Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói gì về giá thịt heo?

0:00 / 0:00
0:00
TP - Liên quan giá thịt heo được nông dân bán ra thấp nhưng đến tay người tiêu dùng lại cao, trao đổi với phóng viên bên hành lang Quốc hội ngày 24/10, Bộ trưởng Bộ NN&PT NT Lê Minh Hoan cho biết, sẽ phối hợp với các bộ, cơ quan để giải quyết vấn đề lưu thông, không bị tắc ở khâu vận chuyển. Vì thời gian qua do dịch bệnh làm phát sinh chi phí, thương lái sẽ trừ vào giá thành, đẩy giá xuống để bù lại.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói gì về giá thịt heo? ảnh 1

Bộ trưởng Bộ NN&PT NT Lê Minh Hoan

Nhiều điểm mù mờ gặp nhau

Vì sao vừa qua, giá thịt heo (thịt lợn) người nông dân bán ra rất thấp, nhưng giá thành phẩm bán cho người tiêu dùng lại rất cao, thưa Bộ trưởng?

Tôi vừa trực tiếp đi một số trang trại chăn nuôi và tôi cũng mới báo cáo với Thủ tướng về việc này. Ở đây, phía truyền thông cũng nên cân nhắc, vì đánh vào cảm xúc người nông dân dễ lắm, nhưng ngược lại có thể tạo ra những hiệu ứng về giá cả. Đơn cử thông tin hiện đang tồn đọng 8 triệu con heo trong chuồng, thông tin không chính xác như vậy khiến người nông dân lo ngại và họ phải bán nhanh, bán tháo bằng mọi giá. Cùng lúc nhiều người bán, thị trường lại bị đứt gãy do COVID-19, trong khi đó, giá cả được quyết định đơn thuần dựa vào cung và cầu, bây giờ thêm yếu tố cảm xúc nữa sẽ dẫn đến hiệu ứng dây chuyền.

Thêm nữa, hệ thống siêu thị có những đơn hàng đã đặt trước 5-7 tháng rồi. Họ nói tại sao khi giá mua vào lên, siêu thị vẫn phải bán giá cũ, giờ giá xuống lại không được giữ nguyên, trong khi giá đã niêm yết rồi? Bà con nông dân cũng nói với tôi, cùng lúc bán khoảng 40 con, thương lái thu mua, đem về lò mổ và vẫn nuôi tiếp 5 - 15 ngày, bán theo nhu cầu thị trường. Họ phải chịu thức ăn cho heo, tiền lưu kho, lưu bãi… Do đó, báo chí khi đưa tin cần gặp người nuôi, thương lái, nhà phân phối, bình tĩnh phân tích trong cả chuỗi cung ứng, xem nguyên nhân nào dẫn tới hiện tượng đó, nguyên nhân nào lớn, nguyên nhân nào nhỏ để tháo gỡ.

Ngoài yếu tố cung cầu thị trường thì vai trò và trách nhiệm của Bộ ra sao, thưa ông?

Vấn đề cung cầu thị trường, chúng ta phải quen dần lúc lên, lúc xuống, không thể nào cân bằng tuyệt đối được. Nhưng đúng là ngành nông nghiệp chưa làm tròn trách nhiệm, chưa dự báo tốt thị trường ngay cả trong điều kiện bình thường, còn trong điều kiện bất thường như COVID-19 càng khó dự báo, vì không biết khi nào chấm dứt. Đúng là ngành nông nghiệp có trách nhiệm ngay trong điều kiện bình thường, chưa dự báo và điều tiết được, vấn đề này cần được chấn chỉnh lại. Vì thế, tôi mới nói về câu chuyện mù mờ, nền sản xuất của mình mù mờ, tiêu dùng mù mờ, trung tâm phân phối cũng mù mờ… nhiều điểm mù mờ gặp nhau nên vậy.

Xưa nay ngành nông nghiệp xem sứ mệnh của mình là khuyến khích sản xuất, nên cứ sản xuất và đi theo dõi sản xuất, xem địa phương có bao nhiêu lúa, cá, tôm… nhưng đó không phải là kinh tế. Khi nào sản phẩm ra thị trường mới là kinh tế, còn như vậy chỉ là nông sản thô đang nằm trên đồng thôi. Mình nhầm lẫn cái đó nên bây giờ phải làm sao không mù mờ, muốn vậy phải có số liệu đầy đủ, khoa học.

“Tôi hy vọng, với chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, với độ phủ vắc xin cao, thì chiều hướng thị trường sẽ tốt hơn. Nên chúng ta phải đưa ra nhiều kịch bản để làm sao tết này đảm bảo được cung- cầu” - Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan

Ngành nông nghiệp phải đảm nhiệm luôn cả câu chuyện thị trường, bởi thị trường quyết định cái mình khuyến khích người dân tăng cái gì, giảm cái gì. Khuyến khích tăng sản lượng nhưng không đồng nghĩa với tăng thu nhập, thậm chí có thời điểm còn ngược lại. Như thời điểm này, sản lượng thịt cao nhưng thu nhập người dân lại lao đao, nên phải quay lại theo đúng quy luật thị trường.

Bộ sẽ làm hết trách nhiệm, không vô cảm

Vậy vấn đề cân đối cung cầu đến thời điểm này thế nào, thưa Bộ trưởng?

