Bùng nhùng quanh dự án FDI cho thuê, rao bán

Cỏ mọc um tùm ở KDL Làng quê Việt Nam
Cỏ mọc um tùm ở KDL Làng quê Việt Nam
TP -  Khu Du lịch (KDL) Làng quê Việt Nam (phường Cẩm Nam, TP Hội An, Quảng Nam), một dự án FDI có vốn đầu tư đăng ký 1,5 triệu USD, từng được kỳ vọng tái hiện một bức tranh chân thật, sinh động về làng quê Việt và là dự án hút khách du lịch.

Nhưng giờ đây, sau 10 năm chủ đầu tư nhận đất, 5 năm kinh doanh hoạt động, dự án đang chết dần bởi những lùm xùm quanh việc chuyển nhượng đầu tư. Các bên tranh chấp kiện nhau ra tòa, còn hơn 10 nghìn m2 đất vàng vẫn im lìm bỏ hoang gần một nửa.

Cỏ mọc um tùm ở KDL Làng quê Việt Nam
Cỏ mọc um tùm ở KDL Làng quê Việt Nam . Ảnh: M.L

Nửa bỏ hoang, nửa chết yểu

KDL Làng quê Việt Nam, chủ đầu tư là Cty TNHH BNC đầu tư du lịch - BNC Việt Nam (gọi tắt là Cty BNC) được cấp giấy chứng nhận đầu tư (ban đầu) vào năm 2000, trên diện tích hơn 10 ngàn m2 đất ở vị trí đắc địa ven sông Hoài trong phố cổ Hội An.

Tháng 7-2005, dự án đưa vào hoạt động kinh doanh với chuỗi nhà hàng, khu mua sắm, khách sạn và tour tham quan các làng nghề. Tuy nhiên, những hạng mục trên mới chỉ chiếm khoảng 60% đất dự án, số còn lại (khoảng 4.800m2) hiện vẫn bỏ hoang 10 năm nay, um tùm cỏ mọc.

Trong phần đất của KDL đã được đầu tư này thì cũng chỉ còn tồn tại một nhà hàng (của Cty CP Kim Đô) và vài phòng khách sạn, còn lại tất cả những hạng mục khác gần như đã bỏ hoang, xơ xác.

Dự án KDL Làng quê Việt Nam này chỉ còn có ý nghĩa và giá trị trong lời quảng cáo của chủ đầu tư: “Nằm bên dòng sông Hoài êm ả, nhìn ra phố cổ, KDL Làng quê Việt Nam là sự lựa chọn trong kỳ nghỉ của du khách. Ở đây, du khách có thể đi bộ ra phố, tham quan đô thị cổ - di sản văn hóa thế giới do UNESCO công nhận...

KDL làng quê Việt với ý tưởng tái hiện lại một làng quê xưa thơ mộng bên ruộng lúa, nội cỏ; chú mục đồng thổi sáo chăn trâu; cô thôn nữ e ấp, dịu dàng trong tà áo tứ thân; cô lái đò đưa khách qua sông; Những hoạt cảnh lao động của người nông dân tái hiện qua 26 làng nghề truyền thống như: ươm tơ, dệt lụa, đan lát, làm nón...” - trích đoạn quảng cáo về KDL Làng quê Việt Nam trên mạng.

Theo sổ tài sản cố định của Cty BNC, tính đến hết 31-12-2009, công ty này chỉ mới đầu tư đạt khoảng 8,2 tỷ VND (gần 400 nghìn USD), trị giá còn lại chỉ khoảng 6,5 tỷ VND, thấp hơn nhiều so với giá trị đầu tư mà Cty BNC đã đăng ký khi xin Sở KH&ĐT Quảng Nam cấp đất (1,5 triệu USD).

Trớ trêu là cũng trong năm 2009, Cty BNC đã báo cáo lỗ 6,5 tỷ đồng trong 4 năm. Khi số lỗ và số vốn thực bỏ ra đầu tư gần bằng nhau, chưa ai lý giải được, song trong con mắt của nhiều nhà đầu tư trong nước, việc chiếm đất quá lâu mà không đầu tư kinh doanh tiếp như đã cam kết ngay từ khi nhận dự án đã làm mất một cơ hội đầu tư lớn cho các doanh nghiệp trong nước.

Cẩm Nam từ lâu đã thuộc thành phố Hội An, đất ở đây đã trở nên đắt đỏ khi Hội An được công nhận là di sản văn hóa thế giới. Thế nhưng không hiểu vì lý do gì tháng 5-2008, Cục Thuế tỉnh Quảng Nam vẫn ra quyết định số 2610/QĐ-CT-KK miễn toàn bộ thuế sử dụng đất cho Cty BNC đến tận năm 2014.

