Bình Dương hướng tới chiến lược 'tự cung, tự cấp' trong công nghiệp hỗ trợ

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Để “tự cung, tự cấp”, tránh phụ thuộc nguồn nguyên liệu nhập khẩu, Bình Dương đặc biệt quan tâm phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Trong quá trình thực hiện chiến lược này, có những lợi thế cơ bản song gặp không ít khó khăn, thách thức..

Bình Dương là một trong những địa phương có nhiều doanh nghiệp nhất cả nước với hơn 66.000 doanh nghiệp hoạt động trong nhiều lĩnh vực. Để tránh phụ thuộc nguồn nguyên liệu nhập khẩu, gãy chuỗi sản xuất khi có biến cố tương tự như đại dịch COVID-19, tỉnh Bình Dương xác định phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ là một trong những trụ cột ưu tiên trong việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài cũng như hình thành các cụm sản xuất để từng bước tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu.

Về việc này, chia sẻ với PV Tiền Phong, Phó giám đốc Sở Công Thương Bình Dương Nguyễn Trường Thi cho biết, đến nay Bình Dương đã hình thành các ngành công nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu cho ngành dệt may (công nghiệp sản xuất sợi, dệt vải, chỉ may, khuy nút, dây kéo, nhuộm, hoàn thiện sản phẩm dệt...), da giày (thuộc da, sản xuất đế giày, mũ giày...), cơ khí (sản xuất kim loại, sản xuất sản phẩm từ kim loại, sản xuất máy móc thiết bị và phụ tùng cho các ngành công nghiệp ô tô, xe máy và các phương tiện vận tải khác, công nghiệp xây dựng, công nghiệp dệt may, da giày, chế biến gỗ, công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng...), điện – điện tử (sản xuất linh kiện điện tử, sản xuất, sản xuất thiết bị dây dẫn điện, cáp quang...).

Theo ông Thi, nhiều năm qua, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương hầu hết sử dụng nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất thành phẩm. Công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Bình Dương nói riêng và cả nước nói chung chưa đáp ứng nhu cầu nguyên phụ liệu cho sản xuất trong nước cả về số lượng lẫn chất lượng.

Bình Dương hướng tới chiến lược 'tự cung, tự cấp' trong công nghiệp hỗ trợ ảnh 1

Bình Dương lập chiến lược phát triển 'tự cung, tự cấp' cho ngành công nghiệp hỗ trợ

Việc phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu và công nghiệp hỗ trợ của tỉnh chưa phát triển mạnh đã phần nào ảnh hưởng đến chất lượng tăng trưởng các ngành công nghiệp trên địa bàn. Công nghệ của phần lớn các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tỉnh Bình Dương mới chỉ đạt ở mức trung bình. Chỉ có sản phẩm của một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tham gia vào lĩnh vực này là có trình độ tiên tiến.

Chính việc thiếu nguồn cung trong nước, làm chủ công nghệ của các doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất đã dẫn đến việc phải nhập khẩu những linh kiện, chi tiết cho sản xuất. Về năng lực công nghệ kỹ thuật, ngoại trừ một số ít doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp FDI được trang bị công nghệ, máy móc hiện đại và hoàn chỉnh, đa số doanh nghiệp vẫn sử dụng công nghệ, máy móc cũ, lạc hậu, vì vậy, chưa đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của nhà lắp ráp. Các doanh nghiệp trong nước chủ yếu sản xuất các linh kiện, phụ tùng, máy móc đơn giản, hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng thấp.

Nhiều thách thức

Mặc dù phát triển nhanh trong thời gian gần đây, ngành công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Bình Dương đang ở trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển. Các doanh nghiệp trong nước chỉ cung cấp chi tiết, linh kiện, nguyên phụ liệu đơn giản còn các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài phần lớn sản xuất sản phẩm chủ yếu để xuất khẩu theo hình thức gia công theo đơn đặt hàng hoặc sản xuất cho công ty mẹ; sản phẩm cung cấp cho thị trường trong nước làm nguyên liệu không lớn. Các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm chủ yếu là gia công theo đơn đặt hàng từ nước ngoài với phần lớn nguyên liệu do đối tác nước ngoài cung cấp hoặc chỉ định, việc nội địa hóa chỉ dừng ở những sản phẩm phụ.

Theo lãnh đạo Sở Công Thương Bình Dương, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 2.277 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực có liên quan đến ngành công nghiệp hỗ trợ, cụ thể: Dệt may 442 doanh nghiệp, da giày 172 doanh nghiệp, chế biến gỗ 953, cơ khí 710 doanh nghiệp….

Công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Bình Dương nói riêng và cả nước nói chung, mặc dù đã được cải thiện đáng kể, nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu nguyên phụ liệu cho sản xuất trong nước cả về số lượng lẫn chất lượng (đáp ứng được từ 40-45% cho ngành dệt may, da giày; 10-20% cho sản xuất, lắp ráp ô tô dưới 9 chỗ, 15% cho điện tử, tin học, viễn thông, 5% cho điện tử chuyên dụng và công nghệ cao…).

“Hầu hết sử dụng nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất thành phẩm, việc phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu và công nghiệp hỗ trợ chậm phát triển đã ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh các ngành công nghiệp. Cụ thể qua đợt dịch COVID-19 vừa qua, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về thiếu hụt nguồn nguyên liệu sản xuất nhất là ngành điện tử, dệt may, da giày, hóa chất,…”, lãnh đạo Sở Công Thương Bình Dương cho hay.

Với ngành công nghiệp hỗ trợ, theo đại diện Sở Công Thương Bình Dương, dù Chính phủ đã có những quy định về khuyến khích, ưu đãi nhưng quá trình triển khai trong thực tế còn nhiều vướng mắc, khó khăn, khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp tại Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 3/11/2015 của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ. Cùng đó, các quy định đã được ban hành nhưng chưa thực sự mở, áp dụng dễ dàng trong cuộc sống để các địa phương tùy thuộc vào tình hình thực tế đề xuất các chính sách đặc thù phát triển công nghiệp hỗ trợ của địa phương.

Để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ của tỉnh, thời gian qua Sở Công Thương đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 4108/QĐ-UBND ngày 31/12/2019 của UBND tỉnh về phê duyệt “Đề án định hướng phát triển cụm công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”.

Để phát triển công nghiệp hỗ trợ bền vững, đi vào chiều sâu, tỉnh đã và đang tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp tăng giá trị các sản phẩm công nghiệp do doanh nghiệp trong nước sản xuất. Trong thời gian tới, Bình Dương sẽ tiếp tục ưu tiên phát triển công nghiệp có hàm lượng giá trị gia tăng cao, nâng dần tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm... Trong đó, chú trọng phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, sớm hoàn chỉnh quy hoạch vùng nguyên phụ liệu và vùng công nghiệp hỗ trợ; tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho việc mời gọi đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh các dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

MỚI - NÓNG