Xứ sở Chùa Vàng những ngày trong 'lửa' - Bài cuối:

Học gì từ thành công của người Thái

Du khách nước ngoài chen nhau trước cổng Hoàng cung ở Bangkok sáng 2/2/2014. ẢNH: SÁU NGHỆ
Du khách nước ngoài chen nhau trước cổng Hoàng cung ở Bangkok sáng 2/2/2014. ẢNH: SÁU NGHỆ
TP - Bất chấp xáo động chính trị hay thiên tai lũ lụt, trong nhiều năm qua, du khách nước ngoài đến Thái Lan liên tục tăng với tỷ lệ cao.

Nếu như năm 1998 gần 7,7 triệu người, thì đến năm 2012 đã hơn 22,3 triệu người và năm 2013 là gần 26,3 triệu người. PV Tiền Phong chứng kiến, du lịch Thái Lan rất chú trọng quảng bá văn hóa với thế giới.

Hành trình khám phá văn hóa luôn thú vị vì mở mang tầm nhìn nhưng cũng khiến du khách mệt mỏi vì phải liên tục đi xa, tốn kém, bắt buộc thay đổi nhiều thói quen sinh hoạt. Du lịch Thái Lan có vẻ đã thành công khi liên kết các dịch vụ để bớt tốn kém cho du khách, tăng sự tiện lợi, niềm vui.

Miễn giảm

Vào ngôi chùa lớn và cổ nhất Bangkok, Wat Pho, giá vé 100 bạt (67.000 đồng Việt), tôi định mua thêm vé cho anh lái taxi thì anh xua tay, không cần. Ở khu Hoàng cung bên cạnh, giá vé vào cổng 500 bạt, người Thái Lan cũng được miễn. Anh lái taxi giải thích: Di tích của người Thái và người Thái đã đóng thuế lo cho di tích rồi nên tự do vào. Những di tích quý báu đậm đặc giá trị văn hóa Thái, mở cửa không nhằm lấy tiền của người Thái mà đã hướng đến thu hút người nước ngoài.

Nhưng xe buýt miễn phí ở Thủ đô Bangkok thì dành cho tất cả mọi người, Thái và cả ngoại quốc. Tôi lên xe buýt ở đại lộ Siriphong, trung tâm Bangkok, đến bến tàu điện trên không Chong Nonsi. Xe buýt cũ, không có máy lạnh nhưng ghế bọc da, chạy nhanh, trên xe có học sinh, người lớn tuổi.

Vào khu ASIATIQUE, một tổ hợp mua sắm và giải trí lớn bên bờ sông Chao Phraya ở Bangkok, dường như cả thế giới đến đây mở cửa hàng và đến đây tiêu tiền. Gửi xe ô tô hai giờ đầu miễn phí cho mọi người, từ giờ thứ ba trở đi mới phải trả mỗi giờ 30 bạt. Ở đây còn có tàu thủy chở khách ngao du trên sông Chao Phraya miễn phí từ 17 đến 22 giờ mỗi ngày, khách Thái lẫn ngoại quốc đông nên luôn phải xếp hàng.

Học gì từ thành công của người Thái ảnh 1

Vỉa hè đường Manhannop trong khu phố ăn uống của người Hoa ở trung tâm Bangkok, chật chội nhưng vẫn dành lối cho người đi bộ

Hầu hết các điểm du lịch tôi ghé vào, ở Thủ đô Bangkok, Kinh đô cổ Ayutthaya hay thành phố biển Pattaya nếu có bãi đậu xe cũng đều miễn phí. Nhà vệ sinh trong các điểm du lịch đương nhiên miễn phí. Nhiều nhà vệ sinh còn trang trí lạ mắt, ngộ nghĩnh giúp du khách giảm nỗi mệt nhọc đường trường.

