Ánh đạo vàng trên biển lớn: Cà sa đi biển

0:00 / 0:00
0:00
TP - Buổi chiều 24/6/2022 ấy, cuối ngày thứ nhất của chuyến hải trình, trên boong tàu Trường Sa 571 diễn ra một khung cảnh huy hoàng: 39 vị tăng ni vàng rực sắc cà sa tọa thiền trong ánh hoàng hôn tỏa hắt lên mặt biển xanh thẳm. Con tàu khổng lồ vẫn lướt đều trên đại dương…

Một khung cảnh ngợp dậy cảm xúc lần đầu tiên mới thấy, như ghi nhận của các vị cao tăng, rằng lần đầu tiên mới có một tăng đoàn đông đảo như vậy, trong chuyến hải trình cũng mang tính lịch sử, đó là viếng thăm toàn bộ 9 ngôi chùa trên quần đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa), trong đó có 3 chùa được tổ chức khánh thành việc tôn tạo trong dịp này!

Cư sĩ phật giáo Nguyễn Văn Trường, chủ Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường suốt chuyến đi ngó bộ ít có lúc nào thong thả. Thường trực cái quần tây áo sơ mi dài tay nhàu nhĩ luôn “đóng thùng” mướt mải mồ hôi, tất bật chỗ này chỗ kia hết trên đảo lại trên tàu. Nhân vật tôn tạo xây dựng quần thể chùa Bái Đính - Tam Chúc, cũng chính là người từ ngót 20 năm qua phát tâm đầu tư trùng tu, phục dựng cả 9 ngôi chùa giữa Biển Đông sóng gió này.

Sau hai lần tổ chức các tăng đoàn ra lần lượt khánh thành 6 ngôi chùa trên các đảo vào các năm 2010 và 2014, lần này ông quyết thực hiện tâm nguyện là chuyến hành hương lịch sử cùng lúc qua 9 ngôi chùa và thăm hỏi động viên quân và dân huyện đảo Trường Sa. Tấm tình ấy nhận được sự ủng hộ của các cấp lãnh đạo trung ương và Quân chủng Hải quân, để có được chuyến đi mang tên “Đoàn công tác số 10” này, với 226 đại biểu gồm lãnh đạo Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Trị sự Phật giáo hàng chục tỉnh thành, lãnh đạo chính quyền nhiều địa phương, doanh nghiệp,...

Chuyến này ông Trường đi cùng cậu con trai 26 tuổi là Nguyễn Xuân Trung, chỉ tiếc là vắng bóng hiền thê của ông, cố cư sĩ phật giáo Diệu Liên - Phạm Thị Lan người từng cùng ông lặn lội ra Trường Sa từ những ngày đầu khởi công phục dựng 6 ngôi chùa. Bà qua đời cách đây mấy năm…

Ánh đạo vàng trên biển lớn: Cà sa đi biển ảnh 1

Ông Nguyễn Văn Trường cùng các thầy sửa soạn bát hương mới cho lễ khánh thành chùa Trường Sa Đông

Một buổi tối dùng cơm chay trên tàu cùng ông, tôi được nghe ông kể về những ngày đầu tiên ấy. Về những chuyến tàu hàng đầu tiên đưa thợ thuyền, vật tư thiết bị vượt sóng gió ra đảo để bắt tay phục dựng các chùa, ăn uống chủ yếu là đồ khô, ngày thay mấy bộ quần áo, than bụi bám đầy người. Cũng đã có những người thợ hy sinh tính mạng trên sóng nước đại dương…

Trong Tứ ân của đạo Phật, ông quan niệm hơi khác một chút, đó là cái Ân đầu tiên là với Tổ quốc, sau đó mới đến Ân cha mẹ, Ân chúng sinh, Ân Tam bảo. “Nhân duyên nhiều đời nhiều kiếp chúng ta mới được ngồi đây, trong chuyến đi này. Cảm ơn trời Phật đã phù hộ cho quân, dân trên đảo giữa mái chùa dân tộc”.

Đoàn công tác đã hành trình 241 giờ, vượt qua 1.150 hải lý, nhổ và thả neo 26 lần, đưa đón 1.582 lượt đại biểu lên xuống các đảo. Những câu chuyện về Phật về đời cứ rì rầm giữa những trận gió màn mưa chừng như cuốn bay đi mất lời, mà đọng lại những gương mặt hào sảng của các vị tăng ni lẫn người đời đều là những khách trần gian. Con thuyền Bát Nhã này không phải chở chúng sanh vượt qua biển khổ tới bờ Niết bàn giải thoát, mà là chở chúng ta hòa mình vào đời sống.

