BOT tại cao tốc Bắc – Nam: Mức thu cao nhất 3.400 đồng/km

TPO - Chính phủ xác định mức giá tại thời điểm đưa vào khai thác là 1.500 đồng/km/xe con. Sau đó, theo lộ trình, cứ 2 - 3 năm tăng 200 - 300 đồng và mức thu cao nhất là 3.400 đồng/km.
BOT tại cao tốc Bắc – Nam: Mức thu cao nhất 3.400 đồng/km ảnh 1

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể. Ảnh Như Ý

Chiều 14/11, giải trình tại Quốc hội về 8 dự án BOT trên tuyến cao tốc này, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, bộ đã có sơ kết, rút kinh nghiệm 5 năm thực hiện trên quốc lộ 1.

Theo ông Thể, các khiếm khuyết đã nhìn thấy và sẽ khắc phục, như sẽ đấu thầu toàn bộ dự án. Đấu thầu lần một không xong sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ tiếp tục đấu thầu lần hai. Nếu chậm, không sử dụng hết vốn ngân sách, đề nghị Quốc hội ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho dùng hết 55 nghìn tỷ đồng đang có.

Bộ trưởng GTVT lý giải, trước đây theo thông tư hướng dẫn, khi đấu thầu lần một không thành công thì được chỉ định thầu, nhưng lần này dù cho phép vẫn tiếp tục đấu thầu “không chỉ định thầu như trước đây”.

Người đứng đầu Bộ GTVT cũng cho biết, việc thu phí sẽ theo hình thức kín, vào ra bao nhiêu trả bấy nhiêu chứ không thu phí hở. Đồng thời sẽ thu tự động để việc đi lại thuận lợi, đảm bảo công khai minh bạch, đảm bảo quyền lợi nhà đầu tư cũng như người dân.

“Đầu vào sẽ tăng cường kiểm tra, quyết toán kịp thời để xác định từng dự án đầu tư bao nhiêu tiền. Còn đầu ra thông qua thu tự động để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư, quyền lợi của người dân, chắc chắn sẽ không tạo nên những điểm bức xúc”, ông Thể khẳng định.

Cũng theo người đứng đầu ngành, hiện chúng ta đang lo lắng đấu thầu dự án còn phụ thuộc vào ngân hàng. Nếu ngân hàng không cho vay thì hết sức khó khăn. “Sắp tới chúng tôi sẽ làm việc với các ngân hàng nhà nước, Chính phủ để đề xuất cơ chế hợp lý. Có thể thành lập một quỹ, gói tín dụng để các ngân hàng có điều kiện có thể bỏ kinh phí vào gói đó, tài trợ cho dự án để đảm bảo đồng bộ các ngân hàng với nhau”, ông Thể nói.

Cũng theo Bộ trưởng GTVT, hiện nay có tình trạng ngân hàng cho vay cao, ngân hàng cho vay thấp. “Chúng tôi sẽ nghiên cứu nhiều giải pháp cùng với NHNN báo cáo Chính phủ, để làm sao huy động được nguồn vốn, đảm bảo dự án có thể thực hiện được”, ông Thể cam kết.

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, hiện 8 dự án BOT được xây dựng mức giá bình quân 2.500 đồng/km/một xe con 5 chỗ. Nhưng giá này mà áp dụng ngay khi hoàn thành dự án sẽ rất cao so với mức chi trả của người dân.

Để đảm bảo bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh thực tế hợp lý, có lợi nhuận, phù hợp với cơ chế thị trường và sức chi trả của người dân, Chính phủ xác định mức giá tại thời điểm đưa vào khai thác là 1.500 đồng/km/xe con. Sau đó, theo lộ trình, cứ 2 - 3 năm tăng 200 - 300 đồng và mức thu cao nhất là 3.400 đồng/km.

Chính phủ cùng với Bộ GTVT sẽ điều hành để đảm bảo lộ trình này, nhà đầu tư sẽ tính toán được rõ ràng nguồn thu.

“Hiện chúng ta thực hiện theo Luật giá, nhà nước quản lý. Muốn tăng, giảm giá thì phải xin. Nhà đầu tư cũng không chắc khi xin tăng giá thì có được chấp thuận hay không. Nếu chúng ta có một lộ trình thu giá rõ ràng ngay từ đầu thì mới tạo niềm tin cho nhà đầu tư, hấp dẫn họ tham gia.

Nếu Quốc hội không ủng hộ phương án thu giá theo lộ trình cụ thể thì việc huy động vốn sẽ cực kỳ khó khăn”, Bộ trưởng nhận định”, ông Thể cho hay.

MỚI - NÓNG