Người xưa có câu: "Thứ nhất Cổ Bi (nay thuộc huyện Gia Lâm), thứ nhì Cổ Loa (huyện Đông Anh), thứ ba Cổ Sở (gồm 2 xã Yên Sở và Đắc Sở của huyện Hoài Đức)". Câu ngạn ngữ dân gian ấy chỉ địa danh 3 vùng đất cổ nhất của Hà Nội xưa, tại mỗi địa danh đều có những sự tích hàng nghìn năm tuổi.
Là địa danh cổ thứ ba trong câu nói trên, Cổ Sở vốn được hợp từ hai làng: Yên Sở (tên Nôm là Giá Lụa) và Đắc Sở (tên Nôm là Giá, có người gọi là Sấu Giá). Ngày nay, 2 xã Yên Sở và Đắc Sở là 2 bờ của dòng sông Đáy hiền hoà chảy qua huyện Hoài Đức. Không chỉ gắn liền với lịch sử phát triển của đất nước, nơi đây còn chứa đựng nhiều giai thoại về những chiếc giếng cổ.
Những giai thoại về giếng cổ
Chúng tôi tìm về 2 xã Yên Sở và Đắc Sở để một lần hiểu thực hư những giai thoại truyền kỳ ấy.
Câu nói "Đình không xà, trong làng có 73 cái giếng" không xa với người dân nơi đây, nhưng chẳng ai biết rõ lai lịch về nó ra sao.
Theo lời kể của các cụ cao niên trong làng, thời xưa Mã Viện là một viên tướng của Trung Quốc đã cho quân lính đào hơn 70 chiếc giếng để lấy nước ăn khi chiếm đóng vùng này. Tuy nhiên, đây chỉ là giai thoại được truyền lại chứ chưa được chứng minh.
Cổng làng Yên Sở (xã Yên Sở, huyện Hoài Đức, TP.Hà Nội). Ảnh: Kim Duyên. |
Chúng tôi may mắn đến đình Điếm Ba (xóm 6, Yên Sở) tìm gặp cụ Nguyễn Văn Thìn (hơn 90 tuổi), một trong những vị cao niên nắm rõ những câu chuyện, những giai thoại về làng Cổ Sở xưa. Theo cụ Thìn, về nguồn gốc của những chiếc giếng có nhiều cách để giải thích.
Câu chuyện mà cụ cho là hợp lý nhất là giai thoại giếng cổ với pháp sư Cao Biền. "Ông Cao Biền là một pháp sư nổi tiếng thời nhà Đường của Trung Quốc, được phái đến vùng đất này để "trấn yểm" long mạch. Người xưa có câu "Thứ nhất Cổ Bi, thứ nhì Cổ Loa, thứ ba Cổ Sở". Cổ Sở là mảnh đất địa linh nhân kiệt, có nhiều mạch đất quý, vì vậy việc đào 73 cái giếng là để cắt đứt long mạch là âm mưu của quân xâm lược", cụ Thìn cho biết.
Hơn 70 giếng, bố trí ở các vị trí khác nhau và nằm rải rác khắp làng, cái nào cũng giống cái nào. Giếng sâu khoảng 5m, đường kính khoảng 1,6m. Đặc biệt, giếng được xếp hoàn toàn bằng đá, dưới đáy giếng được đặt một phiến gỗ lim dày đến 40cm.
Những thông tin này dường như củng cố thêm niềm tin của người dân về giai thoại "ông Cao Biền trấn yểm long mạch".
Mỗi giếng lại có một vị thần bản thổ trông giữ. Ảnh: Kim Duyên. |
Có lẽ, vì nắm rõ những câu chuyện của làng Cổ Sở xưa nên khi phóng viên vừa nhắc đến "đình không xà", cụ Thìn lại say sưa kể tiếp. "Đình không xà" là ngôi đình lớn của làng Kẻ Giá xưa, rộng khoảng 500m2 được dựng xây bởi 50 chiếc cột lớn. Nóc đình kiểu 4 mái to lớn khác thường đặt trên những cột gỗ rất to.
Đầu đao hình con rồng uốn cong 4 góc. Đình gồm 5 gian giữa và 2 gian đầu hồi, mỗi gian có 2 vì kèo với 6 cột đặt trên đá tảng.
Hai cột giữa nối với nhau bằng câu đối; những cột khác nối với nhau bằng kèo có chạm hoa, lá hay long, ly, quy, phượng. "Chính những kèo này gánh hết sức nặng của mái đình", cụ Thìn khẳng định.
