Một vụ án có đủ các yếu tố thời thượng: Bạo hành, cưỡng hiếp, đồng tính, ấu dâm. Thân hình bé nhỏ bị đẩy ngã dúi dụi, bị gí roi điện, nhét gốc cây to tướng vào mồm, bị những đòn tra tấn khác. Đến người lớn chỉ xem đoạn phim còn không thở nổi huống hồ đứa trẻ trứng nước. Được biết những kẻ liên đới vụ này, mấy quốc tịch, đều đã phải trình diện pháp luật.
Có người nói: “Ôi cái thằng nghiện, bệnh hoạn, chấp làm gì”. Phê ma túy mà biết đe dọa người tung clip, biết lẩn trốn sự truy bắt của pháp luật thì hóa ra cũng khôn, tỉnh phết đấy chứ. Gương mặt kẻ thủ ác trông như bãi bổ quay. Ai còn nhớ trò bổ quay thời thơ ấu? Con quay gỗ, có đinh nhọn ở đáy, bổ quay tít khiến đất bị cày lên nham nhở. Mà nói chung nghi phạm, tội phạm cưỡng hiếp nào trông chả giống con quỷ, vừa xấu vừa ác.
Trong bộ phim “Căn phòng” đem lại giải Oscar hồi đầu năm cho nữ diễn viên Brie Larson (mới sang Việt Nam đóng “Kong: Đảo đầu lâu”), Brie vào vai Joy, một phụ nữ bị giam cầm 7 năm sinh ra một bé trai. Đứa trẻ lên 5 này về sau đã mưu trí cứu hai mẹ con thoát khỏi căn phòng giam hãm. Nhưng hai mẹ con không dễ trở lại đời thường. Tình cảm của Joy và cha rạn nứt vì ông không thể chấp nhận đứa bé- sản phẩm cuộc cưỡng hôn. Còn Joy sau đó tự tử bất thành, tự tử khi người dẫn chương trình truyền hình hỏi một câu cũng chính đáng rằng lẽ ra có cơ hội cho đứa trẻ thoát riêng sớm hơn, sao cô không làm?
Dễ tổn thương nhất là con người mà có tài gây tổn thương nhất cũng chính là họ. Ngày càng nhiều tội ác trời không dung đất không tha xảy ra khắp nơi nơi trên thế giới, đến nỗi với nhiều người, tốt nhất là không nghe không thấy không biết bất cứ gì gần với bi kịch.
Trong một phim khác đoạt hai giải Oscar “Dòng sông quá khứ” của Clint Eastwood, nguyên cớ xảy ra chuyện là tình huống: Cậu bé 11 tuổi bị đưa lên xe trước mắt hai bạn cậu, để hai người đàn ông già cưỡng hiếp. Chỉ 4 ngày sau cậu bé đã trở về nhà nhưng 25 năm sau, ba người đàn ông nói, họ như chưa bao giờ ra khỏi chiếc xe đó. Phim có kết cục thật bi thảm. Một trong ba nhân vật có lúc nói:“Có thể một ngày nào đó ta thức dậy và quên đi thế nào là con người”. Thà quên đi còn hơn là căm giận, phẫn nộ tột cùng mà chẳng thể làm gì, bất lực hoàn toàn.