Theo quan sát của Cảnh sát biển và lực lượng kiểm ngư, ngày 28/5, giàn khoan Hải Dương 981 vẫn đang ở tọa độ 15 độ 33 phút Bắc - 111 độ 34 phút Đông và chưa có động thái dịch chuyển tiếp theo.
Trung Quốc vẫn duy trì khoảng 120 tàu các loại (trong đó có 36 tàu hải cảnh, 14 tàu vận tải, 13 tàu kéo, 7 tàu quân sự…) cùng bốn máy bay chiến đấu ở quanh khu vực giàn khoan Hải Dương 981 để ngăn cản, vây ép thậm chí đâm va các tàu chấp pháp, tàu của ngư dân Việt Nam.
Chiều 28/5, thông tin từ Cục Kiểm ngư Việt Nam cho biết, các tàu quân sự vây quanh bảo vệ giàn khoan 981 trái phép của Trung Quốc ban đêm tắt đèn, thả trôi, gây nguy hiểm cho tàu của Việt Nam.
Tàu quân sự của Trung Quốc đã chia làm 2 nhóm để bảo vệ giàn khoan. Theo đó, một nhóm bảo vệ cách giàn khoan 8-10 hải lý, nhóm còn lại bảo vệ vòng ngoài, cản trở các tàu chấp pháp của Việt Nam trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. (Xem chi tiết)
Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Trần Đình Nhã cho biết, rất nhiều tình huống đối phó đã được dự liệu, song áp dụng cấp độ nào thì còn tùy thuộc thái độ và hành động tới đây của phía Trung Quốc. Trường hợp Trung Quốc vẫn khăng khăng lập trường như thời gian qua, Việt Nam phải kiện ra tòa án quốc tế.
Trước thông tin xung đột quanh giàn khoan Hải Dương 981 trái phép của Trung Quốc là “tranh chấp biển đảo”, hôm qua, Thượng tá Trần Quang Tuấn - Phó Chỉ huy trưởng Vùng Cảnh sát biển 2 khẳng định: Chúng ta bảo vệ chủ quyền chứ không phải tranh chấp biển đảo. (Xem chi tiết)
Căng thẳng gia tăng tại biển Đông và những áp lực tới an ninh khu vực là chủ đề của cuộc tọa đàm khai mạc sáng 28/5 tại Singapore. Các học giả cho rằng, Trung Quốc ngày càng bộc lộ tham vọng thống trị Biển Đông bất chấp luật lệ quốc tế, lẩn tránh trách nhiệm với cộng đồng quốc tế và thậm chí vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của các nước khác, mà rõ ràng nhất việc triển khai trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. (Xem chi tiết)
Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 28/5 tuyên bố sẽ buộc Trung Quốc phải có trách nhiệm đối với các nguyên tắc và luật pháp quốc tế trên Biển Đông, cũng như tại các khu vực khác, đồng thời cảnh báo Mỹ đã sẵn sàng đáp trả "sự gây hấn" của Trung Quốc. Ông chủ Nhà Trắng khẳng định, quân sự sẽ "luôn luôn là xương sống cho vai trò lãnh đạo của Mỹ trên thế giới”.
Bộ Ngoại giao Mỹ hôm qua 28/5 khuyến cáo công dân nước này lập tức rời khỏi Libya, đồng thời đưa tàu khu trục tới ngoài khơi Libya đề phòng phải sơ tán cả đại sứ quán.
Theo thông báo, những công dân nước ngoài, đặc biệt là người Mỹ, ở Libya có thể bị cho là có liên quan đến chính phủ Mỹ hoặc tổ chức phi lợi nhuận Mỹ. Họ có thể trở thành mục tiêu bắt cóc, tấn công bạo lực hoặc bị giết. "Công dân Mỹ hết sức cẩn trọng và rời khỏi Libya ngay lập tức".
Trong cuộc họp báo ngày 28/5, ông Ahn Dai-hee đã tuyên bố từ bỏ tư cách người được Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye chỉ định cho vị trí Thủ tướng mới của nước này.
Ông Ahn Dai-hee cho biết, mình còn khiếm khuyết nhiều mặt, nếu giữ chức thủ tướng sẽ trở thành gánh nặng cho chính phủ. Trong buổi họp báo, vị thẩm phán 59 tuổi này đã bày tỏ xin lỗi trước sự tín nhiệm và ủng hộ của Tổng thống Park Geun-hye.
Tân Tổng thống Ukraine Poroshenko phát biểu, Ukraine cần viện trợ trực tiếp từ Mỹ, trong lĩnh vực hỗ trợ quân sự và hỗ trợ tham mưu. Tân Tổng thống Ukraine cũng nêu rõ quan điểm sẵn sàng hợp tác với Nga.
Ông cũng cho hay, đã chuẩn bị cho sự thỏa hiệp về tất cả các vấn đề, ngoại trừ tuyên bố của Ukraine về Crimea và quyết định của Kiev trong việc tiến tới một thỏa thuận liên kết kinh tế với Liên minh châu Âu.
Thị trưởng mới được bầu của Thủ đô Kiev, ông Vitaly Klitschko hôm 28/5 đã kêu gọi những người dân Ukraine còn đang biểu tình tại quảng trường Maidan trở về nhà.
Tuy nhiên, những người biểu tình đóng trại tại quảng trường Maidan từ 6 tháng qua cho biết sẽ chỉ rời quảng trường này với điều kiện Tổng thống đắc cử công bố ngày bầu cử Quốc hội và ổn định tình hình miền Đông.