Báo động nạn bạo hành trong bệnh viện và giải pháp phòng chống

Hình ảnh cắt từ clip vụ bác sĩ Bệnh viện Xanh Pôn bị hành hung
Hình ảnh cắt từ clip vụ bác sĩ Bệnh viện Xanh Pôn bị hành hung
TPO - Số vụ mất an ninh trật trong bệnh viện, bạo hành nhân viên y tế khi đang thực hiện nhiệm vụ trong năm 2017 đến nay cao hơn nhiều so với tất cả các năm trước đây. Trong đó có nhiều vụ nghiêm trọng bác sĩ và cán bộ y tế chấn thương sọ não, thủng màng nhĩ, gãy mũi, chấn thương mắt...

Báo động tình trạng bạo hành nhân viên y tế

 Chiều 8/6, tại Trường Đại học Y Hà Nội, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tổ chức toạ đàm "Bạo hành trong bệnh viện, vấn nạn và giải pháp". Theo thông tin ban tổ chức, số vụ việc mất trật tự trong bệnh viện, bạo hành nhân viên y tế khi đang thực thi nhiệm vụ ngày càng tăng.

 Trong đầu năm 2018 đến nay, đã diễn ra nhiều vụ lăng mạ, hành hung tấn công cán bộ y tế, bác sĩ. Mới đây nhất, trường hợp bác sĩ trực tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn Hồng Chiến (29 tuổi) tiếp nhận bé trai khoảng 7 tuổi với vết thương trên trán do một người đàn ông cao to, tóc buộc dài đưa vào.

 Trong lúc ngồi trao đổi về hướng xử lý vết thương, người nhà bé trai hỏi liên tục rồi bất ngờ đứng dậy, xông tới đấm vào mặt bác sĩ Chiến khiến bác sĩ không kịp phản ứng. Một nhân viên cùng khoa chạy vào can ngăn liền bị người đàn ông này chửi mắng, định tấn công. Chỉ khi lực lượng bảo vệ và công an phường Điện Biên có mặt, người này mới chịu dừng.

Báo động nạn bạo hành trong bệnh viện và giải pháp phòng chống ảnh 1 Nhiều sinh viên trường Y tới tham dự chương trình

 Trước đó, ngày 8/4, bác sĩ Nguyễn Đình Phi (SN 1990, Khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh) tiếp nhận bệnh nhi Nguyễn Phúc Đạt (14 tháng tuổi) trong tình trạng sốt cao 39,6 độ và đã được đặt thuốc hạ nhiệt hậu môn tại Khoa Cấp cứu chống độc. Trong lúc đang thăm khám cho bệnh nhi này trong buồng bệnh, bác sĩ Nguyễn Đình Phi bị một người đàn ông xưng là bố cháu Đạt xông đến túm cổ áo, đấm thẳng vào mặt. Bác sĩ Phi bị vỡ kính và choáng váng ngã xuống sàn nhà. Thực tập sinh Trần Nhật Giáp vào can ngăn liền bị người này đấm liên tiếp vào mặt và vùng đầu, bất tỉnh.

 Tại Bệnh viện Sản Nhi Yên Bái (tháng 2), bác sĩ Phạm Hải Ninh (Khoa Phẫu thuật - Gây mê hồi sức) và bác sĩ Hoàng Đức Trung (Khoa Sản) sau khi làm nhiệm vụ phẫu thuật lấy thai cho bệnh nhân thì chồng của sản phụ đã trèo lên lan can quay phim, chụp ảnh. Khi bị nhắc nhở, chồng sản phụ này chửi bới rồi cùng các đối tượng khác lao vào hành hung dã man, gây thương tích nặng cho 2 bác sĩ Ninh và Trung.

 Đầu tháng 1, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng, bác sĩ Nguyễn Thị Thủy- Khoa Cấp cứu, trong lúc đang khâu vết thương cho bệnh nhân bỗng bị một thanh niên xông vào đánh, làm thủng màng nhĩ.

Trước sự gia tăng bạo hành trong bệnh viện, ngày 19/6/2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý bổ sung Khoản D Điều 134 trong dự án Luật Hình sự (sửa đổi) về tình tiết tăng nặng khi phạm tội cố ý gây thương tích đối với người "chữa bệnh cho mình". Theo đó tăng mức phạt đối đa lên tới ba năm tù. Bộ trưởng Y tế cũng đã gửi công văn đến Bộ trưởng Công an đề nghị lực lượng công an phối hợp, tăng cường kiểm soát trật tự trong các bệnh viện và các khu vực chung quanh.

GS.TS. Trần Văn Thuấn, Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, Giám đốc Bệnh viện K, cho rằng: Những hành động đáng lên án nêu trên không chỉ đơn thuần xuất phát từ một phía, mà đằng sau đó còn có thể liên quan đến các nguyên nhân khác.

