Bước qua nỗi sợ, tạo đột phá kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
TP - Bên cạnh kết quả đạt được từ phòng chống tham nhũng trong thời gian qua, Chính phủ cũng “sốt ruột” về thực tế ở không ít địa phương lãnh đạo, cán bộ rơi vào trì trệ, có biểu hiện đùn đẩy, né tránh, sợ sai không dám làm, dẫn đến kinh tế xã hội rơi vào thế khó. Tình trạng này kéo dài khiến nhiều trường hợp có thể phải bị xem xét xử lý trách nhiệm.

Ngược với thực tế đó, ở nhiều tỉnh, một phần do cán bộ, lãnh đạo mạnh dạn, dám chịu trách nhiệm nỗ lực trong điều hành đã mang lại kết quả đáng khích lệ rõ nhất là về kinh tế. Tiền Phong đã tìm hiểu “bí quyết” vượt khó để một số tỉnh hướng đến hiệu quả chung.

Bài I: Cán bộ ở Cà Mau “đi trước”

Nói với PV Tiền Phong, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt cho biết, để nâng cao trách nhiệm công vụ, tỉnh kiểm tra, giám sát từng ngành, từng địa phương, đơn vị (đến tận xã, phường); đánh giá hiệu quả công việc từng tuần.

“Khi làm việc mới, việc chưa từng làm, nếu sau đó rà soát thấy chưa đúng, chưa phù hợp với quy định pháp luật nhưng mang lại hiệu quả thì cần có quy định để bảo vệ cán bộ”, ông Việt kể cách vận hành công việc và giữ người dám làm.

Quyết tâm, quyết liệt, công khai, minh bạch

Đầu tháng 5/2023, huyện Thới Bình có văn bản báo cáo gửi Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Cà Mau (gọi tắt Trung tâm PTQĐ) về tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) Dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau (cao tốc Cần Thơ - Cà Mau). Huyện cho biết, đã kiên trì đi vận động và kết quả là 448 hộ, tổ chức nhận tiền và bàn giao mặt bằng. 31 hộ chưa nhận tiền nhưng đã đồng ý bàn giao mặt bằng. “Đến nay, chúng tôi có 95% diện tích mặt bằng sạch”, vị này nói.

Để hoàn thành GPMB 100%, trong văn bản báo cáo, cơ quan chức năng huyện Thới Bình đề xuất hướng giải quyết cụ thể với 25 hộ chưa đồng ý nhận tiền, bàn giao mặt bằng. Như hộ gia đình ông Phạm Hồng Thông, yêu cầu tăng giá đất và giá nhà, Trung tâm PTQĐ cho biết, sẽ phối hợp báo cáo UBND tỉnh xin chủ trương hỗ trợ về việc nâng nền nhà; lập phương án bổ sung giá đất theo quy định. Hộ gia đình ông Trần Văn S. - Lâm Thị P. đã nhận tiền nhưng chưa bàn giao mặt bằng. Ông S. mất, gia đình yêu cầu hỗ trợ hoả táng 40 triệu đồng vì không có nơi an táng.

UBND xã Thới Bình dự kiến phối hợp với Trung tâm PTQĐ rà soát, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét cho chủ trương hỗ trợ. Một trường hợp khác đã ứng tiền và bàn giao mặt bằng, nay có thêm yêu cầu hỗ trợ chuyển đổi nghề, dự kiến sẽ được Trung tâm xác minh, lập phương án bổ sung nếu đủ điều kiện…

Bước qua nỗi sợ, tạo đột phá kinh tế ảnh 1

Ngư dân Cà Mau chuẩn bị ngư cụ trước khi vươn khơi. Ảnh:Tân Lộc

Nhận thức về tầm quan trọng của dự án cao tốc nói trên, tỉnh Cà Mau rất quyết liệt trong thực hiện GPMB. Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt cho biết, tỉnh thành lập 3 tổ công tác để hỗ trợ thực hiện dự án này. “Công việc đang triển khai rất quyết liệt”, ông Việt nói. Theo đó, trong GPMB, tỉnh giao các địa phương phải thực hiện công khai, minh bạch, kiểm đếm rõ ràng với sự tham gia của người dân.

“Giá bồi thường sẽ được đơn vị tư vấn cùng địa phương khảo sát thực tế, đảm bảo phù hợp, không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của người dân, thậm chí cuộc sống của người dân phải tốt hơn so với ban đầu. Đó là tiêu chí hàng đầu để vận động người dân. Vấn đề nào chưa rõ, còn vướng sẽ báo cáo, xử lý, thậm chí xem xét chính sách hỗ trợ khác tuỳ theo từng hoàn cảnh như nhà đông con, hộ buôn bán kinh doanh, chỗ ở tạm, di dời mồ mả…”, ông Việt nói, đồng thời nhấn mạnh: bồi thường phải đảm bảo đúng chính sách, không để sai sót, phù hợp với giá trị thực tế loại đất, công trình, nhất là với người bị ảnh hưởng về chỗ ở.

Chính sự quyết liệt trong GPMB, chuẩn bị đầu tư các dự án lớn trên địa bàn tỉnh góp phần đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế địa phương (GRDP) của Cà Mau trong quý 1 thuộc tốp đầu cả nước. “Đến tháng 4, chúng tôi đã giải ngân vốn đầu tư công được 27%”, ông Việt nói.

