Cảnh sát chống bạo động đối phó với người biểu tình ngày 17/3. (Ảnh: Reuters) |
Đợt bất ổn suốt từ đầu năm đến nay khiến Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phải đối mặt với thách thức lớn nhất kể từ làn sóng biểu tình “Áo vàng” tháng 12/2018.
Hình ảnh trên truyền hình cho thấy cảnh sát dùng hơi cay để giải tán đám đông tập trung trên quảng trường Concorde gần toà nhà Quốc hội Pháp. Nhiều người biểu tình hô khẩu hiệu đòi ông Macron từ chức.
Trước đó, ông Macron quyết định dùng quyền đặc biệt được quy định trong hiến pháp để vượt qua quốc hội, thông qua dự luật tăng tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 64. Chính phủ Pháp khẳng định, đây là việc cần thiết để bảo vệ quỹ lương hưu không vỡ.
Các nghiệp đoàn và hầu hết người dân không đồng ý. Theo kết quả khảo sát do hãng Toluna Harris Interactive thực hiện cho đài phát thanh RTL, cứ 10 người thì có 8 người không hài lòng với việc chính phủ vượt qua quốc hội, 65% muốn biểu tình tiếp tục.
Vượt qua cuộc bỏ phiếu của quốc hội là “sự chối bỏ dân chủ… hoàn toàn phủ nhận những gì đang diễn ra trên phố trong nhiều tuần qua. Điều đó thật không chịu nổi”, nhà tâm lý học 52 tuổi Nathalie Alquier tại Paris nhận xét.
Liên minh các nghiệp đoàn ở Pháp tuyên bố sẽ tiếp tục huy động người biểu tình để buộc chính phủ phải đảo ngược quyết định. Kế hoạch biểu tình cho cuối tuần này đã được chuẩn bị, và một đợt đình công quy mô toàn quốc dự kiến diễn ra vào ngày 23/5.
Paris ngập rác sau những cuộc biểu tình. (Ảnh: Reuters) |
Công đoàn của các giáo viên cũng lên kế hoạch đình công vào tuần tới, dù sẽ ảnh hưởng đến kỳ thi trung học.
Các cuộc biểu tình từ giữa tháng 1 đến nay hầu hết diễn ra hoà bình, nhưng hình ảnh rối loạn trong 2 ngày qua gợi nhớ lại phong trào biểu tình "Áo vàng" vào cuối năm 2018 để phản đối giá nhiên liệu cao, buộc ông Macron phải đảo ngược một phần kế hoạch tăng thuế carbon.