Dự án cao tốc Bắc - Nam nguy cơ chậm tiến độ vì giá vật liệu xây dựng tăng

0:00 / 0:00
0:00
Nhà thầu công trình giao thông khổ vì giá vật liệu tăng cao có nguy cơ lỗ và chậm tiến độ.
Nhà thầu công trình giao thông khổ vì giá vật liệu tăng cao có nguy cơ lỗ và chậm tiến độ.
TPO - Việc giá thép tăng cao và khó mua khiến nhiều dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đứng trước nguy cơ chậm tiến độ.

Ông Nguyễn Minh Khiêm, Tổng giám đốc Tổng công ty 319 (đơn vị đang thi công 3 dự án trọng điểm là Mai Sơn - Quốc lộ 45, Cam Lộ - La Sơn và Mỹ Thuận - Cần Thơ) cho biết, do giá vật liệu tăng, nhất là phần xây lắp khi giá thép tăng, trong khi là hợp đồng trọn gói không thể điều chỉnh, nên rất khó khăn.

Ông Khiêm cho rằng, Công ty 319 là doanh nghiệp nhà nước, đã ký hợp đồng là phải làm nhưng với giá vật liệu tăng chóng mặt như hiện nay, biết chắc làm sẽ bị lỗ. Tiếp đến, nhiều địa phương cũng chưa cấp phép cho doanh nghiệp khai thác mỏ đất và nơi đổ thải, đồng thời yêu cầu phải trả tiền cho việc đổ thải, nên lại thêm khó khăn.

“Chúng tôi rất mong các cơ quan chức năng cần phải tham mưu cho Chính phủ có những giải pháp để hỗ trợ các doanh nghiệp”, ông Khiêm nói.

Bên cạnh đó, dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết do Ban Quản lý Dự án 7 (Bộ GTVT) quản lý được khởi công ngày 30/9/2020 với tổng mức đầu tư khoảng gần 11.000 tỷ đồng. Dự án có chiều dài 100,8km, đi qua địa phận 4 huyện: Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc và Hàm Thuận Nam của tỉnh Bình Thuận, dự kiến cơ bản hoàn thành cuối năm 2022, nhưng do giá vật liệu tăng chóng mặt khiến các nhà thầu không lo ngại khó có thể về đích đúng kế hoạch.

Theo ông Trần Quang Tuyến, đại diện Công ty Xây dựng Vạn Cường (đơn vị thi công Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Phan Thiết - Dầu Giây), doanh nghiệp này tham gia bỏ thầu tháng 10/2020, giá thép xây dựng được chủ đầu tư cập nhật trong dự toán chỉ khoảng 11.000 - 12.000 đồng/kg. Hiện nay, giá thép tăng 40% so với thời điểm đó, nên giá thực tế phải mua vào đang tồn tại một khoảng cách lớn.

Theo một số nhà thầu, tại nhiều gói thầu, lượng thép chỉ cung cấp được 50 - 60% so với nhu cầu (mặc dù các nhà thầu đã đặt tiền trước cả tháng). Tình trạng này khiến các nhà thầu thi công hạng mục cầu vượt sông đứng trước nguy cơ chậm tiến độ và lỗ nặng.

Hiện, giá thép tăng từng ngày, lên tới 18.000 - 19.000 đồng/kg so với trước kia chỉ 12.000 - 13.000 đồng/kg.

Mới đây, Bộ GTVT có công văn hỏa tốc yêu cầu các đơn vị được giao nhiệm vụ chủ đầu tư, đại diện chủ đầu tư các dự án hạ tầng giao thông khẩn trương đề xuất các giải pháp để giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch covid và biến động giá thép đến các hoạt động xây dựng.

Theo đó, căn cứ tình hình triển khai các dự án đầu tư xây dựng được giao quản lý, đặc biệt đối với các dự án thành phần thuộc Dự án đường cao tốc Bắc - Nam, Bộ GTVT yêu cầu các đơn vị quản lý dự án đánh giá tác động của dịch COVID -19 và biến động giá một số vật liệu xây dựng chủ yếu, nhất là giá thép đến tình hình thực hiện các dự án đầu tư xây dựng.

Ngoài ra, Bộ Xây dựng đã gửi công văn tới các bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, yêu cầu thực hiện các giải pháp để giảm thiểu tác động tiêu cực của COVID-19 và biến động giá thép đến các hoạt động xây dựng.

MỚI - NÓNG
Chi tiết gói viện trợ Mỹ sắp chuyển cho Ukraine
Chi tiết gói viện trợ Mỹ sắp chuyển cho Ukraine
TPO - Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 24/4 đã công bố gói hỗ trợ an ninh mới cho Ukraine, trị giá ước tính khoảng 1 tỷ USD. Động thái này diễn ra ngay sau khi Thượng viện Mỹ thông qua dự luật viện trợ nước ngoài trị giá 95 tỷ USD, bao gồm gần 61 tỷ USD dành cho Ukraine.