'Chìa khóa 98': Gỡ điểm nghẽn, mở ra cơ hội phát triển

0:00 / 0:00
0:00
TP - Với Nghị quyết 98, Quốc hội đã trao cho TPHCM công cụ pháp lý mang tính đặc thù để tạo đà cho thành phố đầu tàu kinh tế vươn lên mạnh mẽ. Ngay khi Nghị quyết được ban hành (tháng 6/2023), TPHCM đã triển khai hiện thực hóa các cơ chế đặc thù và bước đầu đã có những chuyển động tích cực.

Phân cấp, phân quyền để tạo động lực

TS.Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TPHCM nhìn nhận, Nghị quyết 98 giao cho thành phố được quyền tự chủ về quản lý và vốn, đồng thời còn tự chủ về nguồn nhân lực. Cùng với đó, cơ chế đặc thù cũng cho thành phố quyền chủ động quyết định hệ số giá đất để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, qua đó thúc đẩy dự án nhanh hơn, đạt hiệu quả đầu tư công tốt hơn.

Việc tự chủ về quản lý và con người còn “dính” tới việc tinh giản biên chế, sáp nhập các phường, xã. Số lượng cán bộ, nguồn nhân lực các địa phương ở TPHCM rất lớn, muốn định biên lại để tinh giản biên chế thúc đẩy hiệu quả cũng không thể triển khai nhanh được, đồng thời cũng cần sự đồng bộ về luật pháp. Do vậy, thành phố cần tiếp tục hoàn thiện nhằm bảo đảm tính quản lý thống nhất, minh bạch.

Tuy nhiên, theo TS Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn triển khai Nghị quyết 98 của Quốc hội cho rằng, Nghị quyết 98 không phải là chiếc đũa thần giải quyết tất cả vấn đề đang tồn tại của TPHCM, mà là công cụ pháp lý quan trọng tạo động lực về thể chế, nâng cao hiệu quả của nền công vụ; xử lý những điểm nghẽn trong hấp thụ vốn và thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và xây dựng hạ tầng đô thị. Vì vậy, ông Lịch cho rằng TPHCM cần tiếp tục nghiên cứu xây dựng mô hình chính quyền đô thị phù hợp với quy mô và vị trí vai trò của thành phố.

'Chìa khóa 98': Gỡ điểm nghẽn, mở ra cơ hội phát triển ảnh 1

TPHCM đang tận dụng những cơ chế vượt trội mới từ Nghị quyết 98 để bứt phá Ảnh: NGÔ TÙNG

Sau khoảng 8 tháng triển khai thực hiện Nghị quyết 98, tính đến tháng 3/2024, HĐND TPHCM đã thông qua 30 nghị quyết cụ thể hóa 18 cơ chế, chính sách thiết thực đối với thành phố. Một số cơ chế, chính sách đã được ban hành, thực thi và đang phát huy tác dụng như nhóm cơ chế, chính sách bố trí vốn cho hỗ trợ giảm nghèo và giải quyết việc làm; chính sách chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức viên chức, mở rộng đến một số đối tượng như các hội đặc thù, các cơ quan Trung ương.

HĐND TPHCM, TP.Thủ Đức cũng đã thông qua các nghị quyết về thành lập các đơn vị sự nghiệp, cơ quan hành chính của TP.Thủ Đức, trong đó quy định trách nhiệm chức năng và cơ chế hoạt động, từ đó giúp gỡ cho TP.Thủ Đức rất nhiều vướng mắc từ khi thành lập. TPHCM cũng đã thực hiện tăng số lượng phó chủ tịch cho một số địa phương và 52 xã, phường đông dân theo cơ chế của nghị quyết. Đồng thời cụ thể hóa cơ chế, chính sách về hỗ trợ lãi suất cho các dự án đầu tư, chương trình kích cầu, tạo tâm lý phấn khởi cho các nhà đầu tư.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng cho rằng, TPHCM cần nhanh chóng xem xét và giải quyết những vướng mắc trong đầu tư công tại thành phố, đồng thời triển khai mô hình chính quyền đô thị để tạo ra chế độ pháp lý mới cho thành phố. Bên cạnh đó, TPHCM chú ý xem xét lại toàn bộ cơ cấu nhân sự để tái cấu trúc và nâng cấp đội ngũ cán bộ, nhằm đáp ứng được đủ năng lực quản lý và triển khai các dự án đầu tư công trong bối cảnh mới; tăng cường sự hợp tác giữa các bên liên quan như chính quyền địa phương, các đơn vị quản lý dự án, các nhà đầu tư và cộng đồng dân cư để đảm bảo sự minh bạch, hiệu quả và bền vững của đầu tư công.

