Băn khoăn nhà khoa học Việt Nam bị tạp chí quốc tế gỡ bài báo

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Vừa qua, một số tác giả người Việt có tên trong bài báo khoa học bị tạp chí quốc tế gỡ. Điều đáng nói, khi sự việc được thông tin, các tác giả đều tìm cách phủ định việc có liên quan đến bài báo.

Một đại học có 3 tác giả bị gỡ bài

Ngày 14/3, bài báo của nhóm tác giả nghiên cứu người Trung Quốc, Việt Nam, Ghana, Eswatini được xuất bản trực tuyến ngày 13/4/2021 bị tạp chí Environmental Science and Pollution Research thuộc Nhà xuất bản (NXB) Springer gỡ bỏ vì kết quả điều tra cho thấy bài báo này nằm trong một nhóm bài có nhiều vấn đề: quy trình bình duyệt bị lũng đoạn; trích dẫn các tài liệu tham khảo không phù hợp hoặc không liên quan; chứa nhiều cụm từ không chuẩn. GS.TS Võ Xuân Vinh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh doanh, ĐH Kinh tế TPHCM (UEH) là tác giả thứ 5 trong số 9 tác giả của công trình này.

Băn khoăn nhà khoa học Việt Nam bị tạp chí quốc tế gỡ bài báo ảnh 1

Sinh viên trong phòng nghiên cứu. Ảnh minh họa. Ảnh: VNU

Năm 2023, tạp chí Optik chuyên về lĩnh vực quang học thuộc NXB Elsevier, cũng gỡ bỏ bài báo xuất bản năm 2022 của nhóm 6 tác giả Saudi Arabia, Uzbekistan, Ấn Độ và Việt Nam. PGS.TS Phạm Quang Huy, Phó Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Kinh tế TPHCM là tác giả cuối của bài báo.

Tạp chí Optik cho hay đã nhận được cảnh báo về một bài báo có tiêu đề rất giống bài báo của nhóm tác giả Phạm Quang Huy (nộp cho tạp chí này ngày 21/9/2022) được rao bán các vị trí tác giả trên Facebook vào ngày 4/9/2022. Bài báo còn chứa những cụm từ bị xuyên tạc thường do các phần mềm tạo ra để che giấu đạo văn. Các nhà khoa học nhận định có thể nhóm tác giả bài báo trên đã dùng tiểu xảo để tránh phát hiện đạo văn bằng cách thay từ thông dụng.

Năm 2022, tạp chí Environmental Science and Pollution Research của NXB Springer cũng rút một bài báo của nhóm tác giả người Trung Quốc, Việt Nam. Th.S Ngô Quang Thành, Khoa Quản lí nhà nước, ĐH Kinh tế TPHCM là tác giả người Việt của bài báo này. Lí do tạp chí gỡ bỏ bài báo là do số liệu được cung cấp trong bảng 2-4 không chính xác. Thêm nữa, một lượng lớn tài liệu tham khảo được trích dẫn trong bài báo không hỗ trợ/không liên quan đến các tuyên bố của tác giả.

Việc các nhà khoa học Việt bị gỡ bài trên tạp chí quốc tế không còn hiếm gặp thời gian gần đây. Năm 2023, Tạp chí Journal of Environmental Management thuộc NXB Elsevier thông báo về việc gỡ bỏ bài báo quốc tế của nhóm tác giả Việt Nam đứng tên tại một số trường ĐH ở Việt Nam và Hàn Quốc được xuất bản tháng 8/2018.

Thông báo nêu rõ, bài báo được gỡ bỏ theo yêu cầu của Tổng biên tập sau khi phát hiện nội dung bài viết được sao chép từ một bài báo đã xuất bản trước đó 2 năm trên tạp chí Bioresource Technology.

Đóng vai “nạn nhân”?

Thông tin tới báo chí, ĐH Kinh tế TPHCM cho biết đã làm việc và lập biên bản ghi nhận, xử lý vụ việc với ông Vinh vào ngày 27/3. Tại buổi làm việc, ông Vinh cho biết sau khi phát hiện bị lạm danh đã chủ động liên hệ Tổng biên tập tạp chí từ ngày 15/2 với khẳng định không liên quan đến bài báo và đề nghị tạp chí xóa tên mình ra khỏi bài báo.

Ngày 21/3, ông Vinh nhận được email hồi đáp từ Tổng biên tập tạp chí cho biết tác giả Mohammed Musah (tác thứ nhất của bài báo) đã gửi thư cho Tổng biên tập xác nhận về việc tự ý đưa tên ông vào bài báo mà không có sự đồng thuận, đồng thời, xin lỗi về sự việc này.

