Xứ sở Chùa Vàng những ngày trong 'lửa'

Người biểu tình chặn đại lộ Ratchadamri ở Bangkok. Ảnh : SÁU NGHỆ
Người biểu tình chặn đại lộ Ratchadamri ở Bangkok. Ảnh : SÁU NGHỆ
TP - PV Tiền Phong sang Thái Lan dịp bầu cử Quốc hội trong tình hình được truyền thông cho là rất nóng về bất ổn chính trị để trực tiếp chứng kiến những chuyển động của một xã hội Phật giáo thời hiện đại. Thế nhưng, thực tế đang diễn ra trong sự bình ổn đến ngạc nhiên.

Bài 1: Bình ổn

Xin bắt đầu câu chuyện lúc 22 giờ 25 phút, ngày 1/2/2014, khi chiếc máy bay TK 69 của hãng hàng không Thổ Nhĩ Kỳ (Turkish Airlines) hạ cánh xuống sân bay Suvarnabhumi lớn nhất Thái Lan, ở tỉnh Samut Prakan cách trung tâm Thủ đô Bangkok 25 km phía đông nam.

Ở cửa hải quan, cô nhân viên an ninh Thái Lan yêu cầu tôi kê khai rõ, đến Bangkok sẽ nghỉ ở đâu? Tôi ngơ ngác vì chỉ liên lạc qua thư điện tử với một người bạn rồi xách túi đi, bây giờ điện thoại di động của tôi dùng sóng Việt Nam không còn tác dụng, đang tính qua cửa hải quan mới mua sim điện thoại Thái Lan. Tình thế của tôi thật bế tắc, tiếng Thái không biết, tiếng Anh tôi nói chỉ tôi hiểu và cô an ninh cũng cô nói cô hiểu, Bangkok lại đang thiết quân luật. Không khéo phải quay về! Nhờ trời gặp cô an ninh Thái vui vẻ, cô trao đổi với một đồng nghiệp, cả hai cười nắc nẻ rồi bảo tôi ghi số điện thoại của người bạn vào tờ khai hải quan và cho qua cửa. Nhùng nhằng vậy mà thời gian chỉ tương đương làm thủ tục xuất cảnh ở sân bay Tân Sơn Nhất, lại được nhiều tiếng cười của cô an ninh Thái, khác với ở Tân Sơn Nhất nụ cười mỉm cũng tiết kiệm.

Đi lại

Ngày 2/2, Thái Lan bầu cử Quốc hội, tôi thuê taxi đi tìm người biểu tình. Hoá ra không dễ. Thật khác thông tin đồn thổi khi còn ở bên nước nhà, cứ như người biểu tình đã tràn ngập đường phố, làm tê liệt Bangkok rồi. Về sau, nghe thông tin hình như có 8 điểm biểu tình ở Bangkok trong ngày bầu cử, thật là muối bỏ biển giữa một Bangkok có diện tích gần bằng nửa Thủ đô Hà Nội, hoặc gần 80% diện tích thành phố Hồ Chí Minh. Thống kê ấy cũng không rõ có tính cuộc biểu tình ở cổng siêu thị Terminal 21, bên đại lộ Rachadapisek, tôi chỉ thấy một người phất cờ giữa nhóm người reo hò và chụp ảnh, quay phim.

“Trình độ phát triển giao thông phải đo bằng tốc độ xe chạy, chứ không phải bằng chủng loại xe trên đường. Thái Lan đang bất ổn chính trị nhưng hầu hết các con đường vẫn “bình ổn” tốc độ cao cho xe chạy”.

Cuộc biểu tình trên đại lộ Ratchadamri thì có hàng trăm người, chặn ngang đường. Taxi đang bon bon, chợt lọt vào giữa những hàng xe đậu im lìm, chỉ còn đúng một làn ở giữa, lái taxi bảo: “Gặp biểu tình rồi”. Anh tài giải thích: Nếu kẹt đường thì xe có đèn xi nhan, còn xe đậu im lìm là của người biểu tình. Chạy lên hơn cây số gặp người biểu tình chặn ngang đại lộ, chiếm cả cầu vượt. Taxi phải vòng trở lại, cũng có một làn xe được chừa hẳn hoi. Biểu tình và chống biểu tình đều theo luật, bên nào cũng đang cố kìm chế, không dám làm càn, làm loạn.

Sau đó, taxi lách vào một con hẻm, thoát khỏi nhóm biểu tình dễ dàng. Hẻm ở Bangkok ô tô tránh nhau được và còn mấy tầng đường trên không. Dù có biểu tình, giao thông không hề rối loạn như ở bên ta khi bị tắc đường, xảy ra tai nạn hoặc thậm chí gặp lễ khai trương, mít tinh. Nhìn chung taxi chạy ở Bangkok thường với tốc độ 70-80 km/giờ. Tốc độ được nâng lên khi chạy ra vùng ngoại ô và duy trì trên tất cả các con đường tôi có dịp đi, từ Bangkok đến Kinh đô cổ Ayutthaya, thành phố du lịch Pattaya hay con đường ven biển miền trung Thái Lan và cả vài con đường về nông thôn.

Chẳng hạn từ Bangkok xuống Pattaya, 165 km, giá vé khoảng 100.000 đồng quy tiền Việt, xe khách chạy 2 giờ; từ Pattaya sang sân bay Suvarnabhumi, 150 km, giá vé khoảng 80.000 đồng, xe khách chạy 1 giờ 50 phút. Đường ra vùng ngoại ô các thành phố thường có hai chiều tách biệt nhau bởi hai hàng cây và khoảng đất trống hàng chục mét ở giữa, nên xe chạy nhanh mà không sợ “đấu đầu” như ở Quốc lộ 1A qua miền Trung nước ta.

Tôi còn ngạc nhiên hơn khi chứng kiến Thái Lan thống nhất được giá vào nhà vệ sinh công cộng (những nơi có thu tiền), mỗi lần 2.000 – 3.000 đồng quy tiền Việt. Như vào nhà vệ sinh ở chợ nổi Kinh đô cổ Ayutthaya 2.000 đồng, bến xe Thủ đô Bangkok 3.000 đồng.

Có chuyên gia đã tính toán, hạ tầng giao thông Việt Nam lạc hậu so với Thái Lan khoảng 50 năm. Nhưng tôi thấy khoảng cách về tư duy mới đáng quan tâm. Dịp đầu năm mới tổng kết năm cũ, nhiều địa phương ở nước ta có vẻ tự hào và thoả mãn với việc mở được đường cho xe bốn bánh về trung tâm xã mà không hề đề cập đến tốc độ, những con đường ấy có khi xe bốn bánh chạy chậm hơn xe hai bánh. Trong lúc, trình độ phát triển giao thông phải đo bằng tốc độ xe chạy, chứ không phải bằng chủng loại xe trên đường. Thái Lan đang bất ổn chính trị nhưng hầu hết các con đường vẫn “bình ổn” tốc độ cao cho xe chạy, cho thấy một trình độ cao về phát triển giao thông và kinh tế.

Ăn uống

Ngày bầu cử Quốc hội Thái Lan, tôi đi đến gần nửa đêm mới ghé quán vỉa hè ở trung tâm Bangkok, gọi chai bia thì cô nhân viên của quán bảo, ngày lễ không bán bia rượu. Nghe muốn té ngửa! Nhưng mặc tôi té hay không, cô nhân viên giải thích (qua phiên dịch), các ngày lễ ở Thái Lan không được uống bia rượu và hàng quán không bán. Thêm một minh chứng đáng giá, luật pháp ở Thái Lan vẫn được duy trì nghiêm, không như đồn thổi bên ngoài tưởng đã loạn đến nơi.

Qua lễ, ở quán vỉa hè ấy tôi mua chai bia Singha loại nửa lít, giá 55 bạt, gần 37.000 đồng Việt. Nhưng điều khiến tôi ngạc nhiên hơn là mấy ngày sau, xuống thành phố du lịch Pattaya, đêm trên con đường bờ biển ở hạt Jomtien rực rỡ ánh đèn, đông nghẹt du khách bốn phương, mua bia Singha cũng giá 55 bạt một chai.

Xứ sở Chùa Vàng những ngày trong 'lửa' ảnh 1

Suất ăn 30.000 đồng tiền Việt ở siêu thị Lotus phía nam Pattaya

Giá cả ăn uống ở Thái Lan được duy trì thống nhất trong hầu hết các quán, mọi địa phương, niêm yết công khai. Một bữa no bụng với tôi chỉ tốn trên dưới 30.000 đồng tính ra tiền Việt, ở bất cứ đâu. Dù ở khu Hoàng cung giữa Bangkok hay bến xe Pattaya, ở khu ăn uống của sân bay quốc tế Suvarnabhumi hay trên chợ nổi Kinh đô cổ Ayutthaya, bên con đường đi bộ náo nhiệt suốt đêm của Pattaya hay trong siêu thị ở các thành phố.

Một buổi trưa, tôi và anh bạn cùng hai người quen của anh, lên khu ăn uống trong siêu thị Lotus phía nam Pattaya. Đó là ông Su Wan, 39 tuổi, ở hạt Jomtien của Pattaya và ông Jo, 35 tuổi, ở hạt Bangyai của tỉnh Nonthaburi. Bữa ăn của tôi có một đĩa ba lưng chén cơm với một đĩa rau xào thịt, hơn 30.000 đồng quy tiền Việt. Hai ông ăn còn ít hơn.

Xứ sở Chùa Vàng những ngày trong 'lửa' ảnh 2

Tủ bán nước lọc tự động ở Pattaya

Thấy hai ông vui vẻ, tôi gợi chuyện về giá cả ăn uống. Hai ông cố giải thích nhưng tôi vẫn không hiểu được rành rẽ vì sao Thái Lan bình ổn được giá ăn uống ở mọi nơi dù Chính phủ đang chao đảo; còn tôi ra sức trình bày mà hai ông vẫn không hình dung được tình trạng giá ăn uống ở Việt Nam mỗi nơi mỗi phách, nhất là dịp lễ hội hay thiên tai thì như con ngựa không cương, chẳng biết đâu mà lần.

Xứ sở Chùa Vàng những ngày trong 'lửa' ảnh 3

Từ trái qua, ông Su Wan và Jo trò chuyện với PV Tiền Phong

Hai ông nói, ví dụ các quầy ăn uống ở Siêu thị Lotus, tăng hay giảm giá phải theo chỉ đạo thống nhất toàn hệ thống chứ không thể tuỳ tiện. Tôi hỏi: Nhưng nếu cứ tuỳ tiện thì kiểm tra xử lý như thế nào, chứ ở Việt Nam cũng có rất nhiều quy định quản lý giá cả nhưng không kiểm tra xử lý được trong thực tế? Hai ông ngơ ngác, cười trừ.

Một hôm đi vào con hẻm ở đường ven biển thuộc hạt Jomtien của Pattaya, tôi bắt gặp trụ bán nước lọc tự động, cứ bỏ đồng xu 1 bạt (670 đồng Việt) sẽ hứng được 1,5 lít. Tôi hỏi, Pattaya có nhiều trụ như thế này không? Ông Su Wan trả lời: “Hẻm nào cũng có, mỗi hẻm một đến hai trụ”.

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG