Người biểu tình đốt lửa trước trụ sở Quốc hội Pháp ngày 16/3. (Ảnh: AP) |
Bước đi mạo hiểm này vấp phải phản đối của các nghị sĩ. Họ hát quốc ca trước khi Thủ tướng Elisabeth Borne đến hạ viện. Thủ tướng phát biểu trong tiếng la hét của các nghị sĩ, thừa nhận rằng bước đi đơn phương của ông Macron có thể dẫn đến một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm trong chính phủ.
Sự giận dữ của các nghị sĩ tương đồng với nỗi bất bình của các nghiệp đoàn. Hàng ngàn người tập trung trên quảng trường đối diện quốc hội để đốt lửa trại. Khi đêm xuống, cảnh sát đuổi hết người biểu tình khỏi khu vực này. Nhiều nhóm bị đuổi đã chuyển sang các con phố xung quanh để đốt lửa. Ít nhất 120 người đã bị bắt, cảnh sát cho biết.
Cảnh tượng tương tự diễn ra tại nhiều thành phố khác, từ Rennes đến Nantes ở miền Đông sang Lyon và thành phố cảng Marseille ở miền Nam. Cửa sổ và cửa chính của nhiều cửa hàng và ngân hàng bị đập vỡ, các nhóm cực tả bị cho là thủ phạm.
Các nghiệp đoàn tổ chức đình công và biểu tình suốt từ tháng 1, biến Paris trở thành nơi ngập rác. Họ tiếp tục lên kế hoạch biểu tình trong những ngày tới. “Kế hoạch này thực sự tàn bạo và bất công với giới công nhân”, các nghiệp đoàn tuyên bố.
Tổng thống Macron xác định kế hoạch cải cách lương hưu là một ưu tiên trong nhiệm kỳ 2, cho rằng thay đổi này là cần thiết để giữ hệ thống lương hưu không sụp đổ. Giống như nhiều quốc gia phát triển khác, Pháp đang đối mặt với tình trạng tỷ lệ sinh thấp và tuổi thọ cao hơn.
Ông Macron quyết định dùng quyền lực đặc biệt trong cuộc họp nội các tại Điện Elysee chỉ vài phút trước khi diễn ra phiên bỏ phiếu tại hạ viện, vì ông không chắc chắc dự luật sẽ được hạ viện thông qua.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn đài TF1 tối 16/3, Thủ tướng Borne cho biết bà không giận dữ khi phát biểu trước các nghị sĩ thiếu tôn trọng, nhưng “rất sốc”.
“Một số nghị sĩ muốn hỗn loạn, trong quốc hội và trên phố”, bà nói.
Các nghị sĩ đối lập đòi chính phủ từ chức. Có nghị sĩ gọi quyền đặc biệt của tổng thống là “máy chém chính trị”. Một số người chỉ trích bước đi này là “sự chối bỏ dân chủ”, cho thấy Tổng thống Macron thiếu sự chính danh.
Chính trị gia Marine Le Pen cho biết đảng Mặt trận quốc gia của bà sẽ thúc đẩy bỏ phiếu bất tín nhiệm.
Cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm có thể diễn ra trong tuần tới, cần được hơn một nửa Quốc hội Pháp đồng ý. Nếu đa số nghị sĩ thông qua, đây sẽ lần đầu tiên kể từ năm 1962 chính phủ phải từ chức. Ông Macron có thể tái bổ nhiệm bà Borne nếu muốn. Nếu cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm không thành công, dự luật cải cách lương hưu sẽ được coi là đã thông qua.