Trạm BOT Cai Lậy chưa thể hoạt động trở lại vào lúc 0h ngày 14/2.
Ông Hiệp cho biết, trước đó dự kiến trạm sẽ hoạt động thu phí trở lại vào lúc 0h ngày 14/2. Tuy nhiên, có thể lùi lại 1 – 2 ngày nhưng chưa biết thời gian chính thức. “Trước khi thu phí chúng tôi sẽ tổ chức họp báo và có thông tin cho báo chí” – ông Hiệp nói.
Các phương tiện vẫn lưu thông tự do qua trạm này.
Không có nhân viên túc trực.
Trưa cùng ngày, PV liên hệ với ông Lê Văn Hưởng – Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, ông Hưởng cho biết: “Đến thời điểm hiện tại tôi cũng chưa biết chính xác ngày, giờ trạm BOT Cai Lậy hoạt động trở lại vì đây do Bộ GTVT quyết định chứ không thuộc thẩm quyền của tỉnh. Nếu có thu trở lại thì tỉnh có nhiệm vụ, trách nhiệm quản lí an ninh trật tự trên địa phương”.
Cabin bị bụi bám kín sau thời gian dài không có người làm việc.
Cạnh trạm BOT Cai Lậy nhiều hàng quán đặt sát mặt đường để buôn bán.
Như Tiền Phong đã đưa tin, trạm thu phí BOT đi vào hoạt động ngày 1/8/2017, nhiều tài xế để phản đối bằng cách sử dụng tiền lẻ mua vé, gây ùn tắc giao thông nghiêm trọng khiến chủ đầu tư phải liên tục xả trạm. Từ ngày 14/12/2017 Thủ tướng Chính phủ đã quyết định dừng thu phí BOT Cai Lậy để Bộ GTVT trình phương án xử lý.
Ngày 15/1/2019, Tổng cục Đường bộ đã làm việc với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án, chính quyền địa phương và thống nhất đề nghị Bộ GTVT phương án giảm giá và dự kiến thu phí trở lại tại trạm BOT Cai Lậy từ 0h ngày 14/2/2019 (mùng 10 Tết).
Trước đó, tháng 10/2017 trên tuyến tránh Cai Lậy xuất hiện nhiều ổ gà,ổ voi...
Hiện tại, tuyến đường này cơ bản được khắc phục.
Trước khi thực hiện thu phí trở lại, được biết, Bộ GTVT sẽ có cuộc làm việc với tỉnh Tiền Giang để thống nhất lại các công việc liên quan, để triển khai thu phí trở lại trạm BOT Cai Lậy.
Theo phương án được các bên thông qua, giữ nguyên vị trí trạm BOT Cai Lậy như hiện nay; đưa giá vé nhóm phương tiện loại một (xe dưới 12 chỗ, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn, các loại xe buýt) xuống 15.000 đồng mỗi lượt, giảm 58% so với mức trước đây là 35.000 đồng. Mức giá vé lượt, vé tháng và quý áp dụng cho các nhóm phương tiện khác cũng giảm từ 40 - 60% so với trước.
Ngoài ra, chính sách miễn giảm phí cho phương tiện của người dân địa phương quanh trạm thêm 10km (thay vì 4km như trước đây).
Cụ thể, các xã được giảm giá phí BOT Cai Lậy, gồm: Phú An, Bình Phú, Phú Nhuận, Mỹ Thành Nam (huyện Cai Lậy); Long Khánh, phường 2 (Thị xã Cai Lậy); An Cư, xã Mỹ Hội (huyện Cái Bè). Trong đó, các loại xe buýt và phương tiện không sử dụng để kinh doanh được giảm 100% giá vé, còn lại các phương tiện sử dụng để kinh doanh giảm 50% giá vé.
Khi giảm phí qua BOT Cai Lậy, phương án tài chính của dự án được tính toán lại, theo Tổng cục Đường bộ, thời gian thu phí thay vì 7 năm được kéo dài lên khoảng 15 năm 9 tháng.
Dự án BOT Cai Lậy có tổng mức đầu tư 1.398 tỷ đồng, việc thu phí bắt đầu từ đầu tháng 8/2017 nhằm hoàn vốn đầu tư cải tạo, tăng cường mặt đường 26,4 km quốc lộ 1 qua Tiền Giang và đoạn qua thị xã Cai Lậy dài 11,1 km, sửa chữa 14 cầu kết hợp xây dựng tuyến tránh thị xã Cai Lậy dài 12,1 km và xây dựng 07 cầu (quá trình triển khi thực hiện có 02 cầu chuyển thành cống để đảm bảo hiệu quả đầu tư theo đề nghị của địa phương).