"Vấn đề không dừng lại ở lối hành xử không chuẩn mực hoặc do ảnh hưởng của rượu, bia, chất kích thích ở một số bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, mà ngay chính phương pháp làm việc, giao tiếp với bệnh nhân của một số y, bác sĩ, nhân viên y tế còn chưa hợp lý. Ngoài ra, còn rất nhiều nguyên nhân khác, mà việc tăng cường các biện pháp pháp lý không thể giải quyết triệt để vấn đề", GS.TS. Trần Văn Thuấn nói.

Đẩy mạnh sự phối hợp liên ngành

Toạ đàm đã có nhiều kiến nghị, đề xuất giải pháp như: Các bệnh viện bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị như rà soát và củng cố toàn bộ khuôn viên, tường rào bệnh viện; kiểm soát lối ra vào của bệnh viện; rà soát và lắp đặt các camera an ninh và hệ thống báo động khẩn cấp. Xây dựng và củng cố đội an ninh phản ứng nhanh, sẵn sàng đối phó với các sự cố bất thường.

Hướng dẫn người thầy thuốc, nhân viên Y tế cách thức nhận dạng và phòng ngừa các tình huống bạo hành có thể xảy ra và có những khuyến cáo dành cho nhân viên y tế để họ có thể tự vệ, tránh được những tổn thất về sức khỏe, tinh thần…

 Bên cạnh đó phối hợp với các bộ, ngành. Ủng hộ đề xuất của Bộ Y tế về việc nghiên cứu đề xuất bổ sung Luật Khám bệnh, chữa bệnh về trách nhiệm của người bệnh, người dân đối với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; chế tài xử lý đối với hành vi xâm phạm, đe doạ nhân viên y tế khi đang thi hành nhiệm vụ.

Báo động nạn bạo hành trong bệnh viện và giải pháp phòng chống ảnh 2 Các khách mời trao đổi về nguyên nhân, giải pháp phòng chống bạo hành trong bệnh viện

 Tăng cường công tác truyền thông để đẩy mạnh sự phối hợp liên ngành của chính quyền, cơ quan công an, dân phòng và các ban ngành khác; vai trò và sự tham gia của người dân, người bệnh trong việc phát hiện các nguy cơ và hành vi, bạo lực và cùng lên án, ngăn chặn các hành vi bạo lực kịp thời.

Hiện nay Cục Quản lý Khám chữa bệnh – Bộ Y tế và Cục Cảnh sát quản lý Hành chính và Trật tự xã hội (Cục C64) – Bộ Công An đang hoàn thiện dự thảo Quy chế phối hợp giữa Cục C64 và Cục Quản lý Khám, chữa bệnh trong công tác bảo đảm trật tự an toàn xã hội tại các cơ sở khám, chữa  bệnh. Dự thảo chuẩn bị được ký kết giữa hai bên, đây sẽ là căn cứ để chỉ đạo chính thức các cơ sở khám chữa bệnh ký kết và phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an trên địa bàn.

GS.TS Trần Văn Thuấn - Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam khẳng định: Vấn nạn bạo hành nhân viên y tế diễn ra  ở hầu hết các nước trên thế giới từ các nước phát triển đến những nước đang phát triển.

Theo công bố của Tổ chức Y tế Thế giới, có 8% - 38% nhân viên y tế bị bạo hành ở nơi làm việc. Tuy nhiên, chưa thể thống kê đầy đủ về bạo hành tinh thần như nhục mạ, chửi bới… Một nghiên cứu tại Mỹ năm 2018 bởi Medscape công bố số liệu cho thấy 59% số bác sĩ tham gia nghiên cứu bị bệnh nhân nhục mạ, một nghiên cứu khác tại Ấn Độ cho biết 75% y bác sĩ tuyến công lập bị nhục mạ, 57% bị đe dọa và 12% bị hành hung.

Tại Việt Nam, theo thống kê của Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, từ năm 2010 đến hết 2016, cả nước ghi nhận có ít nhất 22 vụ việc bác sĩ bị bệnh nhân và người nhà bệnh nhân hành hung. Các vụ việc xảy ra chủ yếu ở bệnh viện tuyến tỉnh (chiếm 60%), tuyến Trung ương chiếm 20%. Phần lớn đối tượng bị tấn công là các bác sĩ (chiếm khoảng 70%) và điều dưỡng (khoảng 15%). Có tới 90% vụ bạo hành xảy ra khi bác sĩ đang cấp cứu, chăm sóc cho bệnh nhân và 60% xảy ra khi thầy thuốc đang giải thích cho bệnh nhân, người nhà.

MỚI - NÓNG