Bước qua nỗi sợ, tạo đột phá kinh tế ảnh 2

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt. Ảnh: Nhật Huy

Bên cạnh đó, sản lượng điện Cụm công nghiệp khí - điện - đạm Cà Mau tăng đột biến do thời tiết nắng nóng; ngành dịch vụ, thương mại, du lịch tăng trưởng khá cao, trong khi nông nghiệp của tỉnh giữ được sự ổn định cũng đóng vai trò quan trọng vào tăng trưởng kinh tế.

Trong quý 1, Cà Mau cũng gặp một số khó khăn, đặc biệt là sản lượng thuỷ sản tăng, nhưng xuất khẩu giảm, hàng tồn kho nhiều. Việc này ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, tác động xấu đến nuôi trồng. Lãnh đạo tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng xúc tiến đầu tư, tháo gỡ cùng doanh nghiệp.

Tháng 4 vừa qua, xuất khẩu đã tăng trở lại. Ngoài ra, để giải quyết khó khăn trong tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người dân, lãnh đạo tỉnh làm việc với ngân hàng, đề xuất tạo điều kiện giãn nợ, khoanh nợ, nới thời hạn cho vay, chu kỳ vay phù hợp với hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.

Chủ động bù “bất cập”

Nói về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, hoạt động bộ máy, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau nhấn mạnh với Tiền Phong, quan trọng nhất vẫn là người đứng đầu, phải trách nhiệm, gương mẫu, phân công công việc cụ thể, rõ ràng, có kiểm tra, giám sát. Nếu cấp dưới có biểu hiện lơ là, phải chấn chỉnh ngay.

“Chúng tôi thực hiện “chiến dịch” 69 ngày đêm nâng cao chất lượng phục vụ, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là giải quyết thủ tục trực tuyến. Cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát từng ngành, từng địa phương, đơn vị đến cấp xã, phường. Đánh giá từng tuần, xem giải quyết được bao nhiêu, tỷ lệ thế nào. Qua đó, có sự thay đổi rất rõ về trách nhiệm của từng cán bộ, từng ngành, từng địa phương”, ông Việt nêu.

Về lĩnh vực đầu tư công, theo ông Việt, đều có các quy định của pháp luật chặt chẽ. Các dự án cũng nằm trong danh mục, kế hoạch đầu tư công trung hạn. Tuy nhiên, hằng năm, khi được phân bổ, bố trí nguồn vốn cơ quan chức năng của tỉnh sẽ lập hồ sơ, làm các thủ tục đấu thầu, lựa chọn nhà thầu, giải phóng mặt bằng…

“Các bước thực hiện thủ tục rất dài”, ông Việt nói. Ngoài ra, vật tư thi công khan hiếm, giá xăng dầu tăng, việc điều chỉnh giá gặp khó, ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ triển khai dự án. Giải quyết những khó khăn trên, ông Việt cho rằng, Cà Mau “không có kinh nghiệm gì” nhưng đã chủ động chỉ đạo các nhà đầu tư tính toán trong khả năng của mình chuẩn bị trước các thủ tục cần thiết, khi được giao vốn thì khẩn trương hoàn chỉnh để thực hiện.

“Tôi nghĩ sắp tới nhiều tỉnh sẽ kiến nghị về nguồn vốn bố trí cho công tác chuẩn bị đầu tư. Nếu không tháo gỡ, thường 3 tháng đầu năm giải ngân sẽ rất chậm, bởi thủ tục phức tạp”, ông Việt nói.

Để cán bộ vượt qua tâm lý e ngại, sợ sai, theo ông Việt, cần làm rõ việc “chồng chéo” một số quy định hiện nay. Ví dụ, trong xác định giá bồi thường GPMB có các phương án để tính toán. Việc đưa ra giá cụ thể rất phức tạp nhưng khi kiểm tra, thanh tra, hoàn toàn có thể bị đặt câu hỏi: Tại sao không lựa chọn phương án này, phương án kia.

Do đó, đương nhiên cán bộ có tâm lý e ngại, vì khi thanh tra, kiểm toán đặt vấn đề, có thể nhiều bộ phận thực hiện sẽ không giải thích được. Ngoài ra, các đơn vị tư vấn thẩm định giá cũng có tâm lý sợ, làm rất chậm. Hội đồng thẩm định lại rà soát, kiểm tra kỹ, mất thêm rất nhiều thời gian…

Về vấn đề bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, ông Việt nêu kinh nghiệm, cần xem xét ở yếu tố “đẩy nhanh tiến độ công việc, mang lại lợi ích, tạo ra tăng trưởng, kịp thời đưa vào sử dụng, đảm bảo về chất lượng, không gây thiệt hại, không có tham nhũng, tiêu cực, thất thoát”. Nếu như thế, khi các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán vào cuộc dù có nơi cán bộ làm không đúng về trình tự, thủ tục cũng có thể thông cảm. “Quan trọng là phải có cơ chế thoáng, quy định như thế. Các cơ quan ủy ban kiểm tra, thanh tra, kiểm toán phải hiểu việc triển khai thực hiện nhiệm vụ của cán bộ là đúng, không vi phạm. Bảo vệ cán bộ khi không may để xảy ra sơ suất, nhưng không gây thiệt hại là việc quan trọng. Khi làm những việc mới, những việc chưa từng có trước đó, nếu sau đó rà soát thấy việc nào chưa đúng, chưa phù hợp với quy định pháp luật nhưng mang lại hiệu quả thì phải có quy định cụ thể để bảo vệ cán bộ”, ông Việt nói.

MỚI - NÓNG