Thông tin hàng trăm trẻ nhiễm sán lợn ở Thuận Thành, Bắc Ninh, khiến không ít người lo ngại cho sức khoẻ của con em và cho chính mình. Vậy, với tình trạng mới nhiễm sán có thì ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe?
Giáo sư Nguyễn Văn Đề - nguyên Trưởng Bộ môn Ký sinh trùng – Trường Đại học Y Hà Nội cho hay, với những trường hợp mới nhiễm sán, hoặc người bệnh dương tính với sán lợn thì chỉ cần uống thuốc theo bác sĩ kê đơn và khám lại sau một thời gian.
Cũng theo GS. Đề, nếu ăn phải sán lợn gạo thì chỉ từ 10 đến 15 ngày xét nghiệm máu bằng phương pháp ELISA là có thể phát hiện có dương tính với sán không.
Tuy nhiên, GS. Đề cũng lưu ý, với những người bị sán lâu ngày khiến sán đóng kén thì việc điều trị sẽ khó khăn hơn.
Cũng theo GS. Đề số bệnh nhân mắc sán lợn trong cộng đồng không phải hiếm nhất là khi việc chăn nuôi, canh tác còn nhiều hạn chế như ở nước ta. Tuy nhiên, số bệnh nhân ăn phải sán gạo lợn gây sán không nguy hiểm bằng bệnh nhân ăn phải nang sán lợn gạo như ăn rau sống chứa nang sán do lợn thải ra. Nếu ăn phải nang sán do lợn thải ra thì phát triển sán nhanh hơn.
Còn theo Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, đối với người, tùy thuộc ăn hay nuốt phải trứng, hay nang ấu trùng có thể mắc các thể bệnh như sau:
Bệnh ấu trùng sán lợn: Người ăn phải trứng sán dây lợn nhiễm trong thức ăn, sau khi ăn hay nuốt phải trứng sán, trứng vào dạ dày, nở ra ấu trùng, đến ruột non, ấu trùng xuyên qua thành ống tiêu hóa vào máu và di chuyển đến ký sinh tại các cơ vân, não, mắt,… Trường hợp này là nhiễm từ môi trường bên ngoài cơ thể nên có thể thấy ít ấu trùng ở các mô.
Trong trường hợp người bệnh có sán trưởng thành trong ruột, khi đốt sán già rụng, có thể đốt sán bị trào ngược lên dạ dày do phản ứng của nhu động ruột, như vậy sẽ tương tự như ăn phải đốt sán mới, do đó số lượng ấu trùng sẽ rất lớn. Ấu trùng sán theo máu đến các cơ, mắt hay não của người và sẽ hóa nang.