Theo Bộ Tài chính, một số mặt hàng có giá tăng thời gian đầu năm 2021 do nguyên liệu đầu vào, nhu cầu tăng cao, như thức ăn chăn nuôi, vật liệu xây dựng (đặc biệt là thép), có mặt hàng tăng theo giá thế giới như xăng dầu.
Đối với mặt hàng do nhà nước định giá, như giá vé máy bay, theo Bộ Tài chính, dù các hãng có tăng phí quản lý hệ thống trong chi phí giá vé, nhưng vẫn đảm bảo bảo giá vé trong khung cho phép.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính thừa nhận, việc tăng giá trên tạo áp lực lớn lên mặt bằng giá trong nước, nhưng đã được tính toán trong kịch bản điều hành giá, đã có giải pháp chủ động điều hành giá, để kiểm soát lạm phát cả năm 2020 ở mức dưới 4%.
Theo ước tính của Bộ Tài chính, nếu giá tiêu dùng (CPI) các tháng tiếp theo của năm 2021 tăng đều theo tỷ lệ như nhau, thì mỗi tháng vẫn còn dư địa tăng 0,84%, vẫn đảm bảo mục tiêu lạm phát cả năm dưới 4%.
Tuy nhiên, cơ quan điều hành giá nhận định, vẫn còn tiềm ẩn rủi ro đối với công tác kiểm soát lạm phát đến từ tình hình thế giới, như giá nhiên liệu, xăng dầu, thép thế giới có thể tiếp tục tăng đột biến kéo giá trong nước tăng theo. Bên cạnh đó, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng tới tâm lý tiêu dùng của người dân, có thể đẩy giá 1 số mặt hàng tăng theo…
Do đó, các tháng cuối năm, theo Bộ Tài chính, vẫn cần áp dụng các biện pháp kiểm soát giá cả trên cả nước, như quản lý giá thép, xăng dầu, dịch vụ hàng không, y tế, sách giáo khoa, đất đai, bất động sản...