Khoảng 17h ngày 11/4, bé gái Dương Ngọc Tường Vy (3 tuổi, ngụ huyện Thới Lai, Cần Thơ) được chuyển vào Bệnh viện Nhi đồng 1 trong tình trạng suy hô hấp, thở hơi nhanh, gồng bụng, phồng to vùng mặt, cổ, ngực và lưng. Nếu dùng tay ấn hoặc xoa vào vùng da phồng sẽ nghe âm thanh lép bép.
Kết quả chụp phim cho thấy bệnh nhân bị tràn khí dưới da vùng má, cổ, ngực, tràn khí trung thất. X-quang phổi không ghi nhận tràn khí màn phổi nhưng nan phổi phải có dấu hiệu kém hơn phổi trái.
Theo người nhà, trước đó, bé Vy vừa nằm chơi trên võng, vừa ăn hạt ô môi (một loại trái cây đặc trưng Nam bộ). Bé bị ho sặc sụa vì nuốt phải hạt này nên được mẹ đưa đến bệnh viện huyện khám. Bệnh viện huyện chỉ cho thuốc về nhà uống vì nghĩ rằng bé đã nuốt hạt ô môi vào bụng.
Ảnh chụp CT dị vật đường thở là hạt ô môi mà bé Vy nuốt phải. Ảnh: Quốc Ngọc.
Thế nhưng 2 tuần sau, ngày 10/4, bé tiếp tục ho nhiều, mặt mũi phồng to, nên gia đình lại được đưa Vy vào Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị hóc dị vật đường thở và quyết định chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 1.
Bác sĩ Huy cho biết, kết quả chụp CT tại Bệnh viện Nhi đồng 1 phát hiện dị vật nằm sâu ở điểm cuối cùng của khí quản - nơi “ngã ba” tiếp giáp với phế quản đi vào 2 lá phổi. Dị vật khá to, đường kính gần 2cm, bít kín hoàn toàn phế quản phổi bên phải. Dị vật cũng đã làm rách phế quản nên dẫn đến hiện tượng tràn khí dưới da vùng ngực, mặt, lưng và trung thất.
Hột ô môi khi được lấy ra khỏi đường thở bệnh nhân. Ảnh: Quốc Ngọc.
Theo nhận định của bác sĩ Huy, đây là trường hợp hóc dị vật nặng và hiếm gặp. Do phổi bên phải bị bít kín, tạo ra áp lực âm bên trong nên việc nội soi lấy dị vật ra rất khó khăn. Tương tự, việc gây mê cũng hết sức khó. “Chúng tôi phải dùng kiềm cắt, bóp cho bể dị vật rồi đưa từng mảnh nhỏ ra ngoài. Khi ráp lại các mảnh thì dị vật đúng là hạt ô môi có đường kính ngang 1,5cm và đường kính dọc 2cm”, bác sĩ Huy nói.
Hiện sức khỏe bé Vy đã ổn định. Vết rách ở “ngã 3” tiếp giáp khí quản và phế quản sẽ để tự lành. Tuy nhiên, hiện tượng tràn khí mới chỉ có dấu hiệu giảm, nên bệnh nhân cần được theo dõi trong 3 tuần nữa.