Trưa hôm sau tàu dừng lại đảo đầu tiên Song Tử Tây. Từ lúc đảo còn mờ xa, đã thấy Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN đứng trên cabin đưa ống nhòm chăm chú dõi vào. Cái ống nhòm sau được chuyền tay sang nhiều vị sư khác. Ai nấy không giấu được vẻ háo hức lẫn xúc động.

Hỏi chuyện mới hay đây là lần thứ 3 Hòa thượng Thanh Nhiễu ra Trường Sa, nhưng là lần đầu tiên đi tàu, và đi được đầy đủ các chùa trên quần đảo. “Đi bằng tàu mới tính là đi Trường Sa đúng nghĩa”, vị cả sư cười hồn nhiên. Trên tàu chuyến này có nhiều tăng, ni đã từng ra Trường Sa 1-2 lần.

Ánh đạo vàng trên biển lớn: Cà sa đi biển ảnh 2

Phút tọa thiền trên boong tàu Trường Sa 571. Ảnh: Trần Tuấn

Sư cô Thích Nữ Thường Minh trụ trì chùa Kim Kê (Hoa Lư, Ninh Bình) kể năm 2012 từng tháp tùng Đại lão Hòa thượng Thích Thanh Đàm, Đức Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh GHPGVN khi đã ở vào tuổi 87 đi tàu ra khánh thành 3 ngôi chùa đầu tiên ở Trường Sa là Trường Sa Lớn, Song Tử Tây và Sinh Tồn, được ghi kỷ lục “Người cao tuổi nhất Việt Nam đến đảo Trường Sa”. Đại lão Hòa thượng vừa viên tịch hồi đầu năm 2022 này trụ thế 98 năm. Nên ai cũng đều có chung quan niệm, rằng phải thử sức với sóng gió mới đúng nghĩa “thỉnh kinh”.

Thỉnh kinh nguyên nghĩa là vượt dặm đường xa xôi hiểm trở đi vời xin kinh sách quý mang về, còn chuyến đi này thầy trò cũng vượt vạn dặm bể trời nhưng là để hoằng pháp, “tồi tà, hiển chính” (phá dẹp cái tà, nêu rõ chính lý), để nhập thân với đời chung tay giúp ích nhân quần, giang san.

Điều này tôi được thấm hơn từ Thượng tọa Tiến sĩ Thích Nguyên Đạt, khi mỗi lần lang thang bên góc vắng mạn tàu đều thấy ông ngồi một mình ngắm sóng, vẻ vừa trầm lắng vừa say mê.

Là Phó Ban Giáo dục Phật giáo T.Ư, Phó Viện trưởng Học Viện Phật giáo Việt Nam tại Huế phụ trách đào tạo sau đại học, vị thức giả này thường có những suy nghĩ thật sâu sắc, bất ngờ. Như trong lý lịch phần tôn giáo nhiều người thường ghi chữ “Không”, thầy lý giải Phật là đạo Không, một chữ Không ấy cũng chính là Phật rồi. Bởi Phật giáo vô chấp, không chấp nhận một thứ đức tin mù quáng.

Ánh đạo vàng trên biển lớn: Cà sa đi biển ảnh 3

Tiếng hát giữa đại dương

Rồi như câu nói vốn rất quen thuộc “Phật giáo đồng hành cùng dân tộc”, thầy có suy nghĩ hơi khác. “Không phải đồng hành, mà là chung thuyền luôn ấy. Đất nước như con thuyền to, Phật giáo là một thành viên trên thuyền ấy, thuyền chìm thì mình chìm. Chứ không chỉ là đồng hành. Bởi đồng hành có nghĩa giả sử anh bước bị lệch bước chân thì vẫn tồn tại được. Còn riêng với Phật giáo, mà là Phật giáo Việt Nam (thầy nhấn mạnh là khác với “Phật giáo ở Việt Nam”) với dân tộc có gì đó như là cùng sinh mệnh, xương thịt với nhau...”.

Nhìn trước mắt thấy cái triết lý “chung thuyền” giữa các sắc y phục, tôn giáo khác nhau của hơn hai trăm con người đầu xanh lẫn bạc tóc, cả thầy cả thợ, cả lính, công chức, quan chức lẫn doanh nhân trên chuyến hải hành dài ngót nửa tháng có những đêm ngày oằn mình vượt sóng gió của cơn bão đầu mùa mang tên Chaba chồm lên đe dọa dưới thân tàu, thật thấm thía.

