Anh Nguyễn Xuân Vinh, điều dưỡng trưởng Khoa phẫu thuật Tim mạch và Lồng ngực (Bệnh viện Việt Đức) chia sẻ: “Chuyện bạo hành y tế được đưa trên mặt báo chỉ là bề nổi của tảng băng. Hiện nay chúng tôi đang phải đối mặt từng ngày từng giờ với nó. Gần 20 năm trong nghề, đã nhiều năm không có ngày lễ ngày tết, đêm hôm lọ mọ cấp cứu vì người bệnh, những bạo lực và áp lực với mình đã có thể chất thành đống. Chúng tôi đang sống và làm việc vì người bệnh, song lại được đáp trả bằng các hành vi bạo lực, đó là điều không thể chấp nhận được”. Anh Vinh thừa nhận, rất buồn, rất nản và rất đau lòng trong sự bất lực của bản thân khi chuyện bạo hành với đồng nghiệp ngày một tăng. Tuy nhiên giống như nhiều nhân viên y tế khác, điều dưỡng Nguyễn Xuân Vinh có lý lẽ riêng của mình khi cho rằng do đặc thù nghề nghiệp, nếu làm được điều gì đó mà mọi người trong xã hội tôn trọng và hiểu nghề hơn thì họ sẵn sàng làm.
Trước ý tưởng về việc, nên chăng có một cuộc tuần hành phản đối bạo hành y tế để thức tỉnh lương tri toàn xã hội, điều dưỡng trưởng Nguyễn Xuân Vinh cho biết: “Ý tưởng tuần hành phản đối chắc là hành động cuối cùng khi mọi chuyện trở nên bất lực. Nhưng do nghề Y là một nghề đặc biệt, nhiều khi còn không có ngày lễ ngày tết... thì với lương tâm nghề nghiệp các bác sĩ và điều dưỡng không thể bỏ mặc người bệnh. Dù sao đa số họ là những người cần và thông cảm với nhân viên y tế, những người có hành vi bạo hành, bạo lực chỉ là số ít”.
PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y, đưa ra giải pháp: “Cần quy định về những hành vi bạo hành y tế, phải phạt tiền theo quy định của Bộ y tế. Mở cửa thoát hiểm máy bay đền 20 triệu thì tát nhân viên y tế phải 50 triệu”.
Bác sĩ Trần Tiến Anh, bạn học với bác sĩ V.H.C, Khoa Phẫu thuật tạo hình (Bệnh viện Saint Paul), người vừa bị người nhà bệnh nhân bạo hành hôm 13/4 chia sẻ: “Bác sĩ V.H.C. mới tốt nghiệp Nội trú Phẫu thuật tạo hình và về Saint Paul làm việc. Quen nhau 9 năm, đó là một người bạn hiền nhất mà tôi từng biết, chưa bao giờ to tiếng với ai. Sự việc này quá sốc. Tha thiết mong một môi trường an toàn để bác sĩ yên tâm làm việc mà sao khó quá!”.
“Không ai có thể tưởng tượng được tại sao con người có thể tàn ác đến vậy, tàn ác ngay với những người đang cứu chữa cho người nhà mình. Mình gọi đó là sự khốn nạn”.
Bác sĩ Ngô Đức Hùng, Khoa Cấp cứu A9 (Bệnh viện Bạch Mai)
Trên mạng xã hội Facebook bác sĩ Ngô Đức Hùng, Khoa Cấp cứu A9 (Bệnh viện Bạch Mai), tác giả cuốn sách “Để yên cho bác sĩ hiền” chia sẻ: “Cuốn sách phát hành vào đúng thời điểm các vụ bạo hành y tế đang bị đẩy lên cao đến mức khi xem lại các video về các vụ việc, không ai có thể tưởng tượng được tại sao con người có thể tàn ác đến vậy, tàn ác ngay với những người đang cứu chữa cho người nhà mình. Mình gọi đó là sự khốn nạn. Những người làm ngành y như mình tự hỏi, với tình trạng như hiện nay, liệu rằng chúng ta có thể hiền được không? Câu hỏi cũng chính là câu trả lời. Chỉ từ đầu năm đến nay, các vụ việc hành hung nhân viên y tế liên tiếp diễn ra không cần lý do nào cả. Trước đây khi chưa có hệ thống camera, bọn mồm loa mép giải luôn biện hộ đủ thứ lý do đổ lỗi cho nhân viên y tế. Bây giờ, nhờ trích xuất camera mọi thứ trở nên rõ ràng hơn, không phải muốn nói gì cũng được”.
Bác sĩ Hùng cho rằng: “Câu chuyện bạo hành y tế đánh động đến đạo đức của xã hội. Môi trường bệnh viện giống như một xã hội thu nhỏ. Mình luôn ủng hộ việc tăng cường an ninh bệnh viện, nhân viên an ninh phải được có quyền áp chế tội phạm. Vụ hành hung bác sĩ ở Bệnh viện Saint Paul, đó là một BS nội trú giỏi, được tu nghiệp ở nước ngoài và nổi tiếng hiền lành. Liệu rằng một đứa trẻ chứng kiến ông bố mất dạy của mình hành động như vậy, nó lớn lên có thành người tốt được không? Nghe mà đau lòng đấy, một giáo sư đã phải thốt lên rằng: “Chúng ta chỉ tử tế với bệnh nhân nhưng không có nghĩa vụ phải tử tế với người nhà mất dạy”. Ai để yên cho các bác sĩ được hiền?”.
Cảm thông với những khó khăn mà các bác sĩ, điều dưỡng đang phải hứng chịu, một người bạn của điều dưỡng trưởng Nguyễn Xuân Vinh động viên anh và các đồng nghiệp: “Ngành nào, nghề nào cũng có người tốt, kẻ xấu cả. Không phủ nhận trong ngành giáo hay ngành y vẫn đang có một số con sâu mọt làm ảnh hưởng cả ngành. Nhưng điều đó không thể phủ nhận được những chiến sĩ áo trắng như các bạn đang ngày đêm giành giật mạng sống từng bệnh nhân từ tay tử thần, từng bất lực trốn vào một góc khóc khi chứng kiến những bệnh nhân mình không thể cứu được, từng bỏ tiền túi ra giúp các bệnh nhân nghèo không có khả năng đóng viện phí, từng chung tiền nuôi những bé bị bố mẹ bỏ rơi, để mua sữa cho các con cho đến khi có người nhận nuôi hoặc chuyển cho các tổ chức xã hội khác, từng băng đèo lội suối đến khám - chữa bệnh miễn phí cho các bệnh nhân nghèo vùng sâu vùng xa... Còn nhiều lắm những việc các bạn đã và đang làm. Và tớ tin mọi người đều hiểu những con sâu mọt trong ngành chỉ là số ít thôi. Sống sao không thẹn với lương tâm mình, ngẩng cao đầu là được”.