Bay cùng trực thăng cứu trợ trong Đại hồng thủy

0:00 / 0:00
0:00
TP - Trong đời làm báo, tôi được tham dự, trải nghiệm nhiều sự kiện quan trọng của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; tháp tùng Chủ tịch nước, dự Hội nghị thượng đỉnh tại Liên Hợp Quốc (New York-Mỹ, tháng 9/2015)... Nhưng có một chuyến đi làm tôi nhớ mãi, đó là lần tác nghiệp, cứu trợ đồng bào bị lũ dữ cô lập ở tỉnh miền núi Yên Bái, tháng 8/2008.

Đại hồng thủy trên núi

Dù được cảnh báo trước, nhưng không ai ngờ hoàn lưu bão số 4/2008 gây mưa suốt mấy ngày, như có hàng tỷ mét khối nước trút xuống các tỉnh miền núi phía Bắc. Sau chỉ một ngày đêm, nhiều khu vực dân cư trên toàn tỉnh Yên Bái chìm trong biển nước. Những trận lũ quét, lũ ống trong đêm - vốn ít và hiếm ở thời điểm ấy - cuốn phăng hàng trăm ngôi nhà dân. Thống kê sơ bộ đến 10 giờ sáng ngày 10/8, Yên Bái có 31 người chết và mất tích, hàng chục người bị thương. Đáng lo hơn, mưa vẫn tiếp diễn, lũ sông Hồng dâng cao, vượt báo động ba 1,92 mét, đạt đỉnh lũ.

Bay cùng trực thăng cứu trợ trong Đại hồng thủy ảnh 1

Trực thăng của Trung đoàn Không quân 921 cứu trợ người dân Yên Bái bị lũ cô lập

Không riêng Yên Bái, bão số 4 còn gây thiệt hại lớn tại các tỉnh phía Bắc, làm 81 người chết (Lào Cai 32, Yên Bái 27, Phú Thọ 5, Quảng Ninh 8, Hà Giang 8, Bắc Kạn 1 người….) và hàng chục người mất tích; thiệt hại không thể thống kê nổi. Ngoài ra, hơn 1.000 hành khách, trong đó nhiều khách du lịch nước ngoài mắc kẹt tại ga Yên bái; một đoàn tàu hơn 300 người bị lũ chặn tại ga Văn Phú…

Tôi cùng anh Hoàng Rự lái xe và một đồng nghiệp được tòa soạn cử lên Yên Bái trong thời điểm rất cam go vì giao thông chia cắt, mưa lũ chưa dứt. Thời điểm đó chưa có cao tốc Hà Nội - Lào Cai, nên cả tỉnh Yên Bái bị cô lập, chia cắt: đường sắt Hà Nội - Lào Cai lũ phá nhiều đoạn, quốc lộ 70 về Hà Nội lên Lào Cai sạt lở phải chờ thông xe nhiều giờ... Gần 21h đêm chúng tôi mới đến được thành phố Yên Bái. Nhiều khu dân cư, cơ quan đơn vị của thành phố này vẫn bị ngập tới cả mét. Tôi bảo anh Rự cho lái chiếc Landcuiser dã chiến chạy một vòng qua các tuyến phố chụp ảnh, ghi nhận tình hình ngập lụt, làm tin gửi về tòa soạn ngay trong đêm.

Bay cùng trực thăng cứu trợ trong Đại hồng thủy ảnh 2

Lũ tràn bờ sông Hồng, nhiều xóm làng tại Yên Bái bị cô lập (chụp từ trực thăng cứu trợ ngày 11/8/2008). Ảnh: Nguyễn Tuấn

Hôm sau là một ngày đáng nhớ. Làm việc nhanh với lãnh đạo tỉnh và anh Nguyễn Văn Bình, Phó Chủ tịch thường trực, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão tỉnh Yên Bái nắm tình hình xong, tôi đề xuất được đến nơi người dân đang bị cô lập. Lũ về trong đêm, bà con chỉ kịp chạy thoát thân lên đồi cao...

Biết tôi là PV báo Tiền Phong, lãnh đạo tỉnh đặc biệt là chị Phạm Thị Thanh Trà - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái khi ấy (hiện là Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Ban Tổ chức T.Ư, Bộ trưởng Bộ Nội vụ) rất quan tâm, tạo điều kiện để chúng tôi tác nghiệp. Khi tôi đề đạt nguyện vọng được trực tiếp vào vùng nguy hiểm với bà con, chị Trà thoáng chút băn khoăn, nhưng quyết định rất nhanh, liên hệ cho tôi được lên chuyến bay của Trung đoàn Không quân 921 đóng tại Yên Bái. Sáng đó, đơn vị được lệnh dùng trực thăng bay đến các điểm lũ cô lập, thả hàng cứu trợ người dân.

30 phút trên bầu trời Yên Bái

Khoảng 9h30 sáng tôi mang theo chiếc máy ảnh nhỏ gọn leo lên trực thăng đợi sẵn ở sân bay Quân sự Yên Bái. Chiếc máy bay lượn một vòng quanh thành phố, rồi ngược sông Hồng lên các huyện phía Tây Bắc. Bên dưới là biển nước cuồn cuộn, lũ sông Hồng lên nhanh tràn bờ, gây ngập làng xóm, ruộng đồng hai bên. Những đồi cọ xòe ô lúp xúp xanh ngắt, nhiều cây bị bão quật ngã...

“Còn tôi, tôi luôn nhớ về nhân duyên nghề báo. Nhớ những người anh, người chị đã tạo điều kiện để tôi tác nghiệp, trong điều kiện khó khăn, ngặt nghèo”.

Hậu quả trận bão thật ghê gớm. Đúng như chị Trà nói, Yên Bái đang ở trong trận đại hồng thủy. Vì vậy, lãnh đạo tỉnh đã phân công 4 đoàn đi kiểm tra tình hình, chỉ đạo khắc phục hậu quả: Một đoàn đi huyện Lục Yên, Trấn Yên, Yên Bình, thành phố Yên Bái; một đoàn đi các huyện, thị phía Tây là Văn Chấn, Mù Cang Chải, Trạm Tấu và thị xã Nghĩa Lộ. “Tỉnh đã huy động trên 100 tấn gạo, xăng, dầu, mì tôm, thuốc men... đủ để cứu trợ cho người dân; hiện đã chuyển 10 tấn gạo lên huyện Lục Yên, 500 tấn xăng và 300 tấn mỳ tôm lên Trấn Yên... Cần phải cứu trợ nhanh nhất, không để bà con bị đói, rét” - chị Trà nói với PV Tiền Phong.

Bay cùng trực thăng cứu trợ trong Đại hồng thủy ảnh 3

Chiếc trực thăng rung lắc, gầm rú như đi vào tâm bão, tôi phải hét lên mỗi khi hỏi chuyện anh lính ngồi bên. Có một thoáng tôi chợt nghĩ, chúng tôi có thể rơi xuống một sườn đồi hay biển nước dưới kia. Mọi thứ sẽ chấm hết. Nhưng tôi lập tức trấn tĩnh rằng mình đang bay cùng những chiến sỹ Không quân Việt Nam anh hùng. Những phi công ngày đêm luyện tập bảo về vùng trời Tổ quốc, thiên tai ập xuống, họ lại lăn xả cứu dân.

Là nhà báo hiếm hoi được lên trực thăng tác nghiệp, tôi cần phải ghi lại những hình ảnh cứu trợ cảm động, về đồng bào đang chống chọi trong lũ dữ, để gửi về tòa soạn... Mỗi lần thả hàng, chiếc trực thăng hạ độ cao và giữ thăng bằng trong khoảng một phút. Người dân chạy dạt dưới đất, có cả trẻ con phụ nữ, vẫy tay xin nhận hàng. Mỗi chuyến bay chỉ đủ hàng cứu trợ cho khoảng 10 điểm, nhưng gió và độ cao đã làm một số thùng mỳ vỡ nát khi rơi xuống hoặc văng ra biển nước lũ...

Thời gian bay cùng tổ công tác cứu trợ trên bầu trời Yên Bái chỉ khoảng hơn ba mươi phút, tôi đã chụp được hàng trăm bức ảnh “độc”, được sử dụng trên Tiền Phong điện tử, in trên trang nhất số báo ra ngày hôm sau. Những bức ảnh quý ấy, tôi vẫn còn lưu giữ đến tận bây giờ.

Chuyện chưa kể

Hơn mười ngày sau, tôi lại cùng đồng nghiệp ngược Yên Bái - Lào Cai trao quà ủng hộ của DN đến bà con vùng lũ. Chuyến đi thật đáng nhớ, bởi tôi có đưa cậu con trai sắp bước vào lớp 1 đi cùng. Cậu rất háo hức, muốn đến tận nơi sẻ chia khó khăn với các bạn. Dọc tuyến đường 70 từ Yên Bái lên Lào Cai nhiều trường học còn ngập trong bùn đất, nhiều lớp học bị lũ cuốn chưa dựng lại. Chúng tôi ghé một nhà dân bên suối, nhà chỉ có hai đứa trẻ đang lật giở những trang sách ướt ra phơi...Chuyến đi ấy, cậu con tôi bị muỗi rừng đốt, sưng hai bắp chân, nhưng cháu có thêm những trải nghiệm.

Chiếc máy bay lượn một vòng quanh thành phố, rồi ngược sông Hồng lên các huyện phía Tây Bắc. Bên dưới là biển nước cuồn cuộn, lũ sông Hồng lên nhanh tràn bờ, gây ngập làng xóm, ruộng đồng hai bên. Những đồi cọ xòe ô lúp xúp xanh ngắt, nhiều cây bị bão quật ngã...

Đã 15 năm trôi qua. Tòa soạn có nhiều người người đến và đi, anh Rự lái xe năm ấy về hưu rồi. Tôi đã chuyển đến Tạp chí Kiểm tra rồi lại quay về ngôi nhà Tiền Phong. Con tôi giờ là sinh viên năm thứ hai một trường đại học ở CHLB Đức. Xa nhà hàng ngàn cây số, nhưng mỗi khi nhắc lại chuyến đi năm ấy cậu vẫn nhớ như in. Nhớ nhất là nốt muỗi rừng đốt và hai anh chị học sinh phơi sách bên bờ suối.

Còn tôi. Tôi luôn nhớ về nhân duyên nghề báo. Nhớ những người anh, người chị đã tạo điều kiện để tôi tác nghiệp, trong điều kiện khó khăn, ngặt nghèo.

MỚI - NÓNG