Thường trực Quốc hội: 'Các bộ phải vào TPHCM, không để TPHCM đi ra các bộ'

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương bày tỏ "xót xa" khi TPHCM phải đeo bám các bộ, ngành Trung ương trong triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách mà nghị quyết của Quốc hội đã quy định cho thành phố. 

Tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM ngày 5/10, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, trong báo cáo một năm thực hiện Nghị quyết 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, địa phương có nhận thiếu sót là chưa quyết liệt đeo bám bộ, ngành.

Ông Phương đánh giá điều này “nghe rất xót xa”, bởi rõ ràng hai bên phải phối hợp với nhau chứ không phải TPHCM “phải đeo bám”.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, Nghị quyết 98 thí điểm 44 cơ chế, chính sách đặc thù cho TPHCM, có hiệu lực từ ngày 1/8/2023. Sau hơn một năm, 30/44 cơ chế đã áp dụng, 2 nội dung đang chờ các bộ, ngành bổ sung quy định, 1 cơ chế xin dừng thực hiện do đã có quy định mới thay thế, 4 chính sách chưa đề xuất áp dụng và 7 cơ chế thành phố đang hoàn thiện văn bản hướng dẫn.

Thường trực Quốc hội: 'Các bộ phải vào TPHCM, không để TPHCM đi ra các bộ' ảnh 1

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương trao đổi tại buổi làm việc. Ảnh: Việt Dũng

Trước báo cáo về việc TPHCM phải xin ý kiến bộ, ngành để thực hiện một số nội dung, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng thành phố cần đổi mới cách làm. Theo đó, TPHCM cần tích cực hơn trong quyền hạn của mình nhưng bộ, ngành cũng phải bám thành phố để tháo gỡ.

“Chúng tôi có nghiên cứu mô hình khu thương mại tự do Thượng Hải (Trung Quốc). Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình đưa các cơ quan, bộ, ngành xuống thành phố này và yêu cầu phải làm cho được khu thương mại tự do. Từ đó, các cơ quan cùng xuống tháo gỡ cùng thành phố chứ không đợi thành phố phải đề xuất”, ông Phương chia sẻ.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng nêu rõ, tinh thần của Nghị quyết 98 là cơ chế, chính sách đột phá và TPHCM làm thí điểm. Dù vậy, nhiều nội dung thành phố vẫn phải làm theo quy trình, thủ tục hiện hành thì “nghe sai sai”.

Việc chậm thực hiện các cơ chế đặc thù có nguyên nhân khách quan là chưa có khung pháp lý và cần thời gian nghiên cứu. Tuy nhiên, có những vấn đề đã có các quy định chuyển tiếp.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng dẫn điều khoản thi hành Nghị quyết 98, cho hay: Nếu cùng một vấn đề nhưng có sự khác nhau giữa nghị quyết này và luật, quy định khác thì phải áp dụng Nghị quyết 98 thực hiện. Do đó, ông lưu ý cần bám chắc điều này để triển khai, còn nếu lòng vòng, chờ đợi bộ ngành ý kiến thì rất khó.

“Tắc đâu, thông đó”, “khó đâu, tháo đó”

Trong kết luận buổi làm việc sau đó, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng nhấn mạnh thống nhất với ý kiến của Phó Chủ tịch Trần Quang Phương. Ông cho rằng các bộ phải vào TPHCM chứ không để TPHCM đi ra các bộ.

Thường trực Quốc hội: 'Các bộ phải vào TPHCM, không để TPHCM đi ra các bộ' ảnh 2

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu.

“Hôm nay, Đảng đoàn Quốc hội vào TPHCM. Tôi cũng mong các đồng chí vào nhiều hơn nữa. Hội đồng Dân tộc, các ủy ban trên phương châm 'tắc đâu, thông đó', 'khó đâu, tháo đó' cho TPHCM để gỡ về cơ chế, chính sách như phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tại Hội nghị Trung ương 10 và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 10 là làm sao tháo gỡ về thể chế để kinh tế – xã hội phát triển, tháo gỡ theo cách làm mới”, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ.

Từ các phát biểu của các Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cũng cho rằng, tư duy xây dựng luật pháp, cách làm luật, nghị quyết bây giờ thì Quốc hội chỉ quyết định những vấn đề, phạm vi theo hiến pháp, theo vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội. Còn lại, thông tư, nghị định thì giao về cho Chính phủ ban hành, để nếu có khó khăn, vướng mắc thì chỉ sửa nghị định, thông tư, sẽ nhanh hơn sửa nghị quyết, luật.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.