Cùng chung những cơn say sóng bổ nhào bỏ ăn, cùng chung lời ca tiếng hát, chung ấm trà, chung một lễ mừng sinh nhật rộn ràng trên boong tàu,… Những cú tạo dáng chụp ảnh rất “điệu” của các ni sư trên boong lúc bình minh, hoàng hôn, bên những mái chùa, cột mốc chủ quyền. Quà tặng quân và dân các đảo không chỉ là vật chất, thiết bị vật tư y tế, không chỉ là những bộ kinh sách cho các chùa, mà còn có cả những nắm hạt giống rau màu để gieo mầm cho sự sinh sôi…

Lúc lên ca nô chia tay đảo Sinh Tồn Đông, tôi chộp được khoảnh khắc một ni sư đang cúi khom múc nước biển Đông vào cái chai nhựa. Rồi sân bay Cam Ranh buổi tối hôm trên đường về nhà tôi gặp lại sư cô Thích Đàm Quy đang loay hoay đóng gói cây bàng vuông mang về từ Trường Sa Lớn, sư cô bảo sẽ mang về trồng nơi sân chùa Tịnh Nam (Kim Sơn, Ninh Bình).

Ánh đạo vàng trên biển lớn: Cà sa đi biển ảnh 4

Ván cờ giữa đạo và đời. Ảnh: Trần Tuấn

Buổi sáng ấy con tàu thả neo dừng tránh bão, sóng nhồi lắc dữ dội, tôi ngồi hàng tiếng đồng hồ xem loạt chung kết cờ tướng giữa 3 kỳ thủ đại diện 3 sắc phục khác nhau, là đại đức Thích Minh Nhật, với ông Hồ Văn Cường quê Phú Yên - cựu lính đảo Trường Sa Đông từ gần 40 năm trước nay lần đầu tiên được trở lại thăm đảo, và anh Lê Anh Tuấn, Phó chánh văn phòng UBND tỉnh Hưng Yên. Bất phân thắng bại. Đông đảo các sư xúm vào rôm rả cười đùa bình luận, nhiều lúc không nén được cũng tìm cách… mách nước “gà nhà”.

Ván đấu cuối cùng với ông Cường, trong khi vị cựu lính đảo trầm lắng cơ mưu thì thầy Minh Nhật lại tỏ ra khá cương quyết xuống những nước cờ, không do dự, không ngập ngừng để rồi phải thất thủ. Thầy An Đạt giữ chân thư ký giải đấu, bật cười thốt lên thật là “ván cờ kim cổ”.

Chợt nhớ tới thiên truyện ngắn “Cuộc cờ lều Ngộ Vân” đọc thời xưa của nhà văn xứ Huế Trần Hạ Tháp. Quân tốt đen bằng ngà mà sư thầy Ngộ Vân còn nắm sót lại trong tay sau trận cờ cuối cùng với Thừa chỉ Nguyễn Trãi bên Lệ Chi Viên trước giờ xảy ra thảm án. Chính vì hết lòng thương yêu sống chết với lương dân, như những quân sĩ tốt nhỏ bé trên đời này mà Ức trai Thừa chỉ tiên sinh chịu bỏ một trận thắng trên bàn cờ, cũng như chấp nhận tàn cuộc đời mình...

…Tôi để ý bữa ấy một cánh bướm nhiều màu lượn qua chỗ các vị tăng, ni tọa thiền trên boong tàu. Như cánh bướm tôi từng bắt gặp giữa dông gió Hoàng Sa mùa hè năm 2014 trong sự kiện đẩy đuổi giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc. Cư sĩ phật giáo Nguyên Tánh, tức triết gia, thi sĩ Phạm Công Thiện từng thấy con bướm màu băng qua vầng trán của một người có tên là Đại Dương. Để dẫn lại câu nói đầy hư vô của thi sĩ người Đức Gottfried Benn, rằng “đại dương chỉ là một giấc mộng, một giấc chiêm bao”.

Còn ở đây, nơi chốn xa xôi này, chúng ta có thực tại là đại dương, thực thể lịch sử là những hòn đảo, là những ngôi chùa, bóng đạo vàng bao la và tiếng chuông vang lên thinh không qua những tầng cây phong ba vững chãi…

Trường Sa, tháng 6-7/2022

______

Kỳ 2: Thăm quần thể 9 ngôi chùa Việt giữa Trường Sa

MỚI - NÓNG
Vì sao từ khóa phông bạt vào đề văn lớp 10?
Vì sao từ khóa phông bạt vào đề văn lớp 10?
TPO - Đề văn của một trường THPT tại TPHCM ra yêu cầu ngắn gọn: "Hãy viết bài văn nghị luận bàn về lối sống phông bạt của giới trẻ hiện nay". Một số phụ huynh nhận định đề thi thú vị, mang tính thời sự. Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng từ "phông bạt" xuất hiện trong đề thi là không phù hợp.