Vụ cô mắng trò ‘khốn nạn’: Liệu có nên cảm thông với nhà giáo?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Các nhà giáo, chuyên gia giáo dục cho rằng, từ một vụ việc cụ thể giáo viên ngữ văn mắng học sinh liên tục trong phút là "mất dạy", "khốn nạn", "mặt trơ trơ như chó" chỉ vì học sinh không tập trung trong giờ học… chúng ta có thể thấy rất nhiều vấn đề và nhiều bài học ở đây.

Sự việc giáo viên ngữ văn mắng học sinh "mất dạy", "khốn nạn", "mặt trơ trơ như chó" và đuổi ra khỏi lớp vì học sinh không tập trung trong giờ học xảy ra tại Trường THCS Trần Phú (Tuyên Quang).

Sau khi tiếp nhận thông tin, nhà trường đã có nhiều buổi làm việc với giáo viên, yêu cầu cô tường trình, kiểm điểm và rút kinh nghiệm. Hiệu trưởng nhà trường nhận định hành vi của cô là sai và đã kiểm điểm giáo viên. Đồng thời, ông đánh giá chuyên môn của cô giáo "vững vàng", cô tâm huyết, nhiệt tình nhưng "thắng thắn, nóng tính".

Cô Nguyễn Thị Huyền Thảo, giáo viên trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TPHCM) cho rằng, nhìn ở góc độ môi trường sư phạm thì phát ngôn của cô với học sinh về cơ bản là không phù hợp.

Tuy nhiên, cô Thảo cho rằng, có thể chia sẻ với những áp lực mà cô đang mang có thể là công việc hoặc cá nhân nên một phút mất kiểm soát và khiến cho những ngôn từ phát ra chưa phù hợp.

“Nhưng nếu chỉ vì câu nói mất kiểm soát mà kỷ luật cô thì cũng khổ cho cô. Nên chăng nhắc nhở chung và để cô rút kinh nghiệm”- cô Huyền Thảo nêu quan điểm.

Từ kinh nghiệm bản thân, cô Thảo cho rằng, khi vào lớp quá ồn, giáo viên ai cũng khó chịu nhưng cô chọn giải pháp chia sẻ với các em “hôm nay cô mệt, sức khoẻ chưa tốt mong các bạn thông cảm và đừng ồn. Vì ồn cô sẽ rất khó chịu

“ Mình chia sẻ với các bạn học sinh như vậy thì các bạn hiểu và cũng không ồn. Nên chăng chúng ta cứ thẳng thắn chia sẻ cảm xúc với các em và đừng “ gồng” quá sức để rồi khi mất kiểm soát lại dễ xảy ra tai nạn nghề nghiệp”- cô Thảo cho hay.

Cô Nguyễn Thu Hương, giáo viên dạy Hóa- Sinh của Hà Nội cho rằng, thực sự môi trường giáo dục bây giờ đầy áp lực.

"Có những học sinh quá láo, ở nhà bố mẹ còn không dạy bảo được. Đến trường như các "con ông giời". Tuy nhiên, giáo viên có nói tý thì giờ quay lên mạng xã hội rất dễ xảy ra tai nạn nghề nghiệp"- vị giáo viên này chia sẻ.

Cũng theo cô Hương, giáo viên dù áp lực công việc và quá tải dẫn đến kiệt quệ về tâm lý thì cũng cần biết kiểm soát cảm xúc của chính mình.

Có nên cảm thông với nhà giáo?

Nhận định về sự việc sau khi xem clip cô giáo mắng học sinh, trả lời phóng viên báo Tiền Phong, PGS.TS Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội - nêu quan điểm:

Ông Nam khẳng định hành vi mắng chửi học sinh trong lớp học là hành vi vi phạm chuẩn mực nhà giáo, không thể chấp nhận nhưng nó thường là kết quả của một loạt áp lực về cả cuộc sống cá nhân lẫn chuyên môn của người đứng lớp.

“Có thể giáo viên đã quá tải với cường độ công việc cao từ quản lý lớp học, chuẩn bị bài, chấm bài, cập nhật công nghệ, đổi mới chương trình và rất nhiều các hoạt động để đáp ứng các chỉ tiêu. Áp lực công việc và quá tải dẫn đến kiệt quệ về tâm lý và mất kiểm soát cảm xúc”- vị Phó hiệu trưởng nêu quan điểm.

Ông Nam cho rằng, có thể nhiều giáo viên vẫn thiếu kỹ năng quản lý lớp học do không thật sự hiểu đúng tâm lý của thế hệ học sinh GenZ và GenAlpha.

Có thể cuộc sống cá nhân của mỗi người cũng đang gặp những sóng gió, môi trường làm việc hiện tại thiếu hỗ trợ, thiếu các nguồn lực, bị bó buộc bởi các nguyên tắc bất thành văn làm tăng cảm giác bất lực, thất vọng của người giáo viên dẫn đến việc phản ứng một cách tiêu cực quá mức đối với người học

Bản thân giáo viên cũng có thể có những kỳ vọng không hợp lý, những niềm tin cứng nhắc làm gia tăng sự ấm ức và giận dữ. Ví dụ như niềm tin rằng tất cả học sinh phải theo khuôn mẫu, nhất nhất phục tùng vô điều kiện, ngoại cảnh phải theo ý mình.

“Trong một tình huống cụ thể trên, giáo viên chỉ vì không kiểm soát được cảm xúc cá nhân, chỉ vì giận dữ với một học sinh mà đã làm hỏng đi cả một tiết học, làm tổn hại tinh thần không chỉ của những học sinh bị nhắc nhở mà còn ảnh hưởng đến tất cả những học sinh đang ngồi trong lớp phải lắng nghe”- ông Nam chia sẻ.

Rõ ràng, cô càng chỉ trích học trò, sự giận dữ trong cô càng lớn, cô càng cảm thấy mình không được tôn trọng, mình bất lực, mình không được ghi nhận. Những cảm xúc tiêu cực này càng nói sẽ càng lớn lên trong chúng ta khiến hành động và lời nói của chúng ta ngày càng trở nên cay nghiệt, ngày càng trở nên mất kiểm soát, ngày càng vi phạm chuẩn mực hơn.

Vì thế ông Nam cho rằng, nhà giáo dục phải sử dụng tấm gương nhân cách của mình để dạy học trò. Và vì thế những hành vi vi phạm chuẩn mực không được phép diễn ra trên thánh đường giáo dục. Nhưng cũng hãy có một cách nhìn thông cảm với người giáo viên.

“Họ cần được chăm sóc tốt hơn về sức khỏe tinh thần và được tạo điều kiện thuận lợi hơn để làm việc. Mỗi nhà giáo cần có kỹ năng tự chăm sóc sức khỏe tâm thần của chính mình, để biết cân bằng cảm xúc, để có thể tạm thời bỏ qua mọi lo toan áp lực cuộc sống, công việc để thật bình an và vui vẻ trước khi bước vào cánh cửa lớp học của mình”- nhà tâm lý này nêu quan điểm.

MỚI - NÓNG