Bác sĩ mắc Covid-19, Thứ trưởng Bộ Y tế nói gì?

Hai nhân viên y tế mắc Covid-19 đang được điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương Nguồn: NLĐ
Hai nhân viên y tế mắc Covid-19 đang được điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương Nguồn: NLĐ
TP - PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng, trong quá trình thao tác có thể bác sĩ tiếp xúc gần với đường thở của bệnh nhân Covid-19 nên đã lây virus.

PGS.TS Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư cho biết, để đảm bảo an toàn điều trị, bệnh viện phân luồng, sàng lọc, cách ly người nhiễm, nghi nhiễm riêng, hướng dẫn nhân viên sử dụng thiết bị bảo hộ để đảm bảo an toàn công tác khám chữa bệnh. Từ nhiều tuần nay, các nhân viên y tế đều ở lại bệnh viện 24/24h để phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của người bệnh và cũng là tự cách ly để tránh nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng.

Tuy nhiên điều không mong muốn đã xảy ra khi một bác sĩ thường xuyên làm việc trong môi trường phòng áp lực âm, tiếp xúc với nhiều bệnh nhân nặng, nhiều ngày nên đã mắc Covid-19. Bác sĩ đầu tiên của Việt Nam (ca bệnh 116) bị Covid-19 trong quá trình điều trị bệnh nhân là nam bác sĩ 29 tuổi, làm việc tại Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư). Hằng ngày bác sĩ này tham gia khám sàng lọc các bệnh nhân nghi mắc Covid-19 đến bệnh viện, điều trị những bệnh nhân được chẩn đoán dương tính và tham gia cấp cứu một số bệnh nhân nặng.

Nhận định về nguyên nhân bác sĩ mắc bệnh Covid-19 do nhiễm chéo từ người bệnh, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng, trong quá trình thao tác có thể bác sĩ tiếp xúc gần với đường thở của bệnh nhân Covid-19 nên đã lây virus. Ngay khi có thông tin về ca bệnh, Bộ Y tế đã chỉ đạo ban giám đốc bệnh viện rà soát lại nhân viên khoa Cấp cứu. Đến nay, 28 nhân viên đã được kiểm tra, xét nghiệm lần 1 cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2.

Tại Bệnh viện Bạch Mai, nơi đã ghi nhận chính thức 2 nữ điều dưỡng viên mắc Covid-19, bệnh viện này cho biết các nhân viên y tế tiếp xúc trực tiếp với ca bệnh số 86 và 87 được sắp xếp cách ly tại khu nhà mới 9 tầng. Trong lần xét nghiệm thứ nhất, tất cả các mẫu xét nghiệm đều cho kết quả âm tính. Các bác sĩ đang chuẩn bị cho xét nghiệm lần 2. Các cán bộ y tế tại khu vực cách ly hiện vẫn đang khỏe mạnh và mong hết thời hạn cách ly để quay lại công việc chăm sóc và điều trị bệnh nhân.

Nhận định về nguy cơ nhiễm bệnh đối với các nhân viên y tế - những người ở tuyến đầu trong điều trị bệnh nhân mắc Covid-19, TS. Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu cho biết, nhân viên y tế thường xuyên tiếp xúc với ca bệnh Covid-19 sẽ luôn phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm bất cứ lúc nào. Tại khoa Cấp cứu đang điều trị cho nhiều bệnh nhân mắc Covid-19. Hằng ngày, các bác sĩ và điều dưỡng đã phải chia ca kíp để điều trị, khám, chăm sóc cho các bệnh nhân.

“Ngay từ khi bắt đầu nhận nhiệm vụ tiếp nhận điều trị bệnh nhân Covid-19 và người đến cách ly, bệnh viện luôn đặt công tác phòng hộ, bảo vệ nhân viên y tế lên hàng đầu. Tất cả nhân viên y tế tiếp xúc gần với bệnh nhân và người cách ly đều phải mặc những bộ quần áo bảo hộ theo tiêu chuẩn mà Bộ Y tế quy định, khẩu trang cũng là khẩu trang N95. Tại Khoa Cấp cứu, mỗi nhân viên làm việc 8 giờ sẽ được nghỉ 1 lần giữa ca sau 4 giờ làm việc để giải quyết các vấn đề cá nhân nhưng ngay cả việc cởi bỏ trang bị phòng hộ cũng tiềm ẩn nguy cơ”.

Tuy nhiên, bác sĩ Cấp cho biết, không có trang phục phòng hộ nào có thể ngăn ngừa nhiễm bệnh 100% cho các nhân viên y tế. Ví dụ, khẩu trang N95 là khẩu trang có độ an toàn cao nhất được thế giới khuyến cáo nhân viên y tế sử dụng trong các tình huống tiếp xúc với bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cũng chỉ ngăn được 95% giọt bắn mang mầm bệnh. Trong khi đó, mỗi ngày, nhân viên y tế có thể phải đối mặt với rất nhiều thao tác có nguy cơ rất cao như đặt ống nội khí quản, lấy mẫu bệnh phẩm ở mũi họng bệnh nhân… “Tất cả nhân viên y tế chúng tôi khi nhận nhiệm vụ đều nhận thức được các nguy cơ lây bệnh Covid-19 nhưng không trang bị phòng hộ nào bảo vệ 100%”, bác sĩ Cấp chia sẻ.

“Trong các chuyến kiểm tra, giám sát bằng văn bản đối với toàn bộ các cơ sở y tế chúng tôi luôn yêu cầu phải hết sức cảnh giác, phải có luồng khám, phòng khám riêng với người khám chữa bệnh khi có biểu hiện sốt, ho. Phải có các trang phục bảo hộ cho nhân viên y tế trong các phòng phân loại. Trường hợp bệnh nhân 87 làm ở phòng phân loại bệnh viện Bạch Mai thì bản thân bệnh nhân này và các nhân viên khác đều được trang bị các vật dụng bảo hộ như nón, kính, khẩu trang… Chúng tôi một lần nữa rất mong muốn toàn bộ ngành y tế phải nhận thức được sự nguy hiểm trong vấn đề lây lan virus gây bệnh Covid-19, đồng thời phải có các biện pháp bảo vệ bản thân, bảo vệ người bệnh, tuyệt đối không để lây nhiễm chéo trong các cơ sở y tế”, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nói.

MỚI - NÓNG