BOT Cai Lậy: Mong được thông cảm?!

Trạm thu phí BOT Cai Lậy dự kiến thu phí trở lại trong tháng 3. Ảnh: Huy Thịnh
Trạm thu phí BOT Cai Lậy dự kiến thu phí trở lại trong tháng 3. Ảnh: Huy Thịnh
TP - “Sau 1 năm dừng hoạt động, sắp tới giảm giá rất sâu nhưng phí bảo trì, bảo dưỡng, lãi vay vẫn không đổi nên nhà đầu tư rất mong được thông cảm”, chia sẻ của ông Phạm Văn Cường, Phó giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang tại buổi họp báo về trạm thu phí BOT Cai Lậy do Bộ GTVT và UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức chiều 25/2.

Không dời trạm thu phí

Trả lời báo chí, ông Phạm Văn Cường, Phó giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang cho biết việc đặt trạm thu phí BOT Cai Lậy trên Quốc lộ 1 có đầy đủ cơ sở pháp lý.

Lý do không đặt trạm thu phí trên đường tránh thị xã Cai Lậy là bởi thời gian thu phí kéo dài 23 năm. Với một dự án trung hạn thì không ngân hàng nào giải quyết cho vay thời hạn 23 năm. Không vay được thì không thể làm dự án. Ngoài ra, làm đường tránh là giảm áp lực giao thông cho thị xã Cai Lậy. Đường tránh xa hơn 2 km so với quốc lộ thì không lái xe nào chọn đi đường tránh để trả phí.

“Sau 1 năm dừng hoạt động, nhà đầu tư thiệt hại hơn 130 tỷ đồng (mỗi tháng thiệt hại khoảng 10 tỷ đồng), bao gồm tiền lãi vay, phí bảo dưỡng, bảo trì...Việc làm ăn đang đi vào ngõ cụt. Sắp tới thu phí lại, mức giá giảm sâu, chỉ còn 15 - 35 nghìn đồng/lượt nhưng chi phí vẫn không đổi, đang là gánh nặng của nhà đầu tư. Vì vậy, chúng tôi rất mong được người dân và các lái xe thông cảm, chia sẻ”, ông Cường bày tỏ.

Tại buổi họp báo, đại diện Bộ GTVT cho biết Trạm thu phí Cai Lậy dự kiến sẽ bắt đầu thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ trở lại trong tháng 3/2019. Sau khi dự án hoàn thành, nhà đầu tư tổ chức thu phí từ ngày 1/8/2017 nhưng do những diễn biến phức tạp, mất trật tự, an toàn giao thông nên trạm tạm dừng thu phí từ ngày 14/8/2017. Bộ GTVT và UBND tỉnh Tiền Giang thống nhất miễn giảm 30% cho toàn bộ phương tiện và miễn 50-100% cho 4 xã lân cận song khi tổ chức thu phí trở lại thì tình hình tại trạm Cai Lậy tiếp tục diễn biến phức tạp, mất an ninh trật tự. Ngày 4/12/2017, Thủ tướng đã chỉ đạo tạm dừng 1 tháng để nghiên cứu phương án xử lý.

Bộ GTVT đã khảo sát lưu lượng giao thông trong 4 ngày liên tục (24/24), rà soát, tính toán lại toàn bộ chi phí đầu tư có cập nhật kết luận của Thanh tra, Kiểm toán, đàm phán với nhà đầu tư về các phương án, lấy ý kiến các Bộ và địa phương để hoàn chỉnh phương án báo cáo Thủ tướng Chính phủ,… Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chủ trì họp với địa phương và các bộ, ngành liên quan để quyết định phương án cụ thể.

Ngày 20/12/2018, Thủ tướng chỉ đạo Bộ GTVT triển khai theo phương án giữ nguyên vị trí trạm thu phí Cai Lậy như hiện nay.

Phí giảm gần 60%

Đại diện Bộ GTVT cho biết sau khi tái hoạt động, Trạm thu phí Cai Lậy sẽ giảm giá tối đa cho tất cả các phương tiện qua trạm. Xe nhóm 1 từ 35 nghìn đồng/lượt giảm còn 15 nghìn đồng/lượt (giảm 57%). Phạm vi miễn, giảm được mở rộng trong vùng bán kính khoảng 10 km.

Các phương tiện xe tải, xe khách không đi vào trung tâm thị xã Cai Lậy (trừ các xe có nhu cầu giao dịch trong trung tâm thị xã Cai Lậy sẽ được Sở GTVT Tiền Giang cấp phép). Việc phân luồng sẽ triển khai vào thời điểm thích hợp căn cứ điều kiện giao thông thực tế và đề xuất của địa phương.

“Đến thời điểm hiện tại, dự án đã dừng thu hơn một năm, nhà đầu tư gặp rất nhiều khó khăn và ngân hàng cho vay vốn lo ngại về khả năng thu hồi vốn. Để sớm giải quyết các khó khăn của dự án, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư tham gia đầu tư các dự án theo hình thức hợp đồng BOT, đặc biệt là dự án đầu tư đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, cần sớm thu giá dịch vụ trở lại đối với dự án”, đại diện Bộ GTVT nói.

Ông Phạm Văn Cường cho biết, nhà đầu tư sẽ làm việc với UBND các huyện về phương án miễn giảm giá vé để triển khai xuống các xã trong vùng bán kính được miễn giảm để lập danh sách. Xe không kinh doanh được giảm 100% phí. Các phương tiện phục vụ kinh doanh cũng được giảm với tỷ lệ phù hợp.

Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho hay cả nước hiện mới có 900 km cao tốc. Đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 không có dự án mới, chỉ xử lý và thực hiện các dự án dở dang do tình hình ngân sách hạn hẹp. Vì vậy, việc đầu tư vào hạ tầng giao thông hiện nay phải dựa vào hình thức đầu tư đối tác công - tư (PPP).

7 trạm BOT tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự

Theo đại diện Vụ Đối tác công - tư, cả nước hiện có trên 80 trạm thu phí BOT giao thông, trong đó ngành GTVT quản lý 65 trạm, địa phương quản lý 18 trạm. Ngoài trạm BOT Cai Lậy, cả nước còn có 6 trạm thu phí BOT tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an ninh trật tự.

MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".