Biển tàng thức, gió cảnh giới. Cuộc đời chìm nổi này là những dòng chảy, là sóng gió tiếp nối hằng chuyển không ngưng nghỉ. Chỉ những bậc A la hán mới có thể làm phẳng lặng dòng chảy này. Rồi thầy kết “Mới thấy sự vất vả của cuộc đời đi theo Phật, cần sự cảm thông hơn…”.
Bước vào chùa Trường Sa Lớn, tôi để ý phía bên trái chính điện có một bàn thờ nhỏ phủ vải trắng bày di ảnh một sư thầy với dòng chữ “Hòa thượng Thích Ngộ Tịnh đã viên tịch lúc 2h45p ngày 24/6 Tân Sửu 2021”. Tranh thủ lúc vãn lễ, tôi hỏi thầy trụ trì của chùa là Đại đức Thích Nhuận Đạt về điều này. Thầy Nhuận Đạt khẽ đáp, Hòa thượng Thích Ngộ Tịnh là sư phụ của mình. Sư phụ mất không về viếng được nên đành từ đảo xa lập bàn thờ cúng vọng…
Bịn rịn phút chia tay người từ đất liền |
Thầy Nhuận Đạt năm nay 34 tuổi, nhưng đã có ngót 10 năm trụ trì tại các chùa ở Trường Sa, trong đó 8 năm ở chùa Song Tử Tây, gần 2 năm ở Trường Sa Lớn, đây có lẽ đã là kỷ lục. Người tiếp theo là thầy Thích Tâm Trí trụ trì chùa đảo Nam Yết được 8 năm… Rồi chắp nối lời kể, hình dung ra cậu bé Lưu Minh Tuấn quê Ninh Hòa (Khánh Hòa) xin gia đình xuất gia từ năm 12 tuổi, được thầy Ngộ Tịnh nhận về chùa Viên Ngộ (thôn Ninh Ích, xã Ninh An, thị xã Ninh Hòa) nuôi dạy như con mình, đặt pháp danh là Nhuận Đạt.
Đến tuổi trưởng thành sau quá trình vào Nam ra Bắc tu tập kinh điển, Phật pháp, một hôm sư phụ Ngộ Tịnh nghiêm trang nói với nhà sư trẻ 24 tuổi “con ra ngoài Trường Sa cống hiến cho đất nước ít năm, xong lại về với thầy”. Nhưng rồi nhà sư trẻ biền biệt ở Trường Sa tới 10 năm, ngay cả khi ân sư mất cũng không thể về lạy tạ…
Chùa ở Song Tử Tây là ngôi chùa đầu tiên được phục dựng và cũng là chùa lớn nhất tại Trường Sa. Đại đức Thích Nhựt Anh được bổ nhiệm ra đây trụ trì khoảng 7 tháng trước. Dạo quanh khuôn viên đại tự rộng rãi dưới bóng những cây phong ba, tôi cứ nghĩ tới những biến động phù trầm về các vị trụ trì nơi đây.
Trung tuần tháng 4/2012, Thượng tọa Thích Tâm Hiện và Đại đức Thích Thánh Thành cùng một chuyến phật sự ra Trường Sa trụ trì chùa Song Tử Tây. Nhưng chỉ mấy tháng sau, thầy Tâm Hiện phát hiện bị bệnh nặng phải đưa vào đất liền chạy chữa, rồi đến đầu tháng 9 cũng năm 2012 ấy thầy đã không qua khỏi, viên tịch ở tuổi 51.
Còn lại mình thầy Thánh Thành, đến đầu tháng 10 năm sau (2013) cũng bị bệnh nặng, được quân đội điều trực thăng ra chở vào bờ cấp cứu. Thầy Nhuận Đạt được cử ra tiếp nhận coi sóc chùa Song Tử Tây từ đấy, với phật sự liền mạch suốt 8 năm tại đây.
