Ánh đạo vàng trên biển lớn - Kỳ 3:

Treo chuông giữa Biển Đông

0:00 / 0:00
0:00
TP - Trong đời thật hiếm ai hiếm khi nào được tận mắt chứng kiến khung cảnh giữa bình minh đại dương bao la những chiếc đại hồng chung được cẩu từ tàu xuống ca nô đưa vào đảo Trường Sa làm lễ khai chuông, thỉnh lên những tiếng đầu tiên khánh thành những ngôi chùa vừa phục dựng…

Buổi sáng sớm 27/6, những chiếc cần cẩu trên tàu Trường Sa 571 thức dậy đầu tiên. Túc trực sẵn sàng là tốp chiến sĩ hải quân cùng các nam nữ nhân viên doanh nghiệp Xuân Trường, chuẩn bị công tác chuyển chuông, trống, võng lọng, vật lễ hoa đèn vào chùa Sinh Tồn Đông đang chờ khánh thành đã hiện ra trước mặt. Mỗi lần tàu cập đảo nào, các đồ pháp khí nhà chùa cùng lễ vật và nhân sự làm công tác chuẩn bị luôn đi trên những chiếc ca nô đầu tiên. Công phu nhất là những đảo có tổ chức lễ khánh thành chùa.

Treo chuông giữa Biển Đông ảnh 1

Gánh chuông vào chùa giữa Trường Sa Ảnh: Trần Tuấn

Đại hồng chung chùa Sinh Tồn Đông được đóng chèn kỹ càng trong chiếc lồng gỗ lớn, giờ đây đang được cẩu treo lơ lửng giữa đại dương, để căn chỉnh hạ dần xuống chiếc xuồng chở hàng đang dập dềnh sóng biển chờ bên dưới. Trên tàu của đoàn công tác số 10 ra Trường Sa lần này có 3 đại hồng chung được đóng trong thùng gỗ chắc chắn như vậy. Cùng 3 giá chuông bằng gỗ quý cũng nặng hàng tạ.

Treo chuông giữa Biển Đông ảnh 2

Thầy Nguyên Đạt thỉnh chuông chùa Sinh Tồn tưởng niệm 64 liệt sĩ Gạc Ma

Chiếc xuồng chở chuông, trống cùng bộ giá đỡ, võng lọng được một chiếc ca nô buộc dây kéo đi băng băng vượt sóng vào đảo. Xuồng cập vào cầu cảng, chiến sĩ trên đảo điều khiển chiếc cần cẩu nhỏ của đảo đón chuông và các vật nặng, rồi chuyển lên xe kéo đến trước cổng tam quan. Lúc này, hơn chục chiến sĩ lực lưỡng được phân công gánh chuông vào chùa bằng hai cây đòn khiêng lớn dài gần 5 mét. Chuông được treo và an vị xong, cùng lúc các sư thầy và đại biểu đang thực hiện nghi thức tụng niệm, dâng hương Tam bảo… Sau phần cắt băng khánh thành, Thượng tọa Thích Quang Minh thực hiện nghi thức thỉnh những hồi chuông đầu tiên. Sau mỗi tiếng chuông thầy ngân nga cất lên lời kệ. Thấm thía từng câu từng chữ “Lắng lòng nghe, lắng lòng nghe/Tiếng chuông huyền diệu đưa về nhất tâm/ Nguyện tiếng chuông này vang pháp giới/Xa xăm tăm tối cũng đều nghe/Những ai lạc bước mau dừng lại/Tỉnh giấc hôn mê thấy trở về/ Nghe chuông phiền não tan mây khói/Ý lặng, thân an, miệng mỉm cười/Hơi thở nương chuông về chánh niệm/Vườn tâm hoa tuệ nở xinh tươi”…

Treo chuông giữa Biển Đông ảnh 3

Cha con ông Thuấn bên chuông chùa đảo Sơn Ca

Suốt dọc hải trình, tôi cứ tẩn mẩn chạm ngó từng quả chuông đồng đã ngả màu gió muối đại dương nơi các chùa Trường Sa. Vì 9 chùa được phục dựng làm 3 đợt kéo dài suốt mười mấy năm, nên những hoa văn hình ảnh trên chuông cũng có khác nhau. Ba đại hồng chung các chùa phục dựng đầu tiên (2009) là Trường Sa Lớn, Song Tử Tây và Sinh Tồn đúc theo mẫu chuông đời Trần có khắc tên đảo. Đến chuông các chùa Nam Yết, Sơn Ca và Phan Vinh (2014) tôi để ý bốn múi mỗi quả chuông đều đắp nổi phù điêu 4 biểu tượng là cột cờ Hà Nội, Khuê Văn Các, Ngọ Môn và chợ Bến Thành. Bốn vai chuông lần lượt là 4 chữ quốc ngữ của câu “Quốc Thái Dân An”. Và tất nhiên cũng đều có tên đảo trên mỗi chuông. Riêng 3 đại hồng chung ở 3 chùa vừa mới khánh thành chuyển ra lần này là Sinh Tồn Đông, Trường Sa Đông và Đá Tây A có đắp Quốc huy, Quốc hiệu và tiêu ngữ, cùng một đôi câu trong bài kệ thỉnh chuông.

