Bộ trưởng Phạm Vũ Luận và chuyện đề án 34.000 tỷ đồng

 Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: "Bộ GD-ĐT và các trường có trách nhiệm chính trong các hạn chế yếu kém của đào tạo đại học".
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: "Bộ GD-ĐT và các trường có trách nhiệm chính trong các hạn chế yếu kém của đào tạo đại học".
Báo cáo gửi đến Quốc hội trước phần trả lời chất vấn sáng nay 11/6 của Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận phần nào tập trung 2 nhóm vấn đề được ấn định là chất lượng đào tạo đại học và cải cách về giáo dục; đổi mới chương trình, sách giáo khoa.

Bộ GD-ĐT có trách nhiệm với yếu kém trong giáo dục đại học

Trước hết, về chất lượng đào tạo hệ đại học, dạy nghề còn thấp, chưa phù hợp yêu cầu của thị trường lao động, tỷ lệ thất nghiệp của sinh viên ra trường cao, gây lãng phí nguồn lực xã hội, ông Luận thừa nhận trong báo cáo của mình: “Trong thời gian dài, mô hình phát triển giáo dục, trong đó có giáo dục đại học, chỉ chú trọng về tăng số lượng, chưa chú ý đúng mức đến các điều kiện đảm bảo chất lượng và nhu cầu xã hội”.

Một thực tế cũng được mổ xẻ nhiều lần là trong giai đoạn 2006-2011, Bộ GD-ĐT đã cho thành lập nhiều trường cao đẳng, đại học. Quy trình mở trường, cấp phép hoạt động còn thiếu các quy định chặt chẽ, dẫn đến tình trạng có cơ sở đào tạo chưa đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên vẫn được phép hoạt động, làm cho chất lượng đào tạo thấp, điều đó đã làm cho số lượng sinh viên tốt nghiệp tăng mà chất lượng nguồn nhân lực không được cải thiện.

Chương trình đào tạo đại học chưa theo kịp sự phát triển của nền kinh tế, khoa học - công nghệ; văn hoá - xã hội trong khu vực và trên thế giới; nội dung đào tạo nặng về truyền thụ lý thuyết một chiều, nhẹ về thực hành, chưa chú trọng rèn luyện các kỹ năng mềm (làm việc nhóm, ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao trình độ ngoại ngữ và hoạt động xã hội) cho người học…

Nhiều hạn chế, yếu kém khác được người đứng đầu ngành GD-ĐT thẳng thắn nêu ra để thấy hệ quả của công tác quản lý khiến quy mô tuyển sinh (và theo đó là quy mô sinh viên tốt nghiệp hàng năm) tăng nhanh, trong khi chất lượng đào tạo còn thấp và không được chú ý nâng cao.

“Bộ GD-ĐT và các cơ sở giáo dục đại học có trách nhiệm chính trong các hạn chế yếu kém trên đây” - Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhận định.

Các giải pháp “cấp tốc” được Bộ triển khai để “sửa sai” là dừng tiếp nhận hồ sơ nâng cấp, thành lập mới các trường đại học, cao đẳng đến năm 2015.

Cụ thể, với nhiều ngành “khủng hoảng thừa sinh viên” khiến người ra trường khốn đốn xin việc, phải làm tay ngang, thậm chí “gác” bằng cử nhân đi làm công nhân, bán hàng rong, phục vụ quán… là dừng việc mở rộng các ngành đào tạo đó. Bộ đã yêu cầu dừng mở ngành đào tạo trong lĩnh vực kinh tế, kế toán, tài chính ngân hàng ở các khu vực Hà Nội, TPHCM.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng cho biết, Bộ GD-ĐT đã phối hợp tích cực hơn với các bộ, ngành, địa phương tổ chức thẩm định thực tế các điều kiện thành lập trường một cách chặt chẽ, không để tình trạng trường mới thành lập không đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất, đất đai, đội ngũ giảng viên được hoạt động đào tạo

Ngoài ra, Bộ còn lệnh tạm dừng việc bồi dưỡng, cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm cho người tốt nghiệp cử nhân muốn trở thành giáo viên trung học phổ thông từ năm 2014.

