ nhiều năm rồi. Họ sinh sống gần như biệt lập với thế giới bên ngoài. Nguyễn Đức Vân kể: “Chúng tôi theo cha tôi lên rừng, một lũ nhóc, rất sợ hãi, vì xung quanh rừng rậm, núi cao, suối sâu không có người, chỉ có lợn rừng và cả hổ nữa”.  Một người con nhỏ của Nguyễn Đức Sơn ăn phải quả độc trong rừng thiệt mạng. Nhiều người con của ông không được học hành nhiều vì trường học rất xa. Nguyễn Đức Vân ham chữ nghĩa nên vào trong chùa từ tấm bé.

Tôi nhớ lần đầu tiên, nhà thơ Nguyễn Đức Sơn đón tiếp tôi trong cái lều lá, xung quanh bịt bằng ván thông, nhà hoàn toàn không có điện, chiếu sáng bằng bếp lửa. Cơm thì ăn cơm chay với mít luộc hái trong vườn chấm với muối trắng.

Nguyễn Đức Sơn nói: “Nơi này là cao nguyên, mùa gió bão thì gió rất lớn, muốn thổi tung đi tất cả. Tôi không chỉ làm thơ mà còn phải chống chọi với gió bão!”.

Xung quanh Phương Bối, mới chỉ lơ thơ mấy ngôi nhà. Tôi và Nguyễn Đức Vân rủ nhau đi tìm chỗ đất đẹp để sau này sư Vân dựng chùa. Chúng tôi đi bộ tới hàng cây số mà chung quanh vẫn vắng vẻ, không người không nhà cửa gì cả. Cuối cùng chúng tôi tìm chọn chỗ đất mà người chủ đang rao bán vì chỗ ấy không có nước, không trồng cây được, muốn trồng cây phải múc nước dưới suối cách 300m. Nơi đất ấy chỉ có một cây dại mọc hoang, đứng đó phóng tầm mắt ra thấy đồi núi chập chùng, không bóng người! Tôi xem địa thế và nói với sư Vân “Chỗ này có nước, mà phải khoan sâu mới có”. Vân nghe tôi, liều mua được đất rẻ, đến khi mua rồi, khoan xuống có nước mạch phun lên, rất là mừng rỡ. Từ đó trồng sim xanh um.

Còn mãi đồi thơ

Cuộc sống Nguyễn Đức Sơn có thể nói là cùng cực, nếu nhìn theo cái nhìn của một người bình thường. Khi xã hội đã điện khí hóa, công nghiệp hóa, ông vẫn chỉ có thể kết nối với xã hội bằng một chiếc ti vi đen trắng dùng bằng ắc quy. Hết thì đem ra thị xã sạc. Ông chỉ xem thời sự, sau đó tắt đi để tiết kiệm ắc quy. Trong căn lều thơ, chẳng có gì giá trị đến vài trăm ngàn. Có thời điểm ông dùng điện thoại, nhưng là cái điện thoại “cùi bắp” không ai còn dùng.

Một lần, khi tôi trở lại Phương Bối, sau chục năm, đất đai Bảo Lộc đã tính bằng hàng chục cây vàng mỗi sào, người ta đua nhau bán đất xây nhà, làm ăn.

Nguyễn Đức Sơn: “Nếu tôi bán Phương Bối đi, tôi là người giàu nhất cái vùng này. Nhiều người cũng muốn cướp đất của tôi, chiếm đất của tôi. Tôi còn sống thì cố giữ. Bán đất thì được tiền mà lại mất thơ, tôi không bán”. Trong cuộc đời làm báo mấy chục năm đã qua, tôi thấy hầu hết mọi thứ trên đất nước này đều thay đổi, dù ít dù nhiều, chỉ rừng thông Phương Bối và thi sĩ Nguyễn Đức Sơn, vẫn là rừng thông, nhà thơ và mít luộc.

Quái kiệt thơ tạm xa Phương Bối ảnh 1 Thi sĩ Nguyễn Đức Sơn và con là nhà sư, nhà thơ Nguyễn Đức Vân tại đồi thơ Phương Bối năm 2011Ảnh: Trần Nguyễn Anh
Nguyễn Đức Vân thừa hưởng dòng máu thi ca của bố mình. “Có lần sinh viên đại học lên giao lưu với ông cụ, tôi ôm đàn hát một bài tôi phổ nhạc thơ ông cụ. Ông cụ bất ngờ quá, thích quá, móc ngay ra 200 đô la của bạn bên Mỹ mới gửi về, cho tôi”, Nguyễn Đức Vân kể.

