Ánh đạo vàng trên biển lớn: Những kíp thợ chùa

TP - Buổi sáng ấy tôi tranh thủ theo chiếc ca nô đầu tiên vào đảo Song Tử Tây cùng kíp thợ của doanh nghiệp Xuân Trường. Đây cũng là đảo đầu tiên mà đoàn công tác ghé thăm. Trong suốt hải trình, những người thợ luôn lên đảo sớm nhất, về tàu muộn nhất, và cũng lặng lẽ nhất trong các cuộc sinh hoạt trên tàu.

Trong danh sách hơn 200 đại biểu đoàn công tác ra Trường Sa đợt này, ở cột ghi chức vụ có những chức khá lạ. Là 5 người ghi “chức vụ thợ mộc”: Nguyễn Văn Lĩnh, Hoàng Thanh Nghị, Trịnh Việt Hùng, Ngô Ngọc Thao, Nguyễn Đình Vấn; 1 thợ xây Doãn Ngọc Hoàng; 1 thợ ngói Nguyễn Văn Doanh; 1 thợ mối Ngô Văn Thúy. Đều là người của doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường. Tuổi tác hầu hết đã trên dưới 50 nên có lẽ đây đều là những tay thợ cả. Như Nghệ nhân ưu tú ngành thủ công mỹ nghệ Vũ Duy Thuấn và con trai Vũ Mạnh Thường được ghi là “thợ đúc đồng”. Trong đoàn còn có các kiến trúc sư, kỹ sư như Bùi Ngọc Hưng, Lê Văn Anh, Nguyễn Thành Nam, Hoàng Đông Hưng, Trần Văn Triển, được ghi vắn tắt là thiết kế, kỹ thuật, công nghệ,…

Vừa hạ đống đồ nghề lỉnh kỉnh đeo trên lưng xuống chùa Song Tử Tây, anh “thợ mối” Ngô Văn Thúy, 50 tuổi quê Tràng An, Hoa Lư (Ninh Bình) lập tức hăm hở…tìm mối! Là một trong những chùa đầu tiên hoàn thành phục dựng từ 13 năm trước, Song Tử Tây cột gỗ đã xuất hiện tình trạng nứt nẻ, và có cả mối mọt. Cứ tưởng ở giữa đại dương này chỉ những món kim loại mới đáng lo, ai dè cả gỗ.

Giữa nơi được mệnh danh “quần đảo bão tố” này, việc ngôi chùa kết cấu chủ yếu bằng gỗ, ngói bị hư hại, xuống cấp, bạc màu do thời tiết khí hậu, bão tố dông lốc, hơi nước biển cùng mối mọt là không tránh khỏi. Nhớ lời anh Thúy, rằng mỗi cột đã đổ 2 lít thuốc diệt mối, nhưng cũng khó chống đỡ lại với sự khắc nghiệt của thiên nhiên giữa đại dương.

Anh Thúy nhanh chóng ra bể múc nước pha thuốc vào bình, rồi vươn cái ống xì bằng đồng dài ngoẵng lên mọi ngóc ngách trên các vì kèo, đầu cột để xịt thuốc diệt mối. Công việc này anh phải tranh thủ làm sớm để cho hóa chất bay mùi trước khi các vị sư thầy, đại biểu vào chùa làm lễ. Anh bảo đây toàn là loại gỗ sến, táu quý hiếm, nhưng cũng là món ưa thích của bọn mối mọt. Rồi anh kể về cái nghề đánh mối của mình. Rằng ở đất liền mỗi năm 1-2 lần anh lại đi vòng quanh các chùa một lượt để xử lý mối, thời gian còn lại làm những việc khác.

Tại chùa Sơn Ca, thấy anh thợ mộc Ngô Ngọc Thao, sinh năm 1976, quê Ninh Bình cùng một đồng nghiệp trẻ cắm cúi bên cái bao tải lớn màu trắng ghi hai chữ “mùn cưa”. Nhào trộn kỹ mùn cưa với những bình keo AB xong, giữa trời nắng anh Thao cứ thế mải miết trám trét thật kỹ vào các mạch gỗ, vết nứt trên gốc cột, ngạch cửa, vách gỗ của chùa,… Ghi là “thợ mộc” nhưng công việc của anh là chuyên bảo tồn gỗ trong các di tích đền chùa. Đây là lần đầu anh ra bảo tồn các chùa ở Trường Sa. Rồi anh bảo việc trám trét này cũng chỉ là “xử lý tạm thời”. Phần việc quan trọng khác mà anh và cả kíp thợ theo từng chuyên môn của mình, đó là khảo sát toàn bộ cả 9 ngôi chùa về báo cáo để có kể hoạch tu bổ, thay thế căn cơ, bài bản.

