Theo Reuters, ông Lisala Folau (57 tuổi) sống trên hòn đảo nhỏ biệt lập Atala (thuộc Tonga), nơi có dân số khoảng 60 người.
Ngày 15/1, núi lửa Hunga Tonga-Hunga Ha'apai gần Atala phun trào dữ dội, làm xuất hiện những đợt sóng thần cao tới 15m quét qua các hòn đảo lân cận.
Khoảng 19h cùng ngày, ông Folau đang sơn nhà thì nhận được tin báo về nguy cơ sóng thần. Không lâu sau đó, nước biển ập vào nhấn chìm một phần căn hộ của ông Folau. Ông leo lên cây tìm cách bám trụ nhưng lập tức bị sóng cuốn đi: "Tôi cố bám vào thân cây vì nghĩ rằng nếu tôi thiệt mạng thì gia đình cũng có thể dễ dàng tìm thấy thi thể."
Người đàn ông 57 tuổi cho biết ông có dị tật và không thể đi lại bình thường. “Tôi cứ thế trôi giữa dòng nước, sóng ập đến từ mọi phía.”
Ông Folau (giữa). Ảnh: Reuters |
Một khu vực ở Tonga trở nên tan hoang sau khi bị sóng thần quét qua. Ảnh: The Guardian |
Trong suốt 27 giờ sau đó, Folau lênh đênh trên biển. Ông dạt vào 2 hòn đảo không có người ở, và thậm chí đã nhìn thấy tàu cứu hộ nhưng không ai ở trên tàu nghe thấy tiếng gọi của Folau. Đến khoảng 22h ngày 16/1, ông chạm đến đảo chính Tongatapu (cách Atala 7,5km). Folau lang thang trên đường, cho đến khi được một tài xế phát hiện và đưa về nhà.
Câu chuyện của Folau được tiết lộ bởi đài phát thanh Broadcom Broadcasting. Người đàn ông kiên cường sau đó được cư dân mạng địa phương đặt biệt danh “Aquaman” (“Người cá”).
Một hòn đảo của Tonga phủ đầy tro bụi sau vụ núi lửa phun trào. Ảnh: Reuters |
Theo Erika Radewagen, một chuyên gia bơi lội cấp độ Olympic, câu chuyện của Folau thực sự ấn tượng. “Ngay cả những vận động viên bơi lội dày dặn kinh nghiệm cũng có giới hạn về thể chất. Folau không chỉ đơn giản là rơi xuống biển từ một chiếc thuyền, mà ông ấy bị sóng thần cuốn đi và phải đối mặt với nhiều chướng ngại vật lý, chẳng hạn tro bụi, sóng lớn. Ông ấy cũng phải chịu áp lực về tinh thần và phải bơi vô định trong bóng tối.”
Đảo Atata - nơi sinh sống của ông Folau gần như đã bị phá huỷ hoàn toàn trong thảm hoạ kép. Ít nhất 3 người đã thiệt mạng và nhiều ngôi nhà trên nhiều hòn đảo bị phá huỷ. Tàu hải quân Tonga vẫn đang khảo sát các đảo nhỏ để sơ tán người dân đến đảo chính.