Vị sư trẻ trụ trì chùa Trường Sa Lớn Thích Nhuận Đạt (bên phải) đã 10 năm ở Trường Sa. Ảnh: Trần Tuấn |
Vị sư trẻ hồi ức lại hai sự kiện khó quên những tháng năm nơi cửa chùa Song Tử Tây. Đó là đầu tháng 11/2013, khi vừa bước chân ra đảo thì siêu bão Haiyan (Hải Yến) với dự báo là trận bão khủng khiếp nhất trong lịch sử thiên tai Việt Nam đang ập đến. Hơn 100 tàu cá với gần 2.000 ngư dân của ta chạy vội vào đảo tránh trú. Ngư dân được chỉ huy đảo bố trí vào tránh bão trong nhà khách, hội trường ủy ban xã, riêng chùa Song Tử Tây cũng có đến 500 người vào ẩn núp.
Đêm ấy hàng ngàn ngư dân được bộ đội phát mỳ gói lót dạ. May mà bão đổi hướng chỉ “sượt” qua đảo. Sự kiện thứ hai, đó là một ngày cuối tháng 4/2016, vị sư trụ trì ấy lúc đó 28 tuổi đã sung sướng như con nít khi được gặp mẹ ruột của mình là bà Phạm Thị Nhiên, được ôm mẹ vào lòng ngay giữa Trường Sa. Bà được Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Khánh Hòa tạo điều kiện ra đây thăm con thăm đảo cũng trên con tàu Trường Sa 571 mà đoàn chúng tôi vừa đi.
Ghé thăm nhà vợ chồng trẻ là chị Phan Xuân Thùy và anh Lê Minh Hải, cùng hai cậu con trai là Lê Hạo Nam 7 tuổi và Lê Quốc Việt tuổi rưỡi nhà bên cạnh chùa Sinh Tồn. Vợ chồng chị kể dịp rằm, mùng một, lễ tết bà con trên đảo đều lên chùa. Lễ chủ yếu là bánh gửi mua từ đất liền, còn trái cây anh Hải cười bảo đảo có dừa, đu đủ…, trồng được gì thì đơm cúng thức đó.
Ngôi chùa nhỏ Sinh Tồn nằm kế cận một bên là khu dân cư, một bên là trường tiểu học khang trang.
Tôi nhớ vạt rau ngót và mấy gốc cà pháo trồng trên mảnh vườn nhỏ sau lưng chùa, là món “tươi” hiếm hoi của thầy trụ trì Thích Tâm Thành. Vị sư trẻ vừa ra đây được mấy tháng, nên có lẽ còn chưa quen với thời tiết khắc nghiệt trên đảo.
Chùa nhỏ không có nhà tăng nên thầy phải ra ở ngoài, nhiều đêm nóng bức không ngủ được. Dịp này hệ thống điện năng lượng trên đảo đang sửa chữa, nên thầy cứ tỏ ra áy náy về việc ban đêm nhiều lúc Ban Tam bảo cũng không được thắp sáng. Rồi thầy cười thật tươi khi kể những phật tử đặc biệt của chùa, là những gia đình ngư dân cùng bầy trẻ nít 11 đứa. Nhất là bọn nhỏ, chúng thật tinh nghịch, dễ thương.
Trụ trì chùa Trường Sa Đông, thầy Thích Quy Nghĩa cũng vừa ra tiếp nhận chùa được chừng 7 tháng nay. Vườn rau của chùa rộng rãi xanh mát, dưới tán những gốc sứ đại đang đơm bông hồng bông trắng là vạt bí đỏ bò lan, vạt rau cải, góc kia là giàn mướp đắng xinh xinh lúc lỉu quả, cây ớt, rau thơm…
Thầy bảo việc ăn uống, sinh hoạt của các sư thầy trên các đảo có lẽ đều không khác nhau mấy. Có khác là đảo nào đất tốt thì trồng được nhiều loại rau hơn. Còn lại chủ yếu dùng đồ khô gửi mua từ đất liền ra, cứ khoảng 1-2 tháng một lần. Món quen thuộc nhất là đậu phụ, thì mỗi tháng bộ đội trên đảo làm 2 lần, đem cho chùa.
