Cần chấm dứt tình trạng ‘sùng bái’ bài báo khoa học quốc tế

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Theo một số chuyên gia, việc đánh giá nhà khoa học dựa vào tiêu chí định lượng bài báo khoa học đăng trên tạp chí quốc tế đang bộc lộ những bất cập và thậm chí còn là những bi kịch như trong thời gian vừa qua.

TS Phạm Phương Chi, Viện Văn học, Hội đồng Văn học và Ngôn ngữ, Quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (Nafosted) chia sẻ khi còn đang học sau ĐH ở Mỹ, bà không có khái niệm tiêu chuẩn đánh giá nhà khoa học phải dựa vào tiêu chí đăng bài báo khoa học trên các tạp chí ISI hay Scopus (hai hệ thống đánh giá tạp chí được cho là uy tín trên thế giới).

Đến khi về Việt Nam, bà Chi luôn đặt câu hỏi tại sao lại có tiêu chuẩn này. Ngoài trải nghiệm cá nhân, bà Chi có tham khảo ý kiến thầy cô giáo của mình ở Đức hay ở Mỹ, họ cũng không có khái niệm về tạp chí ISI hay Scopus.

Cần chấm dứt tình trạng ‘sùng bái’ bài báo khoa học quốc tế ảnh 1

Nhà khoa học làm việc trong phòng thí nghiệm. Ảnh: minh họa

“Họ luôn cố gắng đăng bài nghiên cứu của mình ở tạp chí tại các trường ĐH vì như thế sẽ đánh giá cao”, bà Chi nói.

Bà Chi băn khoăn, việc ở Việt Nam dựa vào các tạp chí thuộc các hệ thống này để đánh giá, nhưng đã bao giờ tìm hiểu quá trình của các tạp chí được xét duyệt vào các danh mục này chưa.

“Tôi có tham gia đề xuất các tạp chí ở các nước vào các danh mục này, tôi có nắm, tìm hiểu tiêu chí. Nhưng việc dựa vào các tạp chí trong hệ thống này chỉ mang tính chất tương đối”, bà Chi thông tin.

Đồng thời khẳng định quan trọng nhất là vấn đề con người. Nhà khoa học và trong hội đồng của chính ngành đó sẽ đánh giá năng lực, liêm chính, đạo đức của họ. Tức Hội đồng phải đủ năng lực liêm chính, chứ không phải dựa vào tạp chí ở danh mục, hay bảng xếp hạng, nhà xuất bản nọ kia mà đương nhiên công nhận bài báo đó liêm chính.

Bà Chi đề nghị cần thắt chặt định nghĩa thế nào là bài báo quốc tế uy tín. Những tiêu chí về tạp chí uy tín được Quỹ Nafosted hay Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước đưa ra khi xét duyệt đề tài, chức danh, các ứng viên có thể lách được kẽ hở của chính những cơ sở dữ liệu ISI, Scopus. Vì có những tạp chí kém chất lượng chỉ tồn tại trong cơ sở dữ liệu này một thời gian ngắn vừa đủ để nghiệm thu đề tài và vừa vặn lọt qua một lần xét duyệt.

Lựa chọn tiêu chí các thành viên xét duyệt đề tài hoặc các hội đồng chức danh cần nâng cao năng lực cũng như liêm chính của thành viên của các hội đồng.

GS.TS Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội, cho biết lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn bị nói nhiều nhất, bị bàn thảo nhiều nhất về liêm chính khoa học, nhưng lại bị vướng nhiều nhất do những quan niệm không đúng về đánh giá sản phẩm khoa học. Trong các quy định hiện hành, bài báo khoa học về căn bản đang được định nghĩa là bài đăng trên tạp chí. Trong khi đó, một sản phẩm khoa học phổ biến của các nhà khoa học trong lĩnh vực này là sách.

Theo ông Tuấn cần định nghĩa lại, bài báo khoa học là sản phẩm sản phẩm khoa học được đăng tải trên tạp chí hoặc sách.