Hiện chúng ta đã mở cửa “luồng xanh”, đô thị, chợ truyền thống đã mở cửa rồi, thịt heo đã tăng 5-7 ngàn/kg. Khi mở thị trường du lịch, bếp ăn tập thể, cơ quan làm việc bình thường… sẽ tác động đến cung- cầu, Bộ NN&PTNT không thể tác động cung cầu để giá lên.

Trong điều kiện này, chúng tôi sẽ phối hợp với các bộ ngành, địa phương, trong ngắn hạn làm sao giải quyết được vấn đề lưu thông, không bị tắc ở khâu vận chuyển. Vì thời gian qua do dịch bệnh làm phát sinh chi phí, thương lái sẽ trừ vào giá thành, đẩy giá xuống để bù lại. Nhiều khi mình nói người ta ép giá cũng vì lý do đó.

Theo Bộ trưởng, ở đây có sự bắt tay để neo giá, thao túng của các doanh nghiệp lớn trên thị trường không?

Cần đánh giá vấn đề này kỹ lưỡng hơn, vì vừa qua trong giãn cách xã hội, biết bao nhiêu lò mổ phải dừng hoạt động, những nhà máy lớn cũng phải thực hiện “ba tại chỗ”, lượng công nhân thấp hơn, năng suất thấp hơn... Mặc dù sức chống chịu của họ tốt hơn, dự báo của họ tốt hơn, nhưng trong bối cảnh vừa qua, rất khó dự đoán chính xác được tình hình, vì mọi chủ trương phòng, chống dịch đều tác động đến thị trường.

Chính phủ và Thủ tướng cũng nói rồi, việc này không có tiền lệ, không phán đoán hết được. Phòng, chống dịch giữa các địa phương cũng khác nhau, nên chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Có thời điểm thị trường cần nhưng nông sản không tới được thị trường do vấn đề “luồng xanh” và “luồng đỏ” mất tới 4 tháng trời, mất nhiều tháng để thống nhất cái gì thiết yếu cái gì không thiết yếu.

Vì vậy, tôi đề nghị cái gì có bằng chứng cụ thể mới đặt vấn đề. Cũng có thể có hiện tượng đó, vì yếu tố lợi ích, doanh nghiệp không tránh khỏi có lúc tát nước theo mưa. Nhưng nó là bao nhiêu, tạm gọi là lợi ích, hay “lợi ích nhóm” nếu có thì chiếm bao nhiêu so với nguyên nhân khách quan? Chúng ta cần phải cân nhắc thấu đáo, để làm sao tạo ra niềm tin, lòng tin, nếu không, bà con lại gác tay lên trán, nước mắt ngắn, nước mắt dài.

Bộ trưởng dự báo yếu tố cung cầu ra sao trong giai đoạn từ nay đến cuối năm và giải pháp kiểm soát giá là gì?

Tôi mong muốn báo chí cùng với Bộ trưởng, với ngành tìm ra giải pháp hiệu quả. Bộ trưởng không phải người quyết định tất cả mọi câu chuyện thị trường. Một lần nữa, với dòng người từ các đô thị về các địa phương, nếu không phòng, chống dịch tốt, rất có thể lại có nguy cơ bắt đầu bùng dịch lên. Ai tiên đoán được tết này sẽ thế nào? Mới đây có thông tin xuất hiện chủng mới còn nguy hiểm hơn chủng Delta. Khi nào nó tới cũng không ai biết được. Vì vậy tất cả mọi phương án là dự trù.

Tôi hy vọng, với chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, với độ phủ vắc xin cao, chiều hướng thị trường sẽ tốt hơn. Nên chúng ta phải đưa ra nhiều kịch bản để làm sao tết này đảm bảo cung- cầu. Bộ sẽ bám sát thị trường, chúng tôi đang thống kê lại, vì từ trước đến nay thống kê đơn giản quá, như vậy không được. Mấy triệu con ( heo) ở trong chuồng rất lớn, nhưng phải phân loại thế nào, xuất chuồng theo lứa, theo từng đợt chứ đâu phải một lúc là bán hết. Vì thế, nếu đưa thông tin “còn hàng triệu con heo trong chuồng” khiến bà con nông dân choáng, thấy quá trời nhiều nên giá nào cũng phải bán, gây hoảng loạn thị trường.

Do đó, ngành nông nghiệp phải phân tích lại theo từng thời điểm, rà soát lại nhu cầu tiêu dùng dịp tết trong nhiều năm qua là bao nhiêu. Số liệu vừa rồi ngành nông nghiệp làm chưa sát, tới đây phải làm sao sát hơn. Tất nhiên điều này cũng khó khăn vì chăn nuôi nhỏ lẻ quá, nên khó kiểm đếm được.

Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ NN&PTNT tổng hợp nhu cầu vắc xin của toàn bộ chuỗi ngành hàng nông nghiệp, để Bộ Y tế phân bổ vắc xin, tập trung chuỗi ngành hàng nông sản phục vụ dịp tết để giảm chi phí, tăng giá cho người nông dân. Tôi cũng mong người dân cố gắng bình tĩnh. Bộ sẽ làm hết trách nhiệm chứ không vô cảm. Cái khó nhất là yếu tố đầu vào, việc này cũng thuộc về trách nhiệm nhà nước, làm sao để giảm tối đa chi phí cho bà con nông dân.

Cảm ơn Bộ trưởng!

MỚI - NÓNG