Trụ trì chùa Nam Yết Thích Tâm Trí chắp tay lắng nghe lời chia sẻ của các sư phụ, sư huynh Ảnh: Trần Tuấn |
Thầy Nhuận Đạt kể về lịch sinh hoạt hàng ngày: Sáng 4 giờ dậy tụng kinh, 5 giờ thỉnh chuông, xong tập thể dục, rồi quét dọn, đọc sách tìm hiểu về kinh điển, Phật pháp, chiều ra vườn nhổ cỏ, tưới rau tưới cây,…
Hỏi mỗi khi trời mưa bão thì thế nào, thầy cười bảo bão đến thì vào chùa chèn chặt các cửa chính cửa sổ, nẹp kỹ càng để bão gió khỏi lật. Bộ đội trên đảo thường hỗ trợ nhiều trong việc phòng chống mưa bão, rồi giúp dọn dẹp, phụ mang vác những vật nặng. Hỏi những ngày mưa gió lặng lẽ một mình cũng buồn? Thầy bảo là con người làm sao tránh khỏi tâm trạng chứ, có những lúc cũng buồn hiu, ngồi nhìn ra biển sóng gió mưa. Rồi vị sư trẻ lại bật cười hồn nhiên “Nhưng mình đã tìm thấy niềm vui, tự nhiên thấy an lạc rồi từ từ chỗ nào cũng được hết, mọi thứ đều an nhiên”.
Đại đức Thích Định Thông dù mới ra trụ trì chùa trên đảo Sơn Ca được nửa năm nhưng đã có những cảm nhận thấm thía “Đất liền với đảo khác nhau hoàn toàn. Ở ngoài đảo mọi thứ đều rất thanh tịnh, rất trang nghiêm. Như khi tiếng chuông cất lên thì mọi thứ rất là hào hùng, có một thứ gì đó không thể diễn tả được trong phần tâm linh biển đảo”.
Trên đảo dù có sóng mạng, nhưng thường rất vắng những tiếng chuông điện thoại. Vang rõ hơn là những tiếng chuông chùa vào thời khắc bình minh và hoàng hôn thong thả ngân lên như ở giữa làng quê. Đại tá Hồ Thanh Hoàn, Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Hải quân - Trưởng đoàn công tác số 10 ra Trường Sa hôm ấy trên đảo Đá Tây A, đã thốt lên “trên đảo nghe tiếng chuông chùa mà thấy như đang ở giữa làng mình”.
Ngư dân tránh bão thắp hương trước chùa Đá Tây A. Ảnh: Trần Tuấn |
Không chỉ là những ngôi chùa, mà là cả không gian văn hóa Việt, là quê hương bản quán đã hiện diện giữa sóng gió đại dương này. Ở Đá Tây A chiều hôm ấy, hàng chục chiếc tàu câu mực to lớn dềnh dàng neo vào âu thuyền tránh bão số 1. Mấy chục ngư dân trên tàu háo hức đứng ngồi trên tàu ngóng vào chùa đang làm lễ khánh thành. Rồi một số ngư dân bơi thúng lại những chiếc phao nổi chính diện cửa chùa bày biện hương hoa bánh kẹo, hướng vào chùa dâng hương cầu nguyện. Chợt nhớ đôi câu thơ của Nguyễn Trãi “Đoản trạo hệ tà dương/Thông thống yết thượng phương” (Thuyền neo bến chiều xế/Vội lên viếng Phật đài).
Lại nghĩ đến câu chuyện mà nhà sử học Dương Trung Quốc kể. Kể rằng sau khi bị COVID-19, cái chân của ông bị bại, đi đứng rất khó khăn. Nên thời gian chờ lên tàu, có lúc ông nghĩ phải rời đoàn quay về. Nhưng rồi mấy ngày dùng đồ chay cùng các thầy, và ước muốn được ra Trường Sa lần nữa ở tuổi 75 khiến cơ thể ông thay đổi hoàn toàn, suốt chuyến đi luôn khỏe mạnh, xông xáo và không hề có cảm giác say sóng dù… “cố hồi hộp chờ đợi”.
“Để thấy rằng đức tin là quan trọng lắm. Đức tin vào lý tưởng kể cả lý tưởng chính trị cũng như đức tin vào một tâm lý đời sống tâm linh, thực ra cũng chỉ là một. Vì thế tôi nghĩ rằng chuyến đi của chúng ta viên mãn ở chỗ bên cạnh trách nhiệm, tình cảm tinh thần chia sẻ với các chiến sĩ, các sư thầy ở đảo xa, thì còn một điều nữa, đó là chính bản thân mỗi chúng ta từ đây cũng được thay đổi rất nhiều...”.
Trường Sa, tháng 6-7/2022