Bộ trưởng Bộ Giáo dục: Việc quan trọng nhất là thẩm định chất lượng sách giáo khoa cho thật tốt

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, từ nay đến năm 2024, việc quan trọng nhất cần ưu tiên là thẩm định chất lượng và đảm bảo đủ sách giáo khoa trước năm học mới. Còn việc giao Bộ làm một bộ sách, sau khi chu trình đổi mới được hoàn tất, thì sẽ có những đánh giá sâu và đề đạt phương án với Quốc hội sau.

Không thể “tay không bắt chip”

Sáng 1/11, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã đăng đàn trả lời những vấn đề mà đại biểu nêu ra trong phiên thảo luận tại Quốc hội về tình hình kinh tế, xã hội.

Liên quan đến vấn đề nguồn lực, trước đó, nhiều đại biểu bày tỏ sự lo ngại, không biết ngành giáo dục và đào tạo sẽ làm như thế nào để có thể cung cấp được nguồn nhân lực ngành bán dẫn. Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, đây là một trọng trách của ngành, một sứ mệnh để phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Hiện nay, với dự đoán 50.000-100.000 nhân lực, trong đó yêu cầu nhiều trình độ và nhiều nhóm chuyên môn, ưu tiên cho nhóm nhân lực trong lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn. Hiện có tới 35 cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam đang đào tạo những lĩnh vực trực tiếp hoặc ngành gần đối với lĩnh vực này.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục: Việc quan trọng nhất là thẩm định chất lượng sách giáo khoa cho thật tốt ảnh 1

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn. Ảnh Như Ý

“Các trường đã tổ chức một mạng lưới để cùng chia sẻ kinh nghiệm thiết kế chương trình. Ngày 19/10, tại Đà Nẵng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức một hội nghị để triển khai công việc quan trọng này và đang tăng cường những điều kiện từ đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất để có thể đảm nhiệm được lượng công việc này”, ông Sơn thông tin.

Tư lệnh ngành giáo dục dự kiến trong năm 2024 sẽ tuyển sinh đào tạo trên 1.000 nhân lực trực tiếp trong lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn, các lĩnh vực liên quan sẽ tuyển trên 7.000 và sẽ tăng dần số này từ 20-30% hàng năm.

Theo Bộ trưởng, với sự tập trung cao độ, đến năm 2030, con số như dự kiến là có thể đáp ứng được. Tuy nhiên, đây là một lĩnh vực công nghệ cao, đòi hỏi cao nhưng cũng cần có sự đầu tư cao, nếu không thì không thể “tay không bắt chip” trong lĩnh vực này và cũng cần Quốc hội, Chính phủ đầu tư các phòng thực hành.

Cả nước còn thiếu 127.583 giáo viên

Liên quan đến vấn đề thừa thiếu giáo viên, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, đến hôm nay, theo số liệu ngành giáo dục có, cả nước còn thiếu 127.583 giáo viên. “Con số này gia tăng không ngừng, vì riêng đầu năm học vừa rồi số lượng học sinh tăng lên rất nhiều”, Bộ trưởng cho hay.

Bên cạnh đó tiếp tục xảy ra tình trạng giáo viên nghỉ việc. Đến tháng 9 này, toàn quốc có 17.278 giáo viên nghỉ việc, chuyển việc. Năm ngoái cùng với Bộ Nội vụ, ngành đã xác định một chỉ tiêu cho các tỉnh để tuyển hơn 26.000 giáo viên.

Tuy nhiên, theo thống kê của Bộ Nội vụ, hiện các tỉnh vẫn còn lại 64.000 chỉ tiêu chưa dùng. Nhưng cũng có nơi không có nguồn để tuyển. “Với giáo viên mầm non, cũng nhiều tỉnh nguồn có nhưng không có người ứng tuyển vì giáo viên mầm non làm áp lực, lương thấp”, ông Sơn viện dẫn.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục: Việc quan trọng nhất là thẩm định chất lượng sách giáo khoa cho thật tốt ảnh 2
Đại biểu Trần Văn Sáu (Đồng Tháp) tranh luận vì sao Bộ GD&ĐT lại đẩy hết việc làm sách giáo khoa cho xã hội hóa. Ảnh: Như Ý

Theo Bộ trưởng, giải pháp cần đưa ra là vừa chuẩn bị nguồn tuyển, cũng cần sớm có điều chỉnh tiền lương, chế độ, chính sách, nhà công vụ, phụ cấp ưu đãi và các giải pháp đồng bộ khác.

Trong 3 năm liền, ngành đã sắp xếp lại và giảm 3.033 điểm trường, con số rất đáng kể để chăm sóc và giáo dục trẻ em tốt hơn, nhưng cũng không thể áp dụng mãi được.

“Bộ Nội vụ đã xác định trong năm 2023-2024, giao 27.800 chỉ tiêu cho các tỉnh. Đây cũng là một bước để có thể cải thiện được vấn đề giáo viên”, ông Sơn nêu.

Chi cho đổi mới giáo dục hơn 395 tỷ

Một vấn đề khác cũng được các đại biểu rất quan tâm, liên quan đến vấn đề sách giáo khoa. Bộ trưởng nói, Đoàn giám sát của Quốc hội và Nghị quyết 686 đã ghi nhận hệ thống sách giáo khoa, tài liệu giáo dục được tổ chức biên soạn, thẩm định, phê duyệt, in và phát hành cơ bản theo đúng tiến độ, đáp ứng được nhu cầu dạy và học.

Theo Bộ trưởng, từ năm 2020 đến nay đã có 381 đầu sách giáo khoa mới được xuất bản với tổng số lượng xuất bản là 194 triệu bản sách. Như vậy đây cũng là ghi nhận sự cố gắng đối với toàn ngành giáo dục, đội ngũ giáo viên, những người tham gia soạn sách.

Trước băn khoăn về vấn đề tài chính chi cho đổi mới giáo dục, theo ông, con số đưa ra trong báo cáo là 213.449 tỷ, đây là con số thống kê bao gồm cả chi thường xuyên và cả chi cho đầu tư phát triển.

Còn con số trực tiếp chi cho đổi mới giáo dục bao gồm: việc biên soạn chương trình giáo dục phổ thông mới 2018, việc thẩm định sách giáo khoa, việc tập huấn cho giáo viên toàn quốc, tổng chi phí cho mấy mục này, trực tiếp nhất là chi hết 395,2 tỷ.

“Chúng tôi nghĩ rằng, từ nay đến năm 2024, việc quan trọng nhất cần ưu tiên là thẩm định chất lượng của các sách giáo khoa lớp 5, lớp 9, lớp 12 cho thật tốt, đảm bảo đủ sách giáo khoa trước năm học mới. Còn vấn đề được giao, chúng tôi sẽ có nghiên cứu đề xuất và cố gắng trong 1, 2 năm tới, khi chu trình đổi mới sách được hoàn tất, sẽ có những đánh giá sâu và đề đạt phương án với Quốc hội”, Bộ trưởng cho hay.

MỚI - NÓNG
Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm
Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm
TP - “Rừng khuya im lặng như tờ, không một tiếng chim kêu, không một tiếng lá rụng hay một ngọn gió nào đó khẽ rung cành cây…”, tôi đọc đoạn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm trước giờ vào khu vực núi Chúa, nơi đang thi công hầm xuyên núi thuộc dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn. Dự kiến tháng 7/2026, nơi in dấu chân chị Trâm sẽ kết nối hệ thống cao tốc Bắc-Nam.