Để siết quản lý chất lượng đào tạo đại học, Bộ GD-ĐT cho thành lập hai trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TPHCM, công khai kết quả kiểm định chất lượng đào tạo; tham gia mạng lưới kiểm định khu vực và quốc tế.

Kết quả, theo báo cáo của ông Luận, từ năm 2011 quy mô tuyển sinh đại học đã giảm dần và đi vào thế ổn định (không tăng trưởng nóng nữa), chất lượng giáo dục đào tạo có có sự chuyển động tiến bộ.

Theo bảng xếp hạng đại học thế giới (QS World University Rankings) năm 2014, lần đầu tiên, Việt Nam có 3 trường đại học được lọt vào danh sách, gồm ĐH Quốc gia Hà Nội thuộc nhóm 161-170, ĐH Quốc gia TPHCM thuộc nhóm 191-200 và ĐH Bách khoa Hà Nội thuộc nhóm 251-300.

Thành tích này được người đứng đầu ngành GD-ĐT đánh giá là đáng kể so với mốc 2 năm trước, Việt Nam chỉ mới có ĐH Quốc gia Hà Nội được xếp trong nhóm 201-250.

Vắng số liệu đề án 34.000 tỷ đồng

Về nhóm vấn đề thứ 2 ông Luận sẽ trả lời chất vấn trong sáng nay - việc triển khai thực hiện cải cách về giáo dục; đổi mới chương trình, sách giáo khoa; công tác quản lý xuất bản sách giáo khoa và sách tham khảo - nội dung báo cáo gửi đến Quốc hội không đề cập cụ thể câu chuyện về đề án 34.000 tỷ đồng đổi mới chương trình, sách giáo khoa gây xôn xao dư luận thời gian qua.

Một đại biểu Quốc hội đã đặt vấn đề chất vấn tới Bộ trưởng Luận trước phiên chất vấn này: “Dư luận cho rằng Bộ trưởng không kiểm soát được tình hình trong vụ Bộ GD-ĐT trình UB Thường vụ Quốc hội đề án đổi mới chương trình sách giáo khoa với chi phí trên 34.000 tỷ đồng, làm xôn xao dư luận.

Dù là con số khái toán, nhưng do một Thứ trưởng trình, phát ngôn. Là một đề án của Bộ, chắc chắn Bộ trưởng phải biết, phải chỉ đạo cụ thể trước khi trình ra UB Thường vụ Quốc hội. Trách nhiệm của Bộ trưởng như thế nào về việc này?”.

Báo cáo của Bộ trưởng GD-ĐT có thông tin chung về tổ chức nghiên cứu, xây dựng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới nhưng không đề cập đến số tiền 34.000 tỷ đồng này.

Cụ thể, theo ông Luận, đến nay, Bộ GD-ĐT đã tổng kết, đánh giá chương trình và sách giáo khoa để rút kinh nghiệm trong việc tổ chức xây dựng chương trình và sách giáo khoa mới và đã nghiên cứu, dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật để tổ chức xây dựng, thẩm định, triển khai chương trình này.

Công việc tiếp theo, Bộ sẽ hoàn thiện đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội.

Bộ trưởng cũng cho biết sẽ nghiên cứu, xây dựng và ban hành chương trình giáo dục phổ thông theo định hướng phát triển năng lực. Đồng thời, nghiên cứu đề xuất với Ủy ban Quốc gia về đổi mới giáo dục và đào tạo, với Thủ tướng về phương án tổ chức biên soạn chương trình và sách giáo khoa theo hướng: Nhà nước tập trung nghiên cứu, biên soạn và ban hành chương trình chuẩn, trên cơ sở đó huy động sự tham gia của toàn xã hội vào việc biên soạn sách giáo khoa (gồm sách in và sách điện tử) để cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tổ chức thẩm định và lựa chọn sử dụng.

Theo P.Thảo

Theo Dân Trí
MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.