Theo kế hoạch, sáng 30/7, lực lượng chức năng TP. Phú Quốc tiến hành cưỡng chế, buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đối với 4 trường hợp, gồm: Bà Nguyễn Nguyệt Ảnh, ông Nguyễn Văn Kiệt, Nguyễn Thành Lòng và bà Nguyễn Thị Mỹ Châu.
Trong đó, bà Ảnh chiếm 1.153m2 đất, ông Kiệt chiếm 640m2, ông Lòng chiếm 133m2, bà Châu chiếm 114m2 đất. Cơ quan chức năng xác định, ông Lòng và ông Kiệt chiếm đất tái định cư; còn bà Ảnh và bà Châu chiếm đất Nhà nước đang quản lý. Hiện trạng trên đất có nhiều ngôi nhà, vật dụng kiến trúc và tài sản khác.
Lực lượng cưỡng chế giúp các hộ dân vận chuyển tài sản ra khỏi khu vực vi phạm. |
Cùng ngày, lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường Phú Quốc cho biết, sáng nay khi lực lượng cưỡng chế có mặt để tiến hành cưỡng chế, các hộ dân đã tự nguyện tháo dỡ, di dời tài sản, kiến trúc ra khỏi khu vực vi phạm.
Như Tiền Phong đã đưa tin, tại hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh diễn ra vào đầu tháng 7 vừa qua, ông Lê Quốc Anh - Bí thư Thành uỷ Phú Quốc nhìn nhận, Thành phố đang gặp khó khăn trong việc lập lại trật tự xây dựng, đặc biệt với lĩnh vực đất đai.
“Mình cưỡng chế, đập 1 căn nhà trái phép thì người ta xây thêm 10 căn nữa. Như vậy, luỹ kế 1-2 nhiệm kỳ số vi phạm nhiều, rất khó xử lý; không phải 1-2 ngày có thể lập lại trật tự xây dựng, đất đai ngay được”, ông Quốc Anh chia sẻ.
Theo Bí thư Thành ủy Phú Quốc, phải thay đổi từ Ban chấp hành, Ban Thường vụ của thành phố, thực hiện “cưỡng chế nóng” khi phát hiện vi phạm. Tức ngay khi phát hiện vi phạm phải buộc phá dỡ, di dời công trình vi phạm khỏi đất nhà nước, đất rừng; cưỡng chế ngay từ viên gạch, cây cột đầu tiên.
Cùng với giải pháp tuyên truyền, vận động người dân không vi phạm để thay đổi nhận thức, thành phố cũng cần sự phối hợp vào cuộc của các cơ quan chức năng ngành tư pháp để thẩm định, xử lý vi phạm...