Giá lợn giảm xuống mức kỷ lục, đề xuất siết nhập khẩu thịt ngoại

0:00 / 0:00
0:00
Giá lợn giảm xuống mức kỷ lục, đề xuất siết nhập khẩu thịt ngoại
TPO - Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Bộ Công Thương kiểm soát chặt nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi, nhất là sản phẩm giá rẻ và vật nuôi sống thương phẩm, đồng thời điều chỉnh chính sách thuế nhập khẩu đối với mặt hàng thịt lợn để hỗ trợ ngành chăn nuôi trong nước.

Ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam cho biết, hiện cả nước có hơn 2 triệu hộ nuôi lợn, gần 2,2 triệu hộ nuôi trâu bò, gần 7 triệu hộ nuôi gia cầm và hàng trăm nghìn hộ nuôi các loại vật nuôi khác.

Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, ngành chăn nuôi đang đứng trước những khó khăn, thách thức chưa từng có. Giá nhiều loại sản phẩm chăn nuôi như thịt lợn, thịt gà, vịt,…lao dốc kỷ lục.

Cụ thể, 9 tháng đầu năm 2021, giá lợn thịt lợn hơi xuất chuồng giảm từ 70.000-75.000 đồng/kg, xuống còn 35.000-40.000 đồng/kg tùy từng vùng. So với thời điểm giá lợn lập đỉnh khoảng 100.000 đồng/kg vào năm 2019, đây là mức giảm kỷ lục. Trong khi giá thành nuôi lợn của người dân khoảng 55.000 -60.000 đồng/kg, khiến người chăn nuôi đang lỗ nặng.

Theo ông Vang, trong khi đầu ra các sản phẩm chăn nuôi trong nước gặp khó, việc nhập khẩu các loại thịt, trứng...từ nước ngoài thời gian qua tăng vọt. Cụ thể, năm 2020 nhập khẩu thịt lợn tăng 404%, thịt gia cầm tăng 15%, thịt trâu bò tăng 44%...so với năm 2018.

Còn trong 8 tháng đầu năm nay, nhập khẩu các loại thịt đạt hơn 681,7 nghìn tấn, trị giá hơn 1,4 tỷ USD (tăng 4,4% về lượng và tăng 18,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020). Trong đó, nhập khẩu thịt lợn đạt hơn 256,8 nghìn tấn, trị giá hơn 507,8 triệu USD (tăng 62,2% về lượng và tăng 83,8% về giá so với cùng kỳ năm ngoái.)

Ông Vang cho biết, để giúp ngành chăn nuôi hồi phục, Hội Chăn nuôi Việt Nam vừa gửi kiến nghị Thủ tướng Chính phủ đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) chỉ đạo sản xuất theo chuỗi liên kết khép kín với một số sản phẩm chăn nuôi chính như: thịt lợn, thịt gia cầm, thịt trâu bò, trứng và sữa.

Ngoài ra, Bộ NN&PTNT cần phối hợp với Bộ Công Thương kiểm soát chặt nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi, nhất là sản phẩm giá rẻ và vật nuôi sống thương phẩm. Đồng thời, các bộ rà soát, điều chỉnh thuế nhập khẩu đối với mặt hàng thịt lợn, thịt gia cầm theo các khung thuế suất mà Việt Nam đã cam kết trong các hiệp định thương mại.

Hiệp hội cũng đề xuất Bộ Công Thương đàm phán mở cửa thị trường xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi như Mỹ, Brazin, Argentina, Ấn Độ, Australia, Nga, Ucraina…có chính sách, điều kiện thương mại ưu đãi cho xuất khẩu mặt hàng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, thủy sản vào Việt Nam. Cùng đó, Ngân hàng Nhà nước có chính sách tín dụng ưu đãi, khoanh nợ, giãn nợ, tiếp tục cho doanh nghiệp và người chăn nuôi vay vốn khôi phục sản xuất. Đặc biệt, các địa phương cần tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc lưu thông.

MỚI - NÓNG