Trong lễ khánh thành chùa Sinh Tồn Đông, tôi để ý thấy hai kiến trúc sư trẻ mới ngoài 30 tuổi Bùi Ngọc Hưng và Lê Văn Anh thuộc Phòng thiết kế của doanh nghiệp Xuân Trường trên tay là những tập hồ sơ, bản vẽ thiết kế dày cộp. Hưng cho biết 9 ngôi chùa ở Trường Sa là do Công ty Kiến trúc Hoàng Đạo (của KTS Hoàng Đạo Kính) thiết kế theo lời mời của doanh nghiệp Xuân Trường. Còn công việc cụ thể của anh là lên ý tưởng quy hoạch, tham gia thiết kế các chùa trong đất liền. Với các chùa như Tràng An, Bái Đính, Tam Chúc, Tam Cốc,… nhóm của Hưng tiếp quản lại hồ sơ liên quan đến thiết kế do người trước làm để về sau này tu bổ hay chỉnh sửa thì sẽ trực tiếp tiến hành. “Chuyến công tác Trường Sa này bọn em ra khảo sát các chùa bên em đã xây dựng để kiểm tra mức độ hỏng hóc của công trình. Và liệt kê, tính toán khối lượng các hạng mục bị hỏng do thời gian và do các tác nhân khác. Khi về đất liền thì bên em sẽ tính toán kỹ, lên kế hoạch để tu bổ lại tất cả các hạng mục thuộc các chùa”, Hưng nói.

Ánh đạo vàng trên biển lớn: Những kíp thợ chùa ảnh 1

Hai KTS Bùi Ngọc Hưng - đeo kính và KTS Lê Văn Anh khảo sát các hạng mục tại chùa Sinh Tồn Đông. Ảnh: Trần Tuấn

Ánh đạo vàng trên biển lớn: Những kíp thợ chùa ảnh 2

Anh Thao trám lại các mạch gỗ bị nứt tại chùa đảo Sơn Ca. Ảnh: Trần Tuấn

Ánh đạo vàng trên biển lớn: Những kíp thợ chùa ảnh 3

Anh Thúy xử lý mối trong chùa Song Tử Tây. Ảnh: Trần Tuấn

Hôm trên đảo Nam Yết, nghe Chỉ huy trưởng của đảo Thượng tá Nguyễn Sỹ Sơn băn khoăn về một số điểm xuống cấp của chùa, ông chủ Xuân Trường nói ngay: “Đúng là điều kiện trên đảo khó khăn, không phải như ở trong bờ hỏng đâu là thay ngay đấy. Nay chúng tôi ra khảo sát sau đó đến cuối năm mang vật liệu ra tu bổ lại hết. Hướng sẽ thay bằng vật liệu đá là chủ yếu, để các ngôi chùa mãi trường tồn trăm năm, ngàn năm”.

Thi công phục dựng và bảo quản một ngôi chùa trong đất liền kỳ công một, thì ở đảo còn kỳ công gấp nhiều lần. Ông chủ Xuân Trường có lẽ là doanh nhân đạt kỷ lục về số lần ra Trường Sa, bằng các phương tiện khác nhau. Nhiều lần ra Trường Sa lăn lộn cùng các cộng sự tham gia khảo sát thiết kế, lên phương án thi công, rồi lên các phương án vận chuyển nguyên vật liệu, thiết bị, gỗ, gạch ngói, tượng chuông, đồ thờ, hoành phi đại tự… ra từng đảo. Hàng ngàn tấn vật liệu tổng cộng như vậy suốt mười mấy năm qua nhẫn nại vượt biển. Công cuộc vượt sóng gió bồi đắp nên các ngôi chùa bề thế nơi hải đảo biên cương giữa Biển Đông, như cuộc “thỉnh kinh” kiên trì, nhẫn nại cũng đầy vất vả cam go.

Hàng ngàn tấn vật liệu tổng cộng như vậy suốt mười mấy năm qua nhẫn nại vượt biển. Công cuộc vượt sóng gió bồi đắp nên các ngôi chùa bề thế nơi hải đảo biên cương giữa Biển Đông, như cuộc “thỉnh kinh” kiên trì, nhẫn nại cũng đầy vất vả cam go.

Thượng tá Nguyễn Đăng Hồng, Phó Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn 83CB Hải quân có gương mặt tròn và nụ cười hiền hậu. Trong câu chuyện, tôi hình dung về gian nan mưa nắng mà những người lính đơn vị ông trải qua khi nhận nhiệm vụ phục dựng chùa Song Tử Tây 10 năm trước và Sinh Tồn Đông bây giờ. Rằng địa chất trên đảo chủ yếu nền san hô, phải làm móng sâu từ 1-1,2 mét. Bộ đội sử dụng đôi tay là chủ yếu. Vật tư vật liệu thì đa chủng loại nhất là vật liệu trang trí như gạch ốp, ngói mũi hài. Trong điều kiện dông bão trên biển dịp cuối năm, quá trình vận chuyển anh em bảo nhau hết sức cẩn thận nâng niu giữ nguyên vẹn cho từng viên gạch viên ngói.

Ánh đạo vàng trên biển lớn: Những kíp thợ chùa ảnh 4

Xử lý mối nơi tam quan chùa đảo Sơn Ca. Ảnh: Trần Tuấn

Nhớ buổi chiều tàu neo trên vùng biển Gạc Ma tổ chức lễ tưởng niệm 64 người lính đã nằm lại nơi này trong cuộc chiến đấu bi hùng ngày 14/3/1988 gìn giữ từng tấc đảo từng mét sóng của Tổ quốc. Nghẹn ngào khi những cánh hoa, những cánh chim câu trắng xếp bằng giấy được thả dập dềnh trên sóng nương về hương hồn các anh. Làm sao quên hầu hết những người lính hy sinh ở Gạc Ma ngày ấy cũng đều là lính của Trung đoàn 83 công binh Hải quân, tiền thân của Lữ đoàn 83 hôm nay. Những người lính xả thân giữ đảo, dựng đảo bằng máu mình, nay lại dựng lên những ngôi chùa cột mốc tâm linh vững chãi giữa biển đảo biên cương…

Là người từng nghiên cứu nhiều về các công trình văn hóa tâm linh, kiến trúc sư Nguyễn Phú Đức (Tạp chí Kiến trúc VN) đi cùng đoàn tỏ ra am hiểu và đầy tâm đắc với những ngôi chùa ở Trường Sa. Trước mỗi chùa, ông lại trầm trồ trước vẻ đẹp Việt nguyên bản từ kiến trúc, mái phẳng mái cong, đầu mái, đầu đao, cổng tam quan, cho đến địa thế âm-dương, hệ thống cây xanh,…

Trung tá Hoàng Đình Phương, Phó chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn 131CB Hải quân, đơn vị được giao nhiệm vụ thi công phục dựng hai chùa tại Trường Sa Đông và Đá Tây A khánh thành dịp này, kể rằng thời điểm thi công chùa Đá Tây A cũng là lúc bước vào mùa mưa bão, nhất là tháng 9 tháng 10 biển động, ảnh hưởng rất lớn đến công tác chuyển tải vật liệu. Vừa chiến đấu với mưa bão, những người lính còn chiến đấu với đại dịch COVID-19

Còn nhà sử học Dương Trung Quốc lại có liên tưởng thú vị khi bảo rằng mỗi hòn đảo nom giống như lưng con rùa lớn trong câu thơ mang tính tiên tri của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm “Cự ngao đới đắc ngọc hồ sinh” (Rùa lớn đội lên non nước thành). Gắn với hình ảnh đội tàu ngầm hiện đại mà đoàn chúng tôi được ngắm xem trên quân cảng Cam Ranh trước khi lên tàu ra đảo. Nguyên văn bài “Cự ngao đới sơn” in trong Bạch Vân Am thi tập của Trạng Trình là thế này: “Bích tẩm tiên sơn triệt để thanh/Cự ngao đới đắc ngọc hồ sinh/Đáo đầu thạch hữu bổ thiên lực/Trước cước trào vô quyển địa thanh/Vạn lý Đông minh quy bả ác/Ức niên Nam cực điện long bình/Ngã kim dục triển phù nguy lực/Vãn khước quan hà cựu đế thành”, được cụ Nguyễn Khắc Mai dịch ra thành: “Núi tiên biển biếc nước trong xanh/Rùa lớn đội lên non nước thành/Đầu ngẩng trời dư sức vá đá/Dầm chân đất sóng vỗ an lành/Biển Đông vạn dặm giăng tay giữ/Đất Việt muôn năm vững trị bình/Chí những phù nguy xin gắng sức/Cõi bờ xưa cũ tổ tiên mình”.

Ông Quốc bảo rằng dự báo thần kỳ từ 500 năm trước của Trạng Trình Nguyễn Bình Khiêm đó là tương lai đất nước mình phải gắn với biển cả và bền bỉ đấu tranh gìn giữ biển đảo. Đôi câu sấm “Biển Đông vạn dặm giăng tay giữ/Đất Việt muôn năm vững trị bình” tôi gặp nhiều nơi chùa chiền giữa Trường Sa này. Như ở bệ lư hương lớn bằng gốm ngọc trước Tam bảo chùa Trường Sa Lớn, dưới phù điêu biển cả sóng dữ với thanh gươm và trang sử thư rộng mở…

Trường Sa, tháng 6-7/2022

Tin liên quan