Trường Sa có 9 ngôi chùa, với 9 quả chuông do ông chủ Xuân Trường đặt nghệ nhân Vũ Duy Thuấn đúc, và có thêm 2 quả do phật tử và giáo hội ở Khánh Hòa và Bình Thuận cung tiến. Trong đó tại Song Tử Tây ngôi chùa lớn nhất Trường Sa từ cuối năm 2017 có thêm đại hồng chung nặng 1,5 tấn do nghệ nhân ở Huế đúc, trên các múi chuông khắc phù điêu bản đồ biển đảo Việt Nam, các chùa Một Cột và Linh Mụ…

Duyên may, là cha con người trực tiếp đúc ra cả 9 đại hồng chung Trường Sa ấy lại ở chung phòng D4 tàu Trường Sa 571 với tôi trong suốt hải trình dài gần nửa tháng. Đó là Nghệ nhân ưu tú Vũ Duy Thuấn sinh năm 1957 và con trai Vũ Mạnh Thường sinh năm 1983. Cha con cùng nước da đồng hun, vóc dáng như gấu nhưng lúc nào cũng cười chân chất hiền lành.

Sau 12 năm chiến đấu và phục vụ chiến đấu chủ yếu ở chiến trường Campuchia, đến năm 1996 cựu chiến binh Vũ Duy Thuấn về lại quê làng Vạn Điểm thị trấn Lâm, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định với tấm thẻ thương binh 4/4. Câu chuyện chao lắc theo từng cơn sóng biển suốt nhiều ngày với ông, tôi hình dung cái thời ông đại úy thương binh ấy cởi áo lính về nhà với hai bàn tay trắng khó khăn nhường nào. Ông lao ra đường vá xe, bơm ga, bán quần áo mưu sinh. Rồi duyên may cái nghề đã tìm đến ông. Số là trước đó từ năm 1981, trong một lần được về phép, ông cưới vợ. Nhà bà Nguyễn Thị Dung vợ ông vốn ba đời làm nghề đúc đồng. Với kinh nghiệm trung cấp kỹ thuật quân khí trong quân đội, ông đã từng theo bố vợ là ông Nguyễn Xuân Tố đi Thái Nguyên, Quảng Ninh đúc chân vịt bằng gang và đồng thau cho tàu thủy, bánh xe gòng chở than… Đến những năm cuối thập kỷ 90, các công trình văn hóa tâm linh mở mang nhiều, ông vào hẳn nghề đúc, chuyên về lư hương, đồ thờ…

Treo chuông giữa Biển Đông ảnh 4

Cha con ông Thuấn với chuông chùa Trường Sa Đông vừa an vị Ảnh: Trần Tuấn

Bước ngoặt đến như phép màu, khi năm 2001, ông được tin tưởng giao đúc tượng đồng liền khối Phật tổ Như Lai lớn nhất Việt Nam cao 6,5 mét nặng 30 tấn, đặt tại chùa Non Nước trên đỉnh núi Sóc, Hà Nội. Nghe kể năm ấy Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Tứ lần đầu tiếp xúc với ông Thuấn, thấy một ông “nhà quê” đi xe ôm lên nói năng thật thà chân chất nên đã đặt niềm tin giao việc lớn…

Năm 2002, gia đình ông lập ra Công ty đúc đồng Thuấn Dung. Để rồi hàng loạt kỷ lục được cha con ông thiết lập. Đó là kỷ lục ba pho tượng Phật Tam Thế bằng đồng mỗi pho cao 7,11m, rộng 5,35m, nặng 50 tấn được đặt trong chùa Bái Đính (Ninh Bình), hoàn thành trong ba năm 2003-2006. Là tượng Phật Bồ Tát nghìn tay nghìn mắt nặng 70 tấn (năm 2009), Bảo tháp cao 14,7m nặng 34 tấn (năm 2011 - 2012) đặt tại chùa Bái Đính. Là tượng đài Hòa Bình nặng 20 tấn cao 8,7m đặt tại công viên Hòa Bình (Hà Nội), công trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long…