Để có được những miễn giảm ấy, rõ ràng phải có sự quản lý điều hành thống nhất, trong cả tổ hợp như ASIATIQUE, hay hơn nữa là ở cấp chính quyền địa phương hoặc Tổng cục Du lịch Thái Lan. Đó là kết quả của sự hỗ trợ doanh nghiệp làm dịch vụ lẫn quản lý chất lượng dịch vụ. Hạn chế được tình trạng bày vẽ dịch vụ thu tiền, xây dựng hệ thống dịch vụ phong phú bổ trợ cho nhau để hạ giá.

Phần đông du khách không sợ chi tiêu, chỉ sợ chi tiêu vô lý, bị lừa dối, bỏ tiền mua sự bực bội; nếu chi tiêu thoả đáng thì mỗi lần chi tiêu còn là niềm vui.

Tiện lợi

Khi đến thành phố Pattaya, vào khách sạn bên con đường ven biển nhộn nhịp du khách ở hạt Jomtien, tôi và bạn đồng hành đã có một bọc áo quần của nhiều ngày rong ruổi, chưa kịp giặt. Đang băn khoăn thì chủ khách sạn cho biết, bên cạnh khách sạn có máy giặt công cộng tự động.

Hai chiếc máy giặt cao thấp dành cho lượng áo quần nhiều ít, máy cao phải trả 40 bạt tiền xu, máy thấp 30 bạt. Tôi trút áo quần vào máy thấp, để xà bông, bỏ 30 bạt tiền xu, ra ngồi ngắm biển trời, giờ sau vào lấy áo quần đã sạch.

Học gì từ thành công của người Thái ảnh 2

Du khách châu Âu trước một cơ sở massage Thái ở Pattaya

Bữa trưa đến siêu thị Lotus ở phía nam Pattaya để ăn cơm, chúng tôi mua một người một thẻ giá 100 bạt. Vào trong, giữa mênh mông quầy bán hàng ăn uống, thích đâu lấy thức ăn uống ở đó và đưa thẻ cho chủ quầy quẹt trừ tiền.

Tôi chỉ hết 45 bạt đã no, trở ra trả thẻ, lấy lại tiền thừa. Không sử dụng tiền mặt, rất tiện lợi cho du khách bốn phương chưa quen với đồng tiền Thái Lan.

Du khách vui vẻ và nhà quản lý cũng nắm được tình hình kinh doanh, giá cả của từng quầy. Ăn uống ở sân bay quốc tế Suvarnabhumi cũng không dùng tiền mặt nhưng có khác, đổi tiền Thái Lan ra những mảnh giấy in rõ mệnh giá, sử dụng không hết thì đổi lại.

Không phải giúp du khách chi nhiều tiền mà giúp du khách chi tiền cho niềm vui, dường như đó là một hướng đi của du lịch Thái Lan.

Tiện lợi có lẽ là một trong những tiêu chí hàng đầu cần có khi đón du khách nước ngoài. Bởi trong cùng một nước, chung tiếng nói và gần gũi văn hoá mà người trăm quê của trăm vùng khi gặp nhau, giao tiếp đã khó. Người bốn bể năm châu xa lạ, có khi cả đời mới gặp nhau, phải thật tiện lợi thì mới tránh được hiểu lầm, rắc rối. Tiện lợi còn là một cách biểu lộ thái độ tôn trọng của chủ nhà đối với khách; khi khách có cảm giác được tôn trọng thì sẽ lưu luyến quay lại.

Sự tiện lợi cần có trong cả việc đơn giản như tổ chức lối đi bộ trên hè phố. Tôi đến đường Manhannop trong khu phố ăn uống của người Hoa ở trung tâm Bangkok, một khu phố cũ kỹ, chật chội, vỉa hè hẹp.

Các chủ quán ăn phải bày lò nấu nướng trên vỉa hè, còn đặt chậu cây xanh. Nhưng vẫn chừa được một lối trên vỉa hè cho người đi bộ; không bít kín vỉa hè như nhiều đường phố ở xứ ta, dù mới xây dựng có vỉa hè rộng, đẩy người đi bộ xuống lòng đường lắm rủi ro.

