Buôn Thái trên Tây Nguyên

Múa xòe dân tộc Thái. Ảnh: KT.
Múa xòe dân tộc Thái. Ảnh: KT.
TP - Buôn Thái, xã Ea Kuêh huyện Cư M’gar cách trung tâm tỉnh Đắk Lắk 30km, là không gian đậm văn hóa Thái, bởi có tới 95% đồng bào Thái di cư từ các huyện phía Tây của tỉnh Nghệ An vào lập nghiệp hơn 30 năm trước.

Vượt nghìn cây số vào Tây Nguyên, người Thái vẫn giữ được bản sắc độc đáo, bắt đầu từ kiến trúc nhà sàn đẹp đẽ.

Những năm đầu di cư đến xã Ea Kuêh, bà con dân tộc Thái dựng nhà sàn bằng tre nứa, lợp cỏ tranh. Sau nhiều năm làm ăn trên mảnh đất ba zan trù phú, cuộc sống người Thái dần dần khá giả. Những ngôi nhà sàn bề thế, khang trang được bà con dựng lên, thay thế nhà cũ tạm bợ.

Buôn Thái có gần 200 hộ, hơn 600 nhân khẩu. Cả buôn có khoảng 60% hộ làm nhà sàn theo kiểu Thái cổ truyền, trong đó hơn 20 ngôi nhà giữ được nguyên vẹn kiến trúc nhà sàn truyền thống.

Người Thái kể rằng: Ngày xưa, tổ tiên người Thái sinh sống trong các hang động, chưa biết làm nhà ở. Một đêm họ mơ thấy có một con rùa về báo mộng “Hãy nhìn vào hình dáng của tôi mà làm nhà, 4 chân là 4 trụ cột chính đỡ nhà, mai rùa là mái lợp”. Nghĩ là thần rùa báo mộng, người Thái cùng nhau vào rừng, tìm những cây gỗ tốt, thẳng về dựng nhà sàn. Đây là kiểu nhà chịu đựng được những điều kiện khắc nghiệt của thiên nhiên, tránh ẩm ướt, mưa gió, mùa nắng thoáng mát, tránh thú dữ tấn công.

Để có được ngôi nhà sàn đẹp, tiện lợi trong sinh hoạt, người Thái ở phía Bắc thường chọn những loại gỗ tốt như lim, nghiến… còn ở Tây Nguyên thường chọn gỗ căm xe, cà chít, chò chỉ… Và tùy vào hoàn cảnh kinh tế của từng gia đình mà lợp bằng cỏ tranh hay ngói, làm cột vuông hay cột tròn. Đặc điểm nổi bật trên ngôi nhà sàn truyền thống người Thái là trên đầu hồi có hai thanh gỗ bắt chéo nhau (gọi là Khau cút).

Tùy chủ nhân mà Khau cút có cách trang trí riêng, từ đơn giản tới phức tạp. Trên Khau cút thường khắc nhiều họa tiết, hoa văn, như hình trăng khuyết, hoa sen, có hoa đực và hoa cái tượng trưng cho âm dương và khát vọng sinh sôi phát triển. Các gian nhà và cầu thang của người Thái luôn mang số lẻ, hai đầu nhà khum khum hình mai rùa, gắn với truyền thuyết.

Buôn Thái trên Tây Nguyên ảnh 1

Một góc nhà sàn người Thái tại buôn Thái, xã Ea Kuêh. Ảnh: Trung Hải.

Trong ngôi nhà của người Thái xưa kia luôn có hai bếp lửa, một bếp dành cho người già và một bếp dành cho phụ nữ. Nhưng ngày nay, nhà sàn người Thái chỉ còn lại một bếp lửa dành cho tất cả mọi người. Cầu thang lên nhà cũng có đôi, một ở phía trước dành riêng cho đàn ông và khách quý của gia đình, một ở phía sau dành riêng cho nữ giới đi làm về lên sân phơi nơi đặt chum đựng nước để rửa chân, hay đi lại lo liệu việc gia đình… Mỗi cầu thang thường có 9 bậc, tượng trưng cho 9 tầng trời xanh, 9 tầng đất. Số lượng bậc thang có thể khác nhau nhưng nhất định phải là số lẻ.

Nhà sàn người Thái có nhiều cửa sổ nối tiếp nhau chạy bao quanh ngôi nhà để đón gió và ánh sáng. Trước kia các cửa sổ thường làm bằng phên, liếp tre, nứa, còn nay làm bằng khung gỗ được khắc nhiều hoa văn họa tiết tinh xảo. Hệ thống cửa sổ này cùng với các chấn song tạo thành bức vách thoáng mát, gần gũi với thiên nhiên. Sàn nhà cao từ 1,2 đến hơn 2 mét, bên dưới sàn nhà chất củi, chứa nông sản, dụng cụ lao động, xe cộ.

Nhà sàn của người Thái ở Ea Kuêh là một không gian văn hóa rất đặc biệt. Việc gìn giữ những ngôi nhà sàn truyền thống ấy đã góp phần tạo nên bức tranh sinh động của các dân tộc trên Tây Nguyên. 

Anh Lô Hải Vân (SN 1970) bên căn nhà sàn khang trang được dựng từ năm 2005 cho biết: “Mỗi khi đi xa về, đến đầu buôn, nhìn những căn nhà sàn xinh xắn, chúng tôi lại nhớ về quê hương nơi bản làng quần tụ bên sườn núi. Vì vậy, dù đã di cư vào Tây Nguyên sinh sống, làm ăn nhưng dân tộc Thái chúng tôi vẫn cố gắng giữ gìn những nét văn hóa truyền thống, trong đó có kiến trúc nhà sàn độc đáo của ông bà để lại”.

MỚI - NÓNG