Chiều 20/8, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã trên địa bàn TPHCM, giai đoạn 2023- 2030, chủ trì phiên họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo.
Bà Trần Kim Yến - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TPHCM cho rằng, khi sắp xếp 80 phường nằm trong diện sắp xếp sẽ dẫn đến điều chỉnh giới địa giới hành chính và người dân buộc phải điều chỉnh giấy tờ. Do vậy, bà Yến nói thành phố cần chia ra từng giai đoạn để giải quyết trong quá trình chuyển đổi, tránh gây xáo trộn không đáng có cho người dân.
Theo Trưởng ban Nội chính Thành ủy Ngô Minh Châu, việc cán bộ ở phường mới có quy mô gấp 2,3 so với phường cũ thì công việc tăng, cho nên bộ máy cũng phải hợp lý, hài hòa, đáp ứng yêu cầu của người dân. Vì vậy, ông cho rằng, yêu cầu đặt ra là cần có phần mềm quản lý dữ liệu để thống nhất, đồng bộ.
Theo Phó chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan, với việc cơ sở vật chất dôi dư sau sắp xếp, quan điểm của Ban Cán sự Đảng UBND thành phố là sẽ giữ nguyên, giao cho phường quản lý trụ sở phường cũ sau khi sắp xếp, tránh bỏ hoang gây lãng phí, xuống cấp tài sản.
Phó chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan nêu ý kiến tại buổi làm việc. Ảnh: T.T |
Mặt khác, ông Hoan cho biết, tại 80 phường thực hiện sắp xếp sẽ có 2.469 cán bộ và UBND thành phố đã có phương án sử dụng 1.741 người sau sắp xếp, còn dôi dư 728 người phải sắp xếp. Đồng thời, thành phố sẽ sắp xếp theo lộ trình giảm dần chứ không giảm ngay.
“Trường hợp cán bộ dôi dư có thể sắp xếp công việc ở vị trí khác thì thành phố sẽ tính toán, bố trí phù hợp ở địa phương hay ở sở, ngành. Người nào còn ở lại được tiếp tục làm đến về hưu thì tận dụng, còn những người muốn về hưu ngay thì thành phố cũng sẽ tính toán chính sách”, ông Hoan thông tin và cho hay với trường hợp không bố trí được việc khác thì sẽ có cơ chế, chính sách cụ thể.
Phân cấp xử lý các vấn đề phát sinh
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên yêu cầu, khi tiến hành sắp xếp cần hạn chế tối đa những phát sinh ảnh hưởng đến đời sống người dân và tâm tư của đội ngũ cán bộ theo nguyên tắc sắp xếp xong phải tốt hơn, ổn định hơn… Một việc quan trọng khác là phân cấp để xử lý các vấn đề phát sinh, không để lãng phí và tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên trao đổi kết luận phiên họp. Ảnh: N.B |
Để tiếp tục triển khai có hiệu quả việc sắp xếp trong thời gian tới, Bí thư Nguyễn Văn Nên yêu cầu tiếp tục truyền thông rộng rãi và sâu đến các đối tượng có liên quan đến việc điều chỉnh.
Bí thư Nên cho rằng, đây là công việc không mới nhưng luôn là việc nhạy cảm, phức tạp, tác động đến các cơ quan, tổ chức; đồng thời ảnh hưởng đến tư tưởng, tâm lý, đời sống sinh hoạt của người dân, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
Ông Nên cho biết, Ban Chỉ đạo đã thống nhất sẽ sớm hoàn thiện đề án sắp xếp ĐVHC. Theo đó, thành phố còn 10 ngày để hoàn thiện và trình đề án lên Bộ Nội vụ, sau đó sẽ trình Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Song song đó, Bí thư Nguyễn Văn Nên đề nghị UBND TPHCM khẩn trương chỉ đạo, hướng dẫn các sở, ngành liên quan tiếp thu, hoàn thành các nội dung có liên quan, sớm trình HĐND thành phố chính sách đối với cán bộ dôi dư. Ông nhấn mạnh: “Phải có chính sách cho cán bộ dôi dư, đảm bảo cho họ yên tâm dù làm tiếp hay không. Không để những người này mất quyền lợi”.
Người đứng đầu Đảng bộ TPHCM cũng lưu ý đến việc phải quan tâm sắp xếp tổ chức, bộ máy nhân sự khối đảng, khối Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội… Bên cạnh đó, lắng nghe và xử lý các vướng mắc phát sinh, nhất là thủ tục hành chính; mở kênh tương tác, lắng nghe phản ánh của người dân để chuyển đổi các loại giấy tờ, thủ tục có liên quan, không để phiền hà đến người dân.