Quyết định miễn thuế do Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Quảng Nam-Nguyễn Bá Tùng ký nêu lý do miễn thuế là: Doanh nghiệp đầu tư vào vùng đặc biệt khó khăn căn cứ theo quy định của Bộ Tài chính!

Chính quyền tá hỏa vì phát hiện sai phạm

Dù đã cắt nhiều ô đất cho các Cty khác thuê, song tháng 5-2010, Cty BNC Việt Nam tiếp tục cho Cty Cổ phần Resort Việt Nam thuê toàn bộ khu đất dự án.

Khi vừa được xây dựng xong, vào tháng 4-2005, Cty BNC cũng đã cho Cty Cổ phần Kim Đô thuê một số hạng mục (phần xây dựng) tại dự án, bao gồm: khu nhà tròn, nhà vệ sinh, quầy bar và khu nhà bếp để làm kinh doanh nhà hàng ăn uống.

Phần diện tích đất của dự án được cho là đã đầu tư khá nhiều tiền cũng hoang vu
Phần diện tích đất của dự án được cho là đã đầu tư khá nhiều tiền cũng hoang vu . Ảnh: PVMT

Như vậy, cho đến nay, Cty BNC Việt Nam chỉ đứng trên danh nghĩa quản lý khu đất và dự án 10 ngàn m2, còn mọi hoạt động kinh doanh đã hoàn toàn do các đối tác khác sở hữu.

Mọi chuyện sẽ chẳng vỡ lở nếu như giữa BNC Việt Nam và phía Cty Cổ phần Resort Việt Nam không xảy ra tranh chấp, đổ lỗi cho nhau vi phạm hợp đồng. Đến lúc này, Sở KH&ĐT cũng như chính quyền tỉnh Quảng Nam mới tá hỏa vì phát hiện có sai phạm trong hình thức cho thuê mặt bằng kinh doanh.

Khu đất rộng 10.595 m2 mà UBND tỉnh Quảng Nam cho Cty BNC thuê làm dự án có thời hạn 50 năm, được biết giá thuê đất chỉ là 300 USD/ha/năm (5 triệu VND/năm).

Theo giấy chứng nhận đầu tư (được cấp lại tháng 6-2008) do UBND tỉnh cấp phép, thì Công ty BNC được cho thuê kết cấu hạ tầng từng phần khu du lịch và dịch vụ. Tuy nhiên, Cty BNC đã cho thuê toàn bộ KDL Làng quê (trừ khu vực nhà hàng Kim Đô đã được cho thuê trước đó). Phát hiện việc cho thuê toàn bộ đất của dự án của Cty BNC là trái Luật Đầu tư, Sở KH&ĐT tỉnh Quảng Nam đã thổi còi. Chuyện kiện tụng cũng bắt đầu từ đây.

Ông Đặng Xuân Nghĩa – Tổng Giám đốc Cty BNC, thừa nhận đã sai khi thỏa thuận hợp đồng cho thuê toàn bộ KDL Làng quê.

“Đáng lẽ, trong hợp đồng tôi chỉ nên thể hiện rằng cho thuê từng phần. Vì trước đó một phần của KDL đã cho Cty Kim Đô thuê. Ngay sau đó tôi đã gửi đơn đến Sở KH&ĐT tỉnh, nhờ hướng dẫn thủ tục pháp lý để ký lại hợp đồng, nhưng Cty Cổ phần Resort Việt Nam lại cố tình lần khất bởi họ muốn ký hợp đồng 10 năm nhưng tôi không chịu”, ông Nghĩa trình bày.

Tuy nhiên, phía Cty Cổ phần Resort Việt Nam lại cho rằng, họ “sống dở chết dở” vì đã làm ăn với BNC Việt Nam.

“Chúng tôi đang bị lừa gạt khi mà đề nghị giải quyết các hợp đồng kinh doanh theo hướng chỉ lấy lại những gì chúng tôi đã đầu tư vào KDL Làng quê, nhưng Cty BNC không thực hiện, cố lờ đi, lẩn tránh trả lời chúng tôi trong nhiều tháng qua”, đại diện Cty Cổ phần Resort Việt Nam phân trần.

Mới đây, ông Đặng Xuân Nghĩa đã gửi đơn kiện Cty Resort Việt Nam lên tòa án TP Hội An bởi những tranh chấp không thể hòa giải.

Chuyện đúng sai của hai bên sắp tới sẽ có tòa án giải quyết, tuy nhiên, gần một nửa trong số khu đất hơn 10 ngàn m2 hoang hóa cùng một dự án èo uột gợn lên nhiều bất cập trong việc thỏa thuận đầu tư cho doanh nghiệp FDI. Liệu có nên thỏa thuận cho phép đầu tư dễ dàng khiến chủ đầu tư sang nhượng, cho thuê và hậu quả là đất vàng bị bỏ hoang?

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG