Võ sư Lý Huỳnh
Nghệ sĩ, võ sư Lý Huỳnh tên thật là Lý Kim Tuyền, sinh năm 1942 tại Vĩnh Long. Ông xuất thân trong một gia đình gốc Hoa có truyền thống võ thuật. Từ nhỏ, ông đã được học võ với cha và học thêm võ Thiếu Lâm, võ Việt Nam và Quyền Anh với nhiều võ sư khác. Ông từng được xếp vào nhóm "tứ tú" của miền Nam Việt Nam giai đoạn trước 1975.
Năm 1965, võ sư Lý Huỳnh mở trường dạy võ, đào tạo ra nhiều nhân tài cho làng võ thuật phía Nam. Ông cũng từng thượng đài nhiều trận và giành phần thắng 3 trận về Quyền Anh.
Những năm 70, khi tham gia một vai trong bộ phim của đạo diễn nước ngoài, ông công khai đưa ra lời thách đấu Lý Tiểu Long. Lời thách đấu này được nhiều báo đài của Việt Nam và Hồng Kông loan báo rộng rãi. Tuy nhiên, lời thách đấu chưa kịp thực hiện thì Lý Tiểu Long đột ngột qua đời vào năm 1973.
Từ năm 1976, võ sư Lý Huỳnh tham gia khá nhiều bộ phim. Ông là một trong những võ sư nổi tiếng đưa võ thuật vào điện ảnh thành công. Vai đầu tiên của ông là đại tá Hoàng trong phim Cô Nhiếp bộ phim sau đó đoạt giải Bông sen bạc. Tiếp đó, ông tham gia nhiều phim: Mối tình đầu, Vùng gió xoáy, Ông Hai Củ, Hòn đất, Mùa gió chướng... Vai Hai Lúa trong Vùng gió xoáy cũng đã mang về cho ông giải Nam diễn viên xuất sắc nhất của LHP VN lần VI (1983).
Năm 2010, sau khi tham gia phim Tây Sơn hào kiệt, võ sư Lý Huỳnh ít tham gia phim ảnh vì sức khoẻ xuống dốc. Ông được phong Nghệ sỹ Ưu tú năm 1993 và Nghệ sỹ Nhân dân năm 2012.
Võ sư Lê Ngọc Quang
Võ sư Lê Ngọc Quang theo học võ từ một người bạn học khi mới 10 tuổi. Ông từng mở lớp dạy võ và xây dựng Võ phái tổng hợp. Năm 1989, võ sư này là HLV đầu tiên huấn luyện Pencak Silat cho đội tuyển Hà Nội, công an và toàn quốc.
Võ sư Lê Ngọc Quang. Ảnh: LNQ.
Trong nhiều năm huấn luyện cho các đội tuyển, võ sư Lê Ngọc Quang đã góp phần đào tạo nhiều vận động viên vô địch thế giới, vận động viên vô địch SEA Games và hàng trăm vận động viên kiện tướng quốc gia. Năm 1995, Liên đoàn Võ thuật Hà Nội đổi tên thành Hội Võ thuật Hà Nội, võ sư Lê Ngọc Quang được bầu làm Phó Tổng thư ký Hội Võ thuật Hà Nội.
Võ sư Lê Ngọc Quang từng theo học trường Sân khấu Điện ảnh nhưng bỏ giữa chừng để chuyên tâm theo Đại học Bách Khoa. Tuy nhiên, nhờ sở hữu gương mặt điển trai lại có nghề võ nên ông đã nhanh chóng lọt vào mắt xanh của các nhà làm phim từ những năm mới 20 tuổi. Ông từng tham gia nhiều phim như: Ban mai, Ngày lễ thánh, Lãnh địa đen, Cảnh sát đặc nhiệm, Cổ cồn trắng, Đường đời, Mặt nạ da người, Bản di chúc bí ẩn và mới đây là Người phán xử.
Theo võ sư Trương Văn Hoà, một nguyên tắc bất di bất dịch của võ sư Lê Ngọc Quang là không cho phép nhân viên hoá trang đụng vào mặt mình vì muốn sống như thật trên phim. Ngay cả phục trang cũng được võ sư bê từ đời thường lên phim.
Võ sư Trương Văn Hoà
Võ sư Trương Văn Hòa xuất thân từ một dòng họ có truyền thống võ học nên lên 9 tuổi đã được cho học võ công của Thiếu Lâm Tự do một cố lão võ sư người Trung Quốc truyền dạy. Ông từng được học tuyệt kỹ công phu Quyền bộ, Binh khí, Ám khí và khí nội công. Sau này, ông còn theo học Bình Định Gia, Vịnh Xuân Quyền, Sơn Đông Không Động, Bình Định - Tây Sơn…
Võ sư Trương Văn Hoà. Ảnh: cắt từ clip.
Võ sư Trương Văn Hòa đã từng tham gia chương trình “Chuyện lạ Việt Nam’’, “Ngôi sao võ thuật Việt Nam’’, “Tinh hoa võ thuật Việt Nam” và “Tìm hiểu võ thuật Châu Á” của kênh truyền hình Discovery (Mỹ)… Ông cũng là một trong những võ sư nổi tiếng với việc chơi được nhiều binh khí và dùng võ thuật để chữa bệnh.
Không chỉ là một võ sư có tiếng trong giới võ thuật Việt Nam, võ sư Trương Văn Hoà còn tham gia đạo diễn võ thuật và trực tiếp diễn xuất trong nhiều bộ phim cổ trang - hành động của màn ảnh Việt Nam. Bộ phim đầu tiên ông tham gia là Đinh Tiên Hoàng đế của đạo diễn Nguyễn Hiệp.
Ở bộ phim này, ông vào vai võ tướng bảo vệ hoàng hậu do NSƯT Thu Hà “lá ngọ cành vàng” đảm vai. Tiếp theo, võ sư Trương Văn Hoà tham gia Huyền sử thiên đô (vai một nhà sư), Trái tim kiêu hãnh, Giọt nước rơi… Với Huyền sử thiên đô, anh có dịp hội ngộ với bốn võ sư Trung Quốc.
Võ sư Trương Văn Hoà cho rằng, đóng phim Việt Nam, võ sư vất vả vô cùng vì đánh nhau là đánh thật, không có bảo vệ an toàn, không đóng thế, không lồng ghép... Mục đích ông tham gia phim ảnh cũng chỉ vì muốn trình diễn tinh hoa võ thuật.
Võ sư Nguyễn Văn Thắng
Võ sư Nguyễn Văn Thắng (được nhiều người biết đến với biệt danh Thắng “cua”) sinh ra đã được thừa hưởng truyền thống nhiều đời làm võ tướng của dòng họ. Võ sư Nguyễn Văn Thắng là người sáng lập ra võ đường Bắc Long Biên nổi tiếng ở Hà Nội. Nhiều học trò của ông đã đạt được các thành tích cao trong thi đấu võ thuật.
Mặc dù được biết tới với tư cách là võ sư, chủ nhiệm của võ đường nổi tiếng nhưng võ sư Nguyễn Văn Thắng cũng đã tham gia tới 40 bộ phim lớn nhỏ. Theo đó, trong một biểu diễn bịt mắt đánh đối phương, dùng tay không đánh bục đít chai rượu ngoại, anh đã được đạo diễn Nguyễn Thế Vinh mời vào vai trùm xã hội đen trong bộ phim Thức tỉnh.
Võ sư Nguyễn Văn Tháng. Ảnh: Hoàng Nam.
Sau bộ phim đầu tiên anh được các đạo diễn truyền hình tiếp tục mời tham gia nhiều phim khác trong vai trò diễn viên, đồng thời là cố vấn võ thuật như: Chuyện tình đảo cát, Miền đất hứa, Chiến hạm nổ tung, Đột kích… Trong số đó, phải kể đến hai bộ phim Đinh Tiên Hoàng đếvà Những đứa con biệt động Sài Gòn do ông chính thức làm cố vấn võ thuật từ đầu đến cuối.
Với các vai diễn, võ sư Nguyễn Văn Thắng muốn cho người xem thấy trong các pha hành động do mình thủ vai cũng như cố vấn võ thuật không chỉ có sự mạnh mẽ, thô ráp mà còn khéo léo, tinh tế, biến hóa kỳ diệu. Có lần ông đã bật khóc khi hóa thân quá đạt cho một vai diễn mà ông liên tưởng đến cậu con trai ở nhà hay nhận được tin con trai bị tai nạn nhưng ông vẫn hoàn thành vai diễn đến phút xong cảnh quay.