Trao đổi với Tiền Phong chiều 5/8, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao thời gian qua do ảnh hưởng giá các loại ngũ cốc trên thị trường thế giới.
Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 dẫn tới tình trạng thiếu container nên cước chi phí vận chuyển tăng 200%-300%.
Theo ông Trọng, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao trong bối cảnh giãn cách xã hội diễn ra ở diện rộng, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi giảm mạnh khiến người nông dân gặp không ít khó khăn.
Chẳng hạn, gà công nghiệp giảm xuống chỉ còn 10 nghìn đồng/kg, giá lợn hơi dao động còn 50.000 đồng-56.000 đồng/kg. Đây là mức thấp nhấp trong 4 năm qua, nhiều chỗ dưới 50.000 đồng/kg nhưng vẫn không bán được.
“Từ đầu năm đến nay, giá thức ăn chăn nuôi tăng 30-35% là hơi quá sức. Đầu tháng 8, các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi đồng loạt thông báo tăng giá bán từ 3-5%. Hôm qua (4/8), Bộ có làm việc với một số doanh nghiệp, các doanh nghiệp này lý giải tăng giá là do việc mua nguyên liệu vẫn đang khó và lần mua trước giá vẫn đang đắt nên sản xuất chưa hết, chưa bù đắp được phần tồn đọng còn lại. Các doanh nghiệp cho biết, dự kiến giá thức ăn chăn nuôi sẽ còn tăng”, ông Trọng nói.
Giá lợn hơi giảm sâu, nhưng người tiêu dùng vẫn đang phải mua giá cao |
Khâu lưu thông, trung gian ăn đậm giá TACN?
Trước tình hình giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, ông Trọng cho biết, Bộ NN&PTNT đang khuyến khích các DN, người chăn nuôi tăng cường sử dụng tối đa nguồn nguyên liệu trong nước, phát triển gia cầm ăn cỏ.
Bộ đang có chính sách chuyển đổi nhanh chóng diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng các loại cây làm nguyên liệu sản xuất TACN. Hiện đã chuyển đổi được 250.000 ha, sắp tới sẽ chuyển đổi thêm 250.000 ha và đến năm 2030 dự kiến sẽ chuyển đổi được 1 triệu ha.
Theo ông Trọng, để kiểm soát được giá thức ăn chăn nuôi, Chính phủ cần đưa thức ăn chăn nuôi vào mặt hàng thuộc diện bình ổn giá, lúc đó sẽ khống chế được giá các nguyên liệu đầu vào và người chăn nuôi có thể chủ động được kế hoạch sản xuất.
Trong tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, nếu không có những giải pháp điều tiết giá thức ăn chăn nuôi, khiến người chăn nuôi e dè việc tái đàn, không khéo sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, rất dễ dẫn tới tình trạng thiếu nguồn cung sản phẩm chăn nuôi.
Nói về việc giá lợn hơi đang giảm sâu kỷ lục, song người tiêu dùng vẫn chưa thể mua được giá thấp, Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi cho biết nguyên nhân do việc sản xuất của Việt Nam chủ yếu là nhỏ lẻ, theo mô hình nông hộ, còn chăn nuôi theo chuỗi, liên kết vẫn đang yếu.
“Nhà sản xuất bán giá rẻ, nhưng người tiêu dùng ra chợ vẫn đang mua giá cao. Mọi lợi nhuận đang dồn hết về cho khâu lưu thông, chủ yếu là các doanh nghiệp và đại lý. Do vậy, người dân cần tiếp tới sản xuất theo chuỗi khép kín bằng cách liên kết với nhau, thành hợp tác xã, lúc đó lợi nhuận sẽ hài hòa hơn”, ông Trọng nói.