Nghi vấn mua bài báo khoa học
TS Dương Tú, ĐH Purdue, Mỹ cho biết nghiên cứu mới nhất của TS Anna Abalkina, ĐH Tự do Berlin, Đức vừa được công bố trên tạp chí Learned Publishing có nội dung về hàng trăm bài báo có chung nguồn gốc từ một công xưởng bán bài báo rởm ở Nga.
Trong nghiên cứu này, TS Abalkina đã phân tích 1.065 mẩu quảng cáo bán vị trí tác giả bài báo của công xưởng mang tên International Publisher LLC trên trang web 123mi.ru. Bằng cách đối chiếu thông tin trong các mẩu quảng cáo với các bài báo đã công bố, TS Abalkina phát hiện ít nhất 451 bài báo rởm từ công xưởng Nga đã được đăng trót lọt trên cả các tạp chí chính thống lẫn săn mồi (Predatory journals - được hiểu một cách đơn giản là tạp chí giả danh tạp chí khoa học chuyên xuất bản những bài báo kém chất lượng. Những tạp chí này không thuộc bất cứ một hiệp hội khoa học nào và cũng không có cơ chế bình duyệt bài báo chuẩn mực).
Tác giả của các bài báo mua từ công xưởng Nga đến từ 39 quốc gia. Giá bán mỗi vị trí tác giả bài báo dao động từ vài trăm đến 5.000 USD. Theo đó, các tác giả đã bỏ ra số tiền ước tính tầm 6,5 triệu USD để mua bài trong khoảng thời gian từ 2019 đến 2021.
Liêm chính cần được đặt ra một cách nghiêm túc trong nghiên cứu khoa học (ảnh chỉ mang tính chất minh họa) |
TS. Tú cho biết, nghiên cứu của TS Abalkina chỉ ra rằng Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia mua bài nhiều nhất từ công xưởng Nga với 9 vị trí tác giả. Số khách hàng Việt Nam, theo TS Abalkina, trên thực tế còn có thể nhiều hơn. Ông Tú thông tin, từ tháng 11/2022, khi nghiên cứu này mới chỉ được công bố dưới dạng tiền ấn phẩm, ông đã liên hệ với TS Abalkina để tìm hiểu về các tác giả Việt Nam được cho là đã mua bài từ công xưởng Nga. Từ gợi ý của TS Abalkina, nhóm của ông đã xác định được 7 khách hàng Việt Nam có tên trong các bài báo bị nghi là đi mua bài. Trong đó có 1 tác giả đã được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư (PGS) năm 2021 của ngành Y.
Vừa qua, Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ (NAFOSTED) ban hành quy định về liêm chính nghiên cứu. Nghị định số 109 của Chính phủ ban hành cuối năm ngoái lần đầu tiên yêu cầu các cơ sở giáo dục ĐH phải ban hành bộ quy tắc về liêm chính học thuật cũng như có công cụ kiểm soát và biện pháp xử lý vi phạm để ngăn chặn hành vi đạo văn, gian lận và bịa đặt trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Ông Tú nói rằng, đó là tác giả T.Đ.C. Trong hồ sơ xét PGS của ông C. có 2 bài báo (bài số 63 & 68) từng được rao bán trên trang web 123mi.ru nhiều tháng trước khi chúng được công bố. Bài đầu tiên công bố tháng 6/2020 trên tạp chí Journal of Global Pharma Technology, đã được rao bán trên 123mi.ru muộn nhất từ ngày 2/5/2020 với mã số bài là 807. Bài thứ hai đăng ngày 1/2/2021 trên Bangladesh Journal of Medical Science, được 123mi.ru rao bán muộn nhất từ ngày 26/2/2020 (trước thời điểm công bố khoảng 1 năm) với mã số bài là 860.
Người được nhắc đến nữa là TS P.K.H của Trường ĐH T và ThS. B.A.T của Trường ĐH C.Th. Bài đầu tiên của TS. P.K.H và bài thứ hai của TS. P.LK.H và ThS B.A. T công bố liền nhau cùng ngày 21/10/2019 trên cùng Tập 35, Số 4 của tạp chí Digital Scholarship in the Humanities. Cả hai bài này đều đã được rao bán trên 123mi.ru muộn nhất từ ngày 7/6/2019 với mã số bài lần lượt là 420 và 419.
Ngoài ra còn 2 tác giả ở Trường ĐH G cũng thuộc danh sách này. Trong đó, một bài đăng tháng 10/2020 trên tạp chí International Journal of Supply Chain Management (tạp chí này đã bị loại khỏi Scopus vào năm 2020 do quan ngại về hành vi xuất bản đáng ngờ), đã được rao bán trên 123mi.ru muộn nhất vào ngày 2/5/2020 với mã số bài là 1004. Còn hai tác giả có tên trong một bài báo công bố ngày 17/8/2021 trên Journal of Public Affairs, đã được 123mi.ru rao bán muộn nhất từ ngày 5/3/2021 với mã số bài là 1808. trong đó một tác giả đến từ học viện C và một tác giả đến từ Trường ĐH V.
Ông Tú nói rằng, trong số các bài báo của tác giả Việt Nam bị nghi mua từ công xưởng Nga, có 2 bài bị các tạp chí gỡ bỏ. Đó là bài báo của TS P.K.H và B.A.T bị gỡ bỏ ngày 15/3; bài báo của hai tác giả đến từ Học viện C và Trường ĐH V bị gỡ bỏ tháng 2 vừa qua.
Khi nào mới xử lý?
Trao đổi với phóng viên, PGS.TS Trần Anh Tuấn, Chánh văn phòng Hội đồng Giáo sư Nhà nước, cho biết trường hợp PGS. T.Đ.C, Hội đồng đã chuyển thông tin tới Hội đồng Giáo sư ngành Y để làm rõ. Tuy nhiên, hiện nay các Hội đồng Giáo sư ngành/liên ngành đang trong giai đoạn xét duyệt ứng viên GS, PGS 2023 nên chưa thể thực hiện việc rà soát thông tin về PGS T.Đ.C. Còn về phía Trường ĐH G, đại diện nhà trường cho biết sau khi có thông tin, đã tổ chức rà soát và hai tác giả không sử dụng bài báo được nhắc đến vào bất cứ mục đích gì nên nhà trường không có căn cứ để xử lí.
TS Tú cho rằng, tại Việt Nam, ngoài những tình huống liên quan liêm chính khoa học đã được thảo luận nhiều lần, có một hành vi gian lận trắng trợn và nguy hiểm hơn mới bị phát hiện gần đây. Đó là nhà nghiên cứu mua bài từ các dịch vụ sản xuất và bán bài báo rởm. “Chỉ mới vài tuần trước, một bài báo khác của tác giả Việt Nam bị gỡ bỏ vì nghi vấn mua bài, trong khi tác giả bài báo thừa nhận không tham gia viết. Gian lận khoa học và vi phạm liêm chính không chỉ xuất hiện ở Mỹ hay Việt Nam mà đang diễn ra ở mọi quốc gia. Sự khác biệt quan trọng nằm ở chỗ các hành vi sai trái sẽ bị xử lý như thế nào”, ông Tú nhận định.
Theo ông, mặc dù còn nhiều vấn đề và rất lâu nữa mới hoàn hảo, ít nhất các ĐH Mỹ đã nghiêm túc điều tra và xử lý những trường hợp gian lận. Trong khi đó, tại Việt Nam, rất ít vụ việc gian lận khoa học bị xử lý và chưa có bất kỳ trường hợp mua bài nào bị xử lý hay phải chịu hậu quả.