'Chìa khóa 98': Gỡ điểm nghẽn, mở ra cơ hội phát triển ảnh 2

Quốc lộ 13 qua địa bàn TPHCM thường xuyên ùn ứ vào giờ cao điểm Ảnh: H.H

Theo Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, trọng tâm của thành phố trong năm 2024 là tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, bộ, ngành Trung ương nhanh chóng xây dựng hệ thống các quy định hướng dẫn thi hành Nghị quyết 98, bảo đảm hoàn thiện nhanh nhất khung pháp lý nhằm cụ thể hóa các cơ chế, chính sách đặc thù vào thực tiễn cuộc sống.

Rút ngắn thời gian chuẩn bị đầu tư

Hiện nay ngành giao thông TPHCM đang vận dụng những cơ chế đặc thù để rút ngắn thời gian chuẩn bị đầu tư các dự án và triển khai thí điểm các dự án BOT, BT nhằm gỡ điểm nghẽn giao thông cho thành phố.

Ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông (Ban Giao thông) TPHCM cho biết, thành phố đã áp dụng Nghị quyết 98 với những cơ chế đặc thù vào ngành giao thông như các dự án BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) trên đường hiện hữu, dự án BT (xây dựng - chuyển giao) thanh toán bằng tiền ngân sách trả chậm (trước đây thanh toán bằng quỹ đất). Bên cạnh đó, thành phố cũng thí điểm áp dụng triển khai dự án giải phóng mặt bằng độc lập, tách riêng ra khỏi dự án giao thông và thu hồi đất theo quy hoạch TOD (các khu đất có tiềm năng khai thác, phát triển theo trục giao thông chính) để tạo nguồn từ các quỹ đất dọc theo các dự án giao thông cho các dự án metro số 1, metro số 2, đường vành đai 3 TPHCM. “Với cơ chế mới, cách làm mới sẽ tạo nguồn lực mới cho ngành giao thông thành phố”- ông Phúc đánh giá.

Cũng theo ông Phúc, trong năm 2024, ngành giao thông TP cũng sẽ phê duyệt dự án quan trọng như cầu Cần Giờ, cầu Thủ Thiêm 4, hai tuyến đường trên cao, các dự án PPP (đầu tư theo hình thức đối tác công - tư). Đặc biệt, với Nghị quyết 98, sẽ có nhiều thay đổi trong tư duy làm việc và cách triển khai, qua đó sẽ thực sự giúp các dự án giao thông được đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Ông Ngô Hải Đường - Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ (Sở GTVT TPHCM) cho biết, hiện nay với các công trình trọng điểm như Vành đai 4, cầu Cần Giờ,…, Sở GTVT đang phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai, đặc biệt là trong công tác điều chỉnh quy hoạch cục bộ quy định trong Nghị quyết 98 để đẩy nhanh tiến độ lập chủ trương đầu tư. Việc vận dụng nghị quyết 98 vào thực hiện các dự án trọng điểm được kỳ vọng sẽ rút ngắn thủ tục chuẩn bị đầu tư hơn 6 tháng. Từ đó, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và đạt được mục tiêu phấn đấu khởi công xây dựng 3 dự án giao thông trọng điểm là cầu Cần Giờ, cầu Thủ Thiêm 4 và vành đai 4 TPHCM... vào dịp 30/4/2025.

Loạt dự án nghìn tỷ sẽ triển khai theo cơ chế đặc thù

Theo Sở GTVT TPHCM, trong năm 2024 sẽ khởi động 5 dự án BOT trên đường hiện hữu. Đó là dự án Nâng cấp, mở rộng quốc lộ 13 (từ cầu Bình Triệu đến ranh tỉnh Bình Dương); Nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1 (từ đường Kinh Dương Vương đến ranh tỉnh Long An); Cải tạo, nâng cấp quốc lộ 22 (từ nút giao An Sương đến đường Vành đai 3); Nâng cấp đường trục Bắc - Nam, đoạn từ đường Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức - Long Thành; Xây dựng cầu đường Bình Tiên (từ đường Phạm Văn Chí đến đường Nguyễn Văn Linh). Tổng mức đầu tư các dự án này gần 45.000 tỷ đồng.

Ngoài các dự án BOT theo cơ chế đặc thù từ Nghị quyết 98 kể trên, thành phố dự kiến thực hiện 4 dự án BT (xây dựng - chuyển giao) thực hiện bằng tiền ngân sách trả chậm. Các dự án gồm: Dự án đường ven sông Sài Gòn (từ cầu Ba Son đến cầu Bình Triệu) dài gần 4km; Dự án đường liên cảng Cát Lái - Phú Hữu - Vành đai 3 (TP Thủ Đức) dài 6km; Dự án đường song hành Phan Văn Hớn (huyện Hóc Môn) dài 8,5km; Dự án mở rộng đường Ung Văn Khiêm từ nút giao ngã 5 Đài liệt sĩ đến khu du lịch Tân Cảng (quận Bình Thạnh) dài 1,7km, rộng 30m. Tổng mức đầu tư các dự án này vào khoảng hơn 18.200 tỷ đồng.

Ông Phan Công Bằng - Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM cho biết, theo quy định, hợp đồng BT thông qua phương thức Nhà nước thanh toán hoàn vốn đầu tư cho nhà đầu tư bằng quỹ đất. Việc áp dụng hình thức hợp đồng BT thanh toán bằng quỹ đất cho nhà đầu tư trước đây đã được triển khai tại TPHCM nhưng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là một số dự án giao thông không có đủ, thậm chí không có quỹ đất dọc tuyến để thực hiện việc thanh toán. Với Nghị quyết 98, TPHCM sẽ thực hiện thanh toán bằng vốn ngân sách (trả chậm). Qua đó, thành phố sẽ chủ động, linh hoạt xây dựng kế hoạch vốn để thanh toán cho nhà đầu tư phù hợp với khả năng thu ngân sách của thành phố theo từng thời kỳ và tình hình thu chi ngân sách hàng năm. Ngoài ra, một số khoản, điều của Nghị quyết mới đã có các cơ chế chính sách tạo nguồn thu để thanh toán cho các dự án thực hiện theo hình thức BT trả chậm - Ông Bằng cho hay.

Về việc mở rộng các tuyến đường cửa ngõ bằng dự án BOT, ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở GTVT TPHCM cho biết, đây là những dự án được đề xuất ưu tiên đầu tư sau khi Nghị quyết 98 về cơ chế đặc thù cho phép TPHCM áp dụng hợp đồng BOT với các công trình mở rộng đường hiện hữu. Hiện nay, Sở GTVT đang lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi với các dự án, dự kiến trong quý II năm nay sẽ trình báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Sau đó, cuối năm nay sẽ lập báo cáo nghiên cứu khả thi, trình thông qua chủ trương đầu tư và tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, phấn đấu năm 2025 sẽ khởi công các dự án BOT này.

Theo ông Lâm, việc thực hiện dự án BOT trên đường hiện hữu rất phức tạp, trước đây luật không cho phép thực hiện dự án BOT trên đường hiện hữu. Do đó, TPHCM đã xin thí điểm. “Chắc chắn khi đầu tư xong sẽ hiệu quả hơn và năng lực thông hành bản thân tuyến đường đó và mạng lưới xung quanh phải tốt hơn, góp phần phát triển kinh tế, xã hội và giảm ùn tắc, tai nạn giao thông” - Ông Lâm tin tưởng.

Phân cấp tối đa cho TPHCM

Đề cập việc triển khai thực hiện Nghị quyết 98, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói: “Quá trình làm không chỉ dừng lại ở các việc đã đề xuất mà cần đề xuất nếu gặp vấn đề mới, vấn đề phát sinh. Cái gì vướng, chưa phù hợp thì tiếp tục bổ sung”. Ông cũng yêu cầu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nâng cao năng lực cán bộ thực thi, phân bổ nguồn lực phù hợp và tăng cường kiểm tra, giám sát. Thủ tướng cũng cho biết sẽ phân cấp tối đa cho TPHCM và cũng đề nghị các bộ, ngành quan tâm phân cấp cho TPHCM.

Năm 2024, thành phố được giao giải ngân hơn 79.000 tỷ đồng đầu tư công, cao hơn 10.000 tỷ đồng so với năm ngoái. Chủ tịch Phan Văn Mãi nhìn nhận, mục tiêu này khá thách thức nhưng thành phố phải nỗ lực giải quyết cho được bài toán khó này với sự trợ lực từ các cơ chế đặc thù.

MỚI - NÓNG