Người thơ

Nhà thơ Nguyễn Đức Vân cho biết: “Sau năm 1975, hầu như ông già tôi không làm thơ. Ông vẫn chỉ thường nói về những bài thơ ông viết trước kia. Những năm gần đây, tôi cũng không thấy ông viết lách gì nhiều đâu. Trước khi mất độ một năm, ông bị tai biến nên không nói được, chỉ cảm nhận những gì mọi người nói”.

Hai cha con làm thơ. Ông con viết thơ, in ra giấy, đem để chỗ cái lều. Ông bố vào rừng về đọc, thấy hay, nhắn tin mời ông con đi ra thị xã uống cà phê.

Một vài lần, tôi cũng nói với Nguyễn Đức Sơn xem ông có bản thảo mới, sẽ đưa in. Ông chỉ cười, nói rằng: “Tôi vẫn viết chứ, nhà thơ không viết thơ thì còn làm gì. Có điều chẳng nơi nào in thơ tôi đâu”.

Năm 2019, bạn bè và con của ông đã tìm những bài thơ chưa in để in vào tập “Chút lời mênh mông” (Thư viện Huệ Quang ấn hành, Nhà xuất bản Đà Nẵng, 2019). Đó là tập thơ của Nguyễn Đức Sơn được in sau 50 năm trời. Sách in ra khi ông nằm trên giường bệnh, nhưng tác giả cũng đã kịp nhìn thấy tập thơ của mình.

Thơ Nguyễn Đức Sơn rất phá cách, đáng yêu mà ngạo nghễ. Thơ ông là những câu từ bật thoát lên từ trong cõi lòng trong trắng không vướng bận, không câu nệ gì, nên lạ lẫm, mà cuốn hút con người ta.

Người ta không thể không cảm động trước những lời thơ ông viết hồn nhiên như tiếng nói không thể cầm lòng:

“Mẹ chết từ thu lá rụng vàng

Con về đất cũ vấn khăn tang

Mẹ ơi con điếng người bên mộ

Trằn trọc đêm dài con khóc than”

                                  (Mây trắng)

Ông dặn con rằng:

“Mai kia có vợ con rồi

Cha không bắt buộc con ngồi
con tu

Ba ngàn thế giới mịt mù

Kiếm đâu của cải nào bù
gió trăng””

                                    (Gió trăng - Chút lời mênh mông)

Không tu thì lấy đâu ra gió trăng? Cuộc đời “Sơn núi” (Biệt danh mọi người thường gọi ông) không thể thiếu gió trăng.

Trong ngày đưa cha đi hỏa táng về, nhà thơ Nguyễn Đức Vân tiết lộ với tôi: “Trước khi mất ông cụ đã làm di chúc giao đồi thơ Phương Bối cho tôi và những người con khác  cùng trông coi quản lý, với điều khoản là: không được mua bán và phải giữ nguyên hiện trạng (đồi thơ Phương Bối)”.

Tác phẩm của Nguyễn Đức Sơn trước năm 1975: Bọt nước (1965), Hoa cô độc (1965), Lời ru (1966), Đêm nguyệt động (1967), Vọng (1972), Mộng du trên đỉnh mùa xuân (1972), Tịnh khẩu (1973), Du sĩ ca (1973); và ba tập truyện: Cát bụi mệt mỏi (1968), Cái chuồng khỉ (1969), Xóm chuồng ngựa (1971), Chút lời mênh mông (2019- NXB Đà Nẵng).

MỚI - NÓNG
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
TPO - Cơ quan chức năng cho biết trên xe ô tô lao xuống sông Đồng Nai chỉ có một nạn nhân nữ. Vị trí tìm thấy ô tô và nạn nhân thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương, do đó địa phương này tiến hành thụ lý việc khám nghiệm. Sau khi hoàn tất sẽ làm thủ tục bàn giao thi thể nạn nhân cho gia đình lo hậu sự.