Điều đặc biệt, những chiếc cột này đều không có mối đục nào của xà để nối lại. Các cột dựng đứng, mái gác lên đỉnh cột tạo nên một ngôi đình hoành tráng, uy nghi. "Tiếc rằng, đình đã bị tàn phá năm 1947, thời kỳ Pháp chiếm đóng", Cụ Thìn tâm sự.
Chỉ còn lại một nửa số giếng do sự mai một của thời gian
Qua thời gian và sự biến đổi của lịch sử, đến nay số lượng giếng cổ chỉ còn vài chục chiếc, nằm rải rác tại các xóm của 2 xã Yên Sở và Đắc Sở.
"Theo thống kê của xã Yên Sở, còn hơn 30 cái giếng cổ ở 2 làng Yên Sở và Đắc Sở. Hiện tại, các giếng được xây dựng bê tông, bờ rào chắc chắn để tránh sụt lún và nguy hiểm cho người dân", ông Nguyễn Văn Thử (73 tuổi), trưởng thôn 6, xã Yên Sở cho hay.
Trên miệng mỗi giếng thường gắn một tấm sắt che chắn để tránh việc trẻ nhỏ lại gần chơi gặp nguy hiểm. Ảnh: Kim Duyên. |
Một số giếng vẫn giữ nguyên công năng cung cấp nước sinh hoạt cho người dân trong làng. Nước giếng rất trong, ấm vào mùa đông và mát lạnh vào mùa hè. Vì thế, dù có nước máy, những người dân vẫn thường lấy nước từ giếng về để phục vụ sinh hoạt.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Thanh (42 tuổi) người dân ở làng Yên Sở cho biết, những cái giếng này có từ bao giờ ông đều không biết, chỉ biết rằng từ thời ông cha của ông sinh ra nó đã ở đấy.
"Nước giếng đã nuôi sống bao thế hệ và đến tận bây giờ khi có nước máy, gia đình tôi cùng những người trong xóm vẫn sử dụng nước trong giếng để sinh hoạt.
Thậm chí vào những ngày hè nắng nóng, ai đi làm đồng về qua đều dừng lại múc nước giếng rửa mặt, có những hôm tối muộn tại sân giếng vẫn còn tiếng rôm rả nói chuyện của các bà, các mẹ", ông Thanh bộc bạch.
Theo lời kể của người dân, có những hôm nước giếng được sử dụng nhiều đến mức sân giếng không lúc nào khô. Ảnh: Kim Duyên. |
Theo ông Thanh, bà con sử dụng nước giếng đều rất ý thức trong việc giữ gìn và bảo vệ. Khi có rêu hay bám bẩn, không ai bảo ai mà đều tự giác ra quét dọn bảo vệ nguồn nước.
Thậm chí, có giếng người dân còn nuôi cá vàng để cá ăn rêu, vệ sinh bên trong lòng giếng. Trên miệng mỗi giếng thường có tấm đan bằng sắt hoặc tấm gỗ tròn để mỗi khi không sử dụng người dân lại đậy lại vừa bảo vệ nước giếng, vừa tránh để tránh nguy hiểm cho trẻ con và người dân.
Hình ảnh cây đa, giếng nước sân đình đã vào tâm trí mỗi người dân như một lẽ thường. Vì vậy, cạnh mỗi giếng cổ đều có một ngôi đình nhỏ bên cạnh.
"Ngày Rằm hay mùng Một, người dân không khi nào quên hương nhang cho "thần giếng". Vào những ngày Tết, giếng luôn bị khóa hoặc đóng nắp, vì người dân quan niệm rằng không ai được phạm đến long mạch vào đầu năm", cụ Thìn cho biết thêm.
Mặc dù có nước máy, nhưng đa số người dân vẫn sử dụng nước giếng để phục vụ cho việc sinh hoạt hàng ngày. Ảnh: Kim Duyên |
Qua những lời kể của các cụ cao niên, qua lời tâm sự của người dân, chúng tôi nhận ra, người dân nơi đây coi giếng cổ như một biểu tượng thiêng liêng để gửi gắm những giá trị tâm linh.
Họ thờ cúng không chỉ vì tin vào "thần giếng" mà còn vì họ trân trọng mạch nước ngầm đã từng nuôi sống họ, trân trọng nét văn hoá và di vật mà ông cha để lại.
Link gốc: https://danviet.vn/ky-la-ngoi-lang-dinh-khong-xa-giai-thoai-ly-ly-ve-73-gieng-co-o-ha-noi-20220427192235427.htm