Trước đó, ông Huy cũng giải trình với Trường ĐH Kinh tế TPHCM rằng có hỗ trợ, cung cấp dữ liệu thứ cấp trong kinh tế, tài chính, kế toán cho người bạn đang làm việc tại một trường ĐH nên người này đề nghị đưa tên ông vào bài báo như lời cảm ơn. Ông Huy khẳng định không tham gia viết, chỉ chỉnh sửa hình thức. Nhận được bản thảo trước khi gửi đi có ghi tên mình, ông Huy không ý kiến. Khi bài được đăng, ông Huy có làm thủ tục hỗ trợ từ trường và được thưởng theo quy định. Sau khi sự việc được báo chí thông tin, nhận thấy có lỗi nên ông Huy hoàn trả nhà trường phần kinh phí này.

Trao đổi với phóng viên, ông Ngô Quang Thành khẳng định đã email và nói không đồng ý với quyết định của tạp chí. Ông Thành cho biết thêm đã nghỉ công tác tại Trường ĐH Kinh tế TPHCM từ tháng 11/2023 và đang ở nước ngoài. Tuy nhiên, trong thông báo, tạp chí Environmental Science and Pollution Research nơi rút bài báo của ông Thành khẳng định ông là 1 trong 3 tác giả của bài báo đã không trả lời bất kỳ thư từ nào từ biên tập viên hoặc nhà xuất bản về việc rút lại này.

Như vậy theo như giải trình của các tác giả, hoặc họ vô can và là nạn nhân của việc bị thêm tên vào bài báo hoặc họ lờ đi, đã nhận tiền thưởng bài báo của trường nhưng khi bị phát hiện mới nhận thức được vấn đề và mang trả lại.

Theo tìm hiểu của phóng viên, truy suất từ Cơ sở dữ liệu Web of Science (ISI) của Mỹ, ông Võ Xuân Vinh hiện đã công bố 302 bài ISI đứng tên ĐH Kinh Tế TPHCM, và là người công bố nhiều nhất của trường ĐH này. Do đó, số bài Scopus hay bài báo khoa học nói chung của ông Vinh phải hơn rất nhiều so với con số 302 bài ISI. Như vậy con số 225 bài báo bài ông Vinh đã nói là không đúng. Trong số 302 bài ISI của ông Vinh đứng tên ĐH Kinh tế TPHCM có đến 233 bài (77%) đứng chung với các tác giả nước ngoài, chủ yếu đến từ Trung Đông, Nam Á, Châu Phi, Trung Quốc. Và những tác giả nước ngoài này cũng đứng nhiều bài có tên của ĐH Kinh tế TPHCM. Còn ông Ngô Quang Thành có 48/56 bài ISI đứng tên ĐH Kinh tế TPHCM; 37/56 bài đứng chung với nhiều tác giả từ Trung Quốc, Nam Á, Trung Đông.

Một điều băn khoăn là dù ông Vinh phủ định không biết các tác giả lạm danh trong bài báo bị tạp chí gỡ, nhưng thực tế, bài báo này đã được đưa vào thư viện điện tử của ĐH Kinh tế TPHCM. Sau khi truyền thông lên tiếng, bài báo đã bị rút khỏi hệ thống thư viện của trường.

Chia sẻ về thực trạng này, TS Dương Tú, Nhà nghiên cứu, ĐH Purdue, Hoa Kỳ cho hay thực tế có khả năng xảy ra chuyện một tác giả bị lạm danh, có tên trong bài báo mà họ không biết. Động cơ phổ biến nhất của hiện tượng lạm danh là việc đưa tên những nhà nghiên cứu uy tín từ các trường ĐH nổi tiếng thế giới làm tác giả có thể lợi dụng được thiên kiến của Ban biên tập tạp chí và chuyên gia phản biện, giúp bài báo dễ được chấp nhận công bố hơn.

Trong phần lớn trường hợp, người lạm danh và tác giả bị lạm danh không có quan hệ gì với nhau, chưa từng hợp tác trong quá khứ. Khi tác giả có tên trong bài báo bị gỡ khẳng định không liên quan, TS Dương Tú chỉ ra một số dấu hiệu nhận biết khả năng tác giả đó đang đóng vai “nạn nhân” như địa chỉ thư điện tử của tác giả dùng trong bài báo là email học thuật chứ không phải từ các dịch vụ thư tín công cộng; tác giả có quen biết hoặc đã từng hợp tác với tác giả chính của bài báo, từng đứng tên chung trong các bài báo khác; tác giả không phải nhà nghiên cứu uy tín làm việc tại trường đại học nổi tiếng thế giới; tác giả liệt kê bài báo vào hồ sơ khoa học trên trang web của cơ quan, hoặc đưa vào lý lịch khoa học; tác giả dùng bài báo (được cho là lạm danh) để nhận thành tích, khen thưởng…

Sau vụ việc, GS Võ Xuân Vinh có đơn xin rút khỏi hội đồng liêm chính học thuật và hội đồng giáo sư cơ sở ĐH Kinh tế TPHCM năm 2024 và được nhà trường chấp thuận.

MỚI - NÓNG