Xây dựng hệ thống dữ liệu quốc gia vững mạnh

Ông Lê Quốc Hội, Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế và Phát triển, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân đề xuất cần đầu tư để phát triển mạnh tạp chí trong nước.

“Bài học kinh nghiệm từ Thái Lan cách đây 20 năm cũng giống tình trạng của Việt Nam hiện nay. Khi đó, công bố quốc tế của họ tốt nhưng ít tạp chí trong nước đạt chuẩn quốc tế. Họ nhận thấy nền khoa học trong nước giống như cơ thể đang bị lệch”, ông Hội nói.

Đồng thời khẳng định quốc tế hóa của Việt Nam cũng đang bị lệch vì liên kết đào tạo quốc, công bố quốc tế tốt nhưng hội nhập chưa tốt. Đến thời điểm hiện tại mới chỉ có 13 tạp chí vào danh mục ISI, Scopus.

Các tạp chí của Việt Nam chưa có văn hóa cùng nhau phát triển, cùng nhau nỗ lực, chưa có cơ chế nâng tầm tạp chí từ yêu cầu bắt buộc.

Theo ông Hội chia sẻ, Thái Lan, sau khi nhận thức được vấn đề đã thành lập hệ thống trích dẫn quốc gia từ đó tạo nên mặt bằng cạnh tranh giữa các tạp chí trong nước. Từ hệ trích dẫn quốc gia, Thái Lan mới tiệm cận được với quốc tế. Đến nay họ có 60 tạp chí vào Scopus trong 10 năm.

Do đó, ông Hội cho rằng trước hết cần tạo ra cơ sở dữ liệu tiền đề cho hệ thống trích dẫn quốc gia Việt Nam để đánh giá xếp hạng các tạp chí và đưa ra được các tiêu chuẩn thế nào là một tạp chí khoa học. Có tiêu chí định tính, có tiêu chí định lượng, không cần phải sáng tạo các tiêu chí mà có thể áp dụng ngay tiêu chí của ACI (hệ thống cơ sở dữ liệu của các nước Asean). ACI hiện nay đưa ra 10 tiêu chí. Hội đồng này lựa chọn mỗi nước 2 chuyên gia hàng đầu trong mỗi lĩnh vực để đánh giá.

Ông Trần Hồng Thái, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho hay ông cũng băn khoăn vấn đề đề cao quá mức bài báo ISI/Scopus mà không quan tâm chất lượng thực của sản phẩm khoa học cụ thể. Tuy nhiên, ông Thái cho rằng sở dĩ có sự đề cao này bởi trước kia chúng ta chưa có đội ngũ khoa học công nghệ phản biện vững chắc, nhưng hiện nay ta đã có.

Bà Chi đề nghị cần thắt chặt định nghĩa thế nào là tạp chí quốc tế uy tín. Quy định là tạp chí trong danh mục uy tín chưa đủ mà còn phải thêm vào yếu tố không có những dấu hiệu của tạp chí kém chất lượng như: tạp chí được xuất bản bởi các NXB kém chất lượng hoặc tổ chức khoa học giả mạo, tạp chí có thời gian đăng bài nhanh (dưới 6 tháng), yêu cầu đóng phí đăng bài (khác với phí open access). Ngoài ra cũng cần xem xét cả yếu tố thành viên của ban biên tập tạp chí đó có lý lịch khoa học rõ ràng hay không, họ có tham gia các cơ quan học thuật hay không!

"Với tạp chí uy tín, sau khi gửi bài sẽ có quá trình xét duyệt nội bộ ít nhất là 3 tháng, qua được vòng này được gửi đi phản biện và quá trình này thường kéo dài 3 - 6 tháng, thậm chí là 1 năm. Kết quả phản biện luôn yêu cầu sửa rất nhiều cả nội dung và hình thức (trong trường hợp đồng ý cho sửa, không bị từ chối). Nên quá trình gửi bài cho đến lúc đăng bài với ngành của tôi thường là 2 năm", bà Chi nói.

MỚI - NÓNG