Cuộc sống có những tiêu chuẩn thông thường chung cho tất cả mọi người, đạt được những tiêu chuẩn đó thì mới mong du khách ở xa đến. Nếu khăng khăng giữ “đặc thù địa phương” thì ít người đến.

Từ những tiêu chuẩn thông thường rồi vươn lên cao hơn, tiện lợi hơn thì càng hấp dẫn nhiều người. Không thể làm tốt mọi điều, đáp ứng được nhu cầu rất đa dạng của thiên hạ, nhưng phải có mục đích hướng tới rõ ràng trong thực tế, không phải trong lời nói. Mỗi bước đi lên quyết không cho những lạc hậu yếu kém đã vượt qua có cơ hội tái diễn.

Thành công

Dịp này, qua các phương tiện truyền thông, nhiều người có thể thấy một số điểm biểu tình ở Thủ đô Bangkok bày ghế massage bên lề đường để phục vụ người biểu tình. Bởi người biểu tình phải đứng nhiều, đi nhiều mà massage Thái chú trọng bấm huyệt, lưu thông khí huyết có thể giúp giảm đau, giảm căng thẳng cơ bắp.

Nói đến massage không ít người liên tưởng đến những điều không hay, như “mát-gần”. Quả thật, massage ở nhiều nơi khó định nghĩa được đó là loại dịch vụ gì, nhưng ở Thái Lan vẫn là môn y học cổ truyền. Xuất xứ massage Thái ở Wat Pho, ngôi chùa cổ còn lưu các tư thế yoga, sách hướng dẫn nghệ thuật massage Thái và nay vẫn có trường y học cổ truyền giảng dạy về massage Thái.

Thành phố du lịch nổi tiếng Pattaya có rất nhiều cơ sở massage Thái. Và như nhiều người Việt không thoát được sự cám dỗ “thử một lần cho biết”, tôi vào một cơ sở, nhân viên vui vẻ đón tiếp. Trước khi massage, cô nhân viên chắp tay khấn sư tổ.

Một số động tác rất kỳ cục, khiến xương khớp tôi đau nhưng sau tiếng đồng hồ, về khách sạn thấy thật sảng khoái. Người bạn nói “khí huyết lưu thông, sức mạnh tiềm ẩn trong cơ thể được đánh thức”. Tốn 200 bạt, thêm 30 bạt tiền bo.

Đi trên thành phố Pattaya, qua các cơ sở massage Thái, tôi luôn thấy rất đông du khách đủ màu da trắng, vàng, đen. Cả thế giới đã đến đây. Có phải y học cổ truyền Thái, văn hoá Thái là một vẻ đẹp lôi cuốn du khách bốn phương?

Thành công lớn nhất của du lịch là quảng bá được vẻ đẹp văn hoá dân tộc đến với bốn bể năm châu, làm cho nhiều người yêu mến và không ngừng tìm đến chiêm ngưỡng. Khi du khách bốn phương không ngừng tìm đến chiêm ngưỡng thì du lịch mới thật sự thành công và khi đó thành công kinh doanh cũng tự đến. Doanh thu từ du lịch của Thái Lan, năm 1998 khoảng 6 tỷ USD thì năm 2013 đã lên khoảng 28 tỷ USD.

Khi nhìn thấy vẻ đẹp ấy, chợt khao khát làm sao rút được kinh nghiệm cho du lịch nước nhà phát huy những giá trị văn hoá vô cùng phong phú của dân tộc Việt để hấp dẫn thế giới. Những giá trị văn hoá đặc sắc không nằm yên trong bảo tàng, sách vở, hoặc để tự ta ca ngợi ta, mà được phả vào tinh thần sáng tạo có tầm trí tuệ thời đại để thành dịch vụ có lợi cho thế giới cùng hưởng, nhớ nhung, kính trọng.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.