Treo chuông giữa Biển Đông ảnh 5

Chuyển chuông giữa Biển ĐôngẢnh: Trần Tuấn

Đặc biệt là tượng Thánh Gióng trong tư thế cởi giáp, vẫy chào quê hương, thăng thiên hóa thánh nặng 95 tấn, cao 12m vươn ra 16m ở thế bay với góc nghiêng 35 độ đặt trên đỉnh núi Đá Chồng (Sóc Sơn, Hà Nội) cao 3.600m so với mặt nước biển đúng dịp chào mừng 1.000 năm Thăng Long. Để đưa được 5 thớt tượng nặng hàng trăm tấn đồng nguyên chất này lên đỉnh núi cao, ban tổ chức đã phải mở con đường công vụ dài 5km rộng 6m cho hai chiếc xe siêu trường siêu trọng vận chuyển tượng. Trước đó cũng đã tính đến phương án dùng trực thăng để chuyển tượng, nhưng khó khả thi… Một công trình kỳ vĩ khác của ông Thuấn và gia đình là tượng Phật Bồ Tát đặt trên đỉnh Phan Xi Păng (Sa Pa, tỉnh Lào Cai) cao 12m, nặng 18 tấn bằng đồng đỏ. Chưa kể tượng chân dung những danh nhân như Nguyễn Xí, Nguyễn Du, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Văn Cừ, và hàng trăm pho tượng Bác Hồ được đặt tại những nơi trang trọng trên cả nước, như bến Nhà Rồng, Bảo tàng Hồ Chí Minh (TPHCM),..

… Không ngờ người đàn ông ngoài lục thập nhưng vâm váp nom như nông dân, thường xuyên bị say sóng đứ đừ nhiều bữa phải bỏ cơm lại có được đôi tay và khối óc tài hoa làm nên những tượng đài kỳ vĩ đến vậy. Đây là lần đầu tiên cha con ông Thuấn ra Trường Sa thăm lại những quả chuông của mình. Ngay trước cổng căn cứ Cam Ranh nơi hôm trước đoàn chúng tôi lên tàu ra biển cũng đã lưu dấu ấn của cha con ông. Đó là bức phù điêu bản đồ Việt Nam với 63 tỉnh thành và các đảo, quần đảo đúc bằng đồng diện tích 2,4 x 3,6m vừa hoàn thành năm 2021.

Từng thi công đặt tượng trên những đỉnh cao nhất như đỉnh chóp Phan Xi Păng, núi Sóc, Bái Đính, nay ra với sóng gió Trường Sa… Người từng đúc hàng trăm quả chuông, có đại hồng chung nặng tới 6,3 tấn hiện treo tại cổng tam quan chùa Tam Chúc, cũng chính là người đúc 9 quả chuông quy mô có phần “khiếm tốn” chỉ vài tạ treo tại 9 ngôi chùa trên quần đảo Trường Sa suốt mười mấy năm qua. Hỏi xem ông nghĩ gì? Để rồi trong câu chuyện, tôi chợt hiểu ra, rằng cái làng nghề 900 năm tuổi của ông, người đầu tiên thụ giáo nghề đúc đồng cho làng lại chính là một vị sư. Có lẽ vậy nên tiếng chuông Bát Nhã luôn ấm áp, huyền nhiệm và có đạo vị…

Tôi để ý tại mỗi chùa trên Trường Sa, ông Thuấn đều lặng lẽ tìm đến những quả chuông để vuốt ve trìu mến. Hôm ở Sinh Tồn Đông khi chuyển chuông vào an vị, dù không phải phần việc của mình nhưng cha con ông cũng xúm vào chỉ huy việc treo chuông. Thử thỉnh nhẹ vài tiếng chuông, ông xoa tay tỏ ra ưng ý. Lần treo chuông ở chùa Đá Tây A, muộn quá, trời đã tối đen sóng dữ ca nô không quay về tàu được, Thưởng con ông cùng mấy anh em phải ngủ lại đảo, suốt đêm ông cứ trăn trở, nhớ con nhớ chuông… Nhớ hôm ở chùa Sinh Tồn, khi thầy Nguyên Đạt chậm rãi thỉnh chuông cầu nguyện cho những liệt sĩ Gạc Ma, ông Thuấn trong bộ quân phục cũ lặng lẽ đứng sau chắp tay.

Và lúc ấy cũng thật kỳ lạ, giữa những tiếng chuông Bát Nhã trầm lắng, tôi thấy một cậu bé con một gia đình dân cư trên đảo, nhỏ lắm, đâu chừng 4-5 tuổi cùng em gái đứng nghiêm trang, đôi tay cũng chắp lại, mũm mĩm như búp sen nhỏ. Như một trò nghịch giỡn chăng, hay là sự nhiếp niệm tình cờ…

Trường Sa, tháng 6-7/2022

Kỳ 4: Những kíp thợ chùa

MỚI - NÓNG