Tại Khoa Nhi (BV Bạch Mai) còn 4 bệnh nhân sởi nặng phải thở máy. Những bệnh nhân này được chuyển đến từ các tỉnh Bắc Ninh, Nam Định... Hàng ngày các BV đều tiếp nhận lác đác ca bệnh thủy đậu, tay chân miệng ở thể nhẹ, không cần điều trị nội trú.
Cùng ngày, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) thông báo trên cả nước ghi nhận thêm 31 trường hợp mắc sởi xác định. Tích lũy từ đầu năm 2014 đến nay cả nước có 4.633 trường hợp mắc sởi trong số 22.146 trường hợp sốt phát ban nghi sởi tại 62/63 tỉnh, thành phố. Tính đến ngày 19/5, tỷ lệ tiêm vét vắc-xin sởi trên phạm vi toàn quốc đạt 95,3%.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuyên cho biết, hiện nay TPHCM đang nóng với dịch tay chân miệng và sốt xuất huyết, còn tại miền Bắc dịch sởi chưa thực sự hạ nhiệt, vẫn còn những ca bệnh nặng đang điều trị.Về dịch tay chân miệng, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, dịch bắt đầu có xu hướng gia tăng, trong đó có một số tỉnh/thành tăng cao so với cùng kỳ năm 2013.
Theo thống kê từ những năm trước thì số mắc sẽ thường gia tăng từ tháng 5 trở đi. Mùa hè với thời tiết thuận lợi cho sự phát triển của mầm bệnh, thêm vào đó bệnh tay chân miệng hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc-xin dự phòng, điều kiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường còn chưa tốt nên nguy cơ dịch gia tăng trong thời gian tới nếu không tích cực, chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống.
Từ đầu năm 2014 đến nay cả nước đã ghi nhận 20.500 trường hợp mắc tại 62 tỉnh /thành phố, có 2 trường hợp tử vong tại Long An và Bà Rịa - Vũng Tàu với tác nhân gây bệnh chính là EV71.
Số mắc bệnh tay chân miệng cao và tập trung tại một số tỉnh ở khu vực miền Nam chiếm 80,4%. Mặc dù số mắc giảm 18,6%, số tử vong giảm 5 trường hợp so với cùng kỳ năm 2013 nhưng số mắc tăng cao cục bộ tại một số địa phương như TPHCM tăng 23,7%, Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 27,9%, Cà Mau tăng 17,2%, Bình Dương tăng 9,5%, Kon Tum tăng 44,6%.