Theo kết luận thanh tra, Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TPHCM (HFIC) có chức năng nhiệm vụ huy động, quản lý và sử dụng vốn, tài sản; đầu tư vào các công ty con, công ty liên kết; cho vay tín dụng, cho vay ủy thác; thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu, thành viên hoặc cổ đông tại các doanh nghiệp thành viên, công ty liên kết...
Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của HFIC hàng năm có lợi nhuận, phần lớn các lĩnh vực đầu tư đều sinh lợi, đảm bảo nguồn nộp ngân sách, trong đó nguồn thu chiếm tỷ trọng lớn là nguồn thu từ hoạt động đầu tư vào các công ty thành viên và công ty liên kết. Nguồn vốn được bảo toàn và phát triển. Tuy nhiên, ngoài những kết quả đạt được, HFIC còn nhiều thiếu sót, tồn tại.
Cụ thể, về quản lý nợ công, HFIC chưa trích lập dự phòng 10 khoản nợ với số tiền hơn 150 tỷ đồng; đối chiếu, xác nhận công nợ chưa đầy đủ; chưa tích cực đôn đốc, thực hiện các biện pháp để thu hồi các khoản nợ và có những khoản nợ kéo dài.
Trang web của công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TPHCM. |
Đến ngày 31/12/2020, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là gần 1.200 tỷ đồng. Đây là số trích lập Quỹ Đầu tư phát triển từ 30% lợi nhuận sau thuế và các quỹ khác, HFIC chưa kết chuyển do chưa được UBND TPHCM phê duyệt báo cáo tài chính và phân phối lợi nhuận năm.
Ngoài số trích lập Quỹ Đầu tư phát triển và các quỹ khác, số dư trên tài khoản lợi nhuận chưa phân phối đến ngày 31/12/2020 có khoản lợi nhuận còn lại hơn 5 tỷ đồng, HFIC phải nộp ngân sách Nhà nước.
Thực hiện Quyết định ngày 10/8/2022 của Chánh Thanh tra TPHCM về thu hồi tiền, HFIC đã chuyển nộp vào tài khoản tạm giữ của Thanh tra Thành phố số tiền hơn 5 tỉ đồng nêu trên.
Về quản lý Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ, HFIC chưa thực hiện trích nộp 20% số Quỹ đã trích sử dụng không hết năm 2015, 2016 và chưa nộp khoản trích từ năm 2019 với số tiền hơn 3,4 tỷ đồng về Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ TPHCM.
Thực hiện Quyết định ngày 4/5/2022 của Chánh Thanh tra TPHCM về thu hồi tiền, HFIC đã chuyển nộp vào tài khoản tạm giữ của Thanh tra Thành phố số tiền hơn 3,4 tỷ đồng nêu trên.
Về hoạt động cho vay từ nguồn vốn ngân sách ủy thác, theo báo cáo của HFIC, đến ngày 30/4/2022, số dư lãi tiền gửi từ nguồn Quỹ điện là hơn 8,8 tỷ đồng, khoản lãi tiền gửi và lãi cho vay nguồn vốn ủy thác là gần 4,8 tỷ đồng. HFIC chưa nộp ngân sách số lãi tiền gửi và lãi cho vay nguồn vốn ủy thác là thực hiện chưa đúng theo quy định.
Thực hiện Quyết định ngày 11/7/2022 của Chánh Thanh tra TPHCM về thu hồi tiền, HFIC đã chuyển nộp vào tài khoản tạm giữ của Thanh tra Thành phố số tiền hơn 13,6 tỷ đồng nêu trên.
Về việc đầu tư và kinh doanh vốn vào các lĩnh vực, ngành nghề, năm 2020, 2021, giá trị vốn góp của HFIC tại 28 doanh nghiệp với tổng giá trị vốn đầu tư theo sổ sách kế toán là 3.465,61 tỷ đồng lợi nhuận.
Hiệu quả việc đầu tư tài chính của HFIC năm 2020, 2021 cao hơn lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm đối với kỳ hạn 12 tháng trả lãi cuối kỳ bình quân của 4 ngân hàng (BIDV, VCB, Vietinbank, Agribank) cùng thời điểm (mức dao động từ 5,56% đến 6,2%/năm).
Tuy nhiên, có một số công ty không chia lợi nhuận, cổ tức (năm 2020 có 10 doanh nghiệp, năm 2021 có 14 doanh nghiệp) trong đó có 7 doanh nghiệp bị lỗ. Số lỗ lũy kế đến ngày 31/12/2021 là gần 350 tỷ đồng. HFIC đã trích lập dự phòng giảm giá đầu tư tài chính đối với các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh lỗ với số tiền gần 350 tỷ đồng. 7 doanh nghiệp bị lỗ nêu trên khó có khả năng bảo toàn vốn đầu tư.
Trụ sở công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TPHCM ở đường Nguyễn Du, quận 1. |
Từ kết luận thanh tra, Văn phòng UBND TPHCM đã ban hành thông báo kết luận của Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi. Theo đó, Chủ tịch UBND TPHCM đồng ý nội dung kết luận thanh tra, đồng thời giao Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc HFIC lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng nghiêm túc thực hiện việc công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng vốn nhà nước theo đúng quy định.
Chủ tịch UBND TPHCM yêu cầu HFIC chấn chỉnh công tác quản lý, đối chiếu công nợ phải thu đúng theo quy định; rà soát và có biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ, đặc biệt là các khoản nợ phải thu quá hạn để đảm bảo thu hồi vốn nhằm bảo toàn và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của công ty…
Bên cạnh đó, Chủ tịch Phan Văn Mãi giao Giám đốc Sở Tài chính rà soát, báo cáo, đề xuất UBND TPHCM hướng xử lý đối với phần vốn của Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước Thành phố tại Công ty Cổ phần Chứng khoán TPHCM. Sau khi nhận được báo cáo rà soát, kiến nghị hướng xử lý của HFIC liên quan đến 7 doanh nghiệp kinh doanh lỗ nêu trên, Sở chủ trì, phối hợp các đơn vị có liên quan rà soát, tham mưu UBND TPHCM xem xét, chỉ đạo giải quyết theo quy định.
Chủ tịch UBND TPHCM còn giao Giám đốc Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Thanh tra Thành phố và các cơ quan có liên quan xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân thuộc diện TPHCM quản lý có liên quan đến các hạn chế, thiếu sót theo kết luận thanh tra; thống nhất hướng xử lý phù hợp quy định pháp